Doanh Nghiệp

Vụ kiện Vinasun và Grab chưa có hồi kết

Huy Vũ Thứ Sáu | 19/10/2018 15:32

Sáng ngày 19/10, vụ kiện giửa Vinasun và Grab vẫn chưa có hồi kết và vẫn xoay quanh các kết quả giám định thiệt hại từ Vinasun đưa ra.

Cụ thể, kết quả thẩm định của Cửu Long, công ty thẩm định thiệt hại cho Vinasun (do tòa chỉ định) bị Grab cho rằng còn nhiều điểm chưa rõ. Tuy nhiên đơn vị này lại không có mặt ở tòa từ hôm 17.10 đến nay.

Tại phiên tòa sáng ngày 19.10, đại diện Vinasun không trả lời được các câu hỏi liên quan đến nghiên cứu giám sát thiệt hại do Cửu Long thực hiện của Tòa. Vinasun ban đầu xác nhận Cửu Long và hai công ty nghiên cứu thị trường khác thực hiện nghiên cứu xác định thiệt hại dựa trên số liệu do Vinasun cung cấp nhưng sau đó thay đổi ý kiến và cho rằng các công ty nghiên cứu thị trường có cách tính riêng và tự lấy số liệu.

Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa hỏi về việc sai sót trong số liệu có ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu hay không thì đại diện Vinasun cho rằng không ảnh hưởng . Vinasun cũng không đồng tình với ý kiến của Viện Kiểm sát rằng theo đề án thí điểm, Grab được phép thỏa thuận giá cước với các đối tác kinh doanh vận tải và có trách nhiệm hỗ trợ các đối tác kinh doanh xuất hóa đơn điện tử cho khách sau mỗi chuyến đi.

Trước đó, đại diện Grab đã phản đối bản nghiên cứu của Cửu Long có nhiều sai sót và mẫu thuẫn. Cụ thể việc sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường của Vinasun, là tổng giá định của các cổ phiếu do các cổ đông của công ty sở hữu, không thể là một chỉ số xác định thiệt hại bị gây ra bởi một công ty. 

Bên cạnh đó, cách tính sụt giảm dựa trên sự khác biệt giữa giá trị sổ sách và giá trị vốn hóa của Vinasun trong một ngày cụ thể (ngày 30.6.2017), và không phản ảnh toàn bộ giai đoạn mà vụ kiện đặt ra. Giá trị vốn hóa thị trường của một công ty có niêm yết chứng khoán thay đổi liên tục theo ngày, và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô. Đại diện Grab cho rằng không công bằng khi định họ phải chịu lỗi cho những biến động trên thị trường mà tất cả mọi công ty, bao gồm cả Vinasun, gặp phải trong thời gian qua. 

Kế đến, báo cáo của Cửu Long giả định rằng các doanh nghiệp xe hợp đồng điện tử là lý do duy nhất khiến các xe taxi Vinasun nằm bãi và không hoạt động. Grab phản đối vì báo cáo giám định không xem xét đến các yếu tố phụ trợ khác, ví dụ như xe cũ chờ sửa chữa, bảo trì hay thay thế, tài xế nghỉ phép, cũng như ảnh hưởng từ việc Vinasun thay đổi mô hình kinh doanh sang hình thức nhượng quyền xe - tức là thay vì thuê tài xế như là nhân viên, Vinasun đã nhượng quyền khai thác xe cho tài xế. 

Một điểm nữa là Cửu Long tính toán rằng mỗi ngày chỉ có 1.75 xe nằm bãi trong năm 2016 trên tổng số 6.200 xe của Vinasun, rồi xem đây là thiệt hại. Trên thực tế, Vinasun thừa nhận rằng điều này hoàn toàn không có gì bất thường khi có một số lượng xe như thế này nằm bãi.

Việc Vinasun kiện  Grab đã kéo dài hơn 7 tháng. Theo đó, đơn vị này kiện Grab ra tòa bồi thường 42 tỉ đồng thiệt hại ngoài hợp đồng do Grab lợi dụng việc Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi.

Về phía Grab, đơn vị này không đồng tình với quan điểm Vinasun đưa ra và khẳng định đều làm theo quy định của Chính phủ và các Bộ ban ngành liên quan. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày