Doanh Nghiệp

Vụ việc Khaisilk bán lụa Trung Quốc: Đường vòng "OEM, ODM, OBM"

Khánh Đan Thứ Năm | 26/10/2017 17:57

Tienphong, Vietnambiz

Ông chủ thương hiệu Khaisilk đã thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc.
Tienphong, Vietnambiz

Vì sao trùm tơ lụa Hoàng Khải quay sang bán phở?

Những ngày qua, thông tin chuỗi cửa hàng Khaisilk bán lụa Trung Quốc mác Việt đã lan rộng trong dư luận. Khách hàng đã phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn hai nhãn mác khác nhau, một nhãn với nội dung "Khaisilk - Made in Vietnam", còn một nhãn nữa với nội dung "Made in China".

Trước áp lực dư luận, đến ngày 26.10, doanh nhân Hoàng Khải đã lên tiếng thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, với tỷ lệ hàng Trung Quốc/hàng Việt Nam là 50/50, và cho biết ông "cúi đầu xin lỗi" khách hàng. Người đứng đầu Khaisilk cũng cam kết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả và sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.

Về lý do nhập lụa Trung Quốc, ông Khải cho biết đã làm việc này từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái, khiến doanh nghiệp không tìm đủ nguồn hàng phù hợp trong nước.

 Vu viec Khaisilk ban lua Trung Quoc: Duong vong
 

"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải lý giải với báo chí.

Vậy là sau một thời gian im lặng, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk, cuối cùng cũng đã có phát ngôn chính thức về vụ người tiêu dùng tố khăn lụa Khaisilk gắn mác “Made in Vietnam” nhưng thực chất lại là hàng “Made in China” bị cắt mác.

Thực tế, lời xin lỗi này dường như chỉ nhằm làm nhẹ sự phẫn nộ của các khách hàng chứ câu trả lời của ông Khải vẫn chưa giải thích rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của Khaisilk.

Một số chuyên gia trong ngành sản xuất cho biết có một số khái niệm khá quen thuộc trong giới như OEM, ODM và OBM.

OEM (Original Equipment Manufacturer) thường được dùng để chỉ các công ty thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác. Một cách dễ hiểu hơn, công ty OEM sẽ sản xuất “giúp” cho công ty khác. Sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm.

Trong khi đó, ODM (Original Design Manufacturer) là khái niệm để chỉ các công ty đảm nhiệm việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu. Các công ty ODM này giúp đưa các ý tưởng thành một thiết kế thực sự.

Ngoài hai khái niệm trên còn có khái niệm OBM (Original Brand Manufacturer). Đây là khái niệm để chỉ các công ty không tham gia vào quá trình thiết kế hay sản xuất mà chỉ phát triển thương hiệu. Các công ty đó mua lại sản phẩm được chế tác hoàn toàn bởi công ty khác và chỉ đóng thương hiệu của mình lên đó để làm tăng giá trị cho sản phẩm.

Tuy nhiên, cũng cần phân biệt OEM, ODM, OBM với các doanh nghiệp chủ động sang Trung Quốc đặt hàng, đi đường tiểu ngạch đưa về nước sau đó thay đổi nhãn mác để ăn chênh lệch giá.

Theo một số người, cách làm này chính là gian lận thương mại và nó xảy ra là do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu chưa chặt. Đặc biệt, bản chất của sự gian lận này là do các nhà kinh doanh trong nước chủ động tạo ra nhằm tìm kiếm những khoản lợi nhuận kếch xù.

Một vụ việc khá ồn ào đã xảy cách đây đúng 10 năm đó là trường hợp của Khóa Minh Khai. Khi đó Đội Chống hàng giả thuộc Công An TP.Hà Nội bất ngờ ập vào nơi Công ty Khóa Minh Khai đang thuê làm văn phòng đại diện và phát hiện 3 công nhân đang tiến hành tháo vỏ hộp khóa Trung Quốc thay thành khóa Minh Khai.

Khi thay vỏ, công nhân tháo bỏ các phần hướng dẫn bằng tiếng Anh và để vào đó hướng dẫn, phiếu CKS, bảo hành của khóa Minh Khai. Trong hơn 1.000 chiếc khóa tại hiện trường đã có 284 chiếc được “thay da đổi thịt”.

Đối với Khaisilk, mặc dù trong tuyên bố của mình, ông Khải cam kết sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn, đồng thời “sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn.”

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà nhiều người quan tâm đó là cần làm rõ nguồn gốc các mặt hàng Khaisilk đã bán trong hơn 20 năm qua. Chất lượng các mặt hàng đó ra sao và quá trình hàng được nhập về có đúng với các quy định của pháp luật hay không.

Thực tế, cơ quan quản lý thị trường đã nhập cuộc để làm rõ vấn đề nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm Khaisilk đã và đang kinh doanh. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng các cơ quan thuế, Cục Quản lý cạnh tranh và cả Hội Bảo vệ người tiêu dùng... cũng sẽ vào cuộc. Lời xin lỗi muộn của ông Khải đã được một số người cảm thông và chia sẻ. Tuy nhiên, vụ việc “treo lụa ta, bán khăn Tàu” này sẽ không khép lại đơn giản chỉ bằng một lời xin lỗi.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày