Doanh Nghiệp

Vua Nệm thêm vốn triệu đô

Ngọc Thủy Thứ Ba | 12/06/2018 07:30

Việt Nam có khoảng 25 triệu hộ gia đình và 40% trong số này sử dụng nệm. Ảnh: Quý Hòa

Vua Nệm dấn bước và muốn chiếm lĩnh thị trường chăn ga gối nệm chủ yếu vì nhìn thấy tiềm năng từ ngành này.
Việt Nam có khoảng 25 triệu hộ gia đình và 40% trong số này sử dụng nệm. Ảnh: Quý Hòa

Mekong Capital vừa công bố Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) đã hoàn tất khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Vua Nệm. Mekong Capital không cho biết số tiền đầu tư cụ thể là bao nhiêu nhưng quỹ này thường rót 6-15 triệu USD cho mỗi thương vụ. Đây là khoản đầu thứ 7 của quỹ MEF III. Kể từ khi ra mắt (tháng 5.2015), quỹ MEF III với quy mô vốn 112,5 triệu USD đã tham gia đầu tư vào Yola, Nhất Tín Logistics, Vàng bạc Đá quý Bến Thành (BTJ), F88, Chảo Đỏ, ABA. 

Các công ty này đều chưa niêm yết, hoạt động trong các lĩnh vực tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, phân phối và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, khẩu vị của quỹ MEF III còn là tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng gia tăng giá trị đầu tư và MEF III có thể đầu tư thiểu số hoặc nắm quyền kiểm soát.

Bà Nguyễn Thu Thủy, người phụ trách chính cho khoản đầu tư vào Vua Nệm của MEF III, cho biết trong tương lai, “quỹ MEF III sẽ hoàn tất đầu tư vào 3-4 công ty nữa”. Tuy nhiên, trước mắt, MEF III sẽ dành nguồn lực hỗ trợ cho các công ty mà quỹ này đã rót vốn, nhất là ở các khoản đầu tư mới như Vua Nệm.

Vua Nệm là ai?
Vua Nệm ra đời năm 2007, được thành lập bởi 2 doanh nhân Việt Nam là ông Hoàng Tuấn Anh và ông Nguyễn Vũ Nghĩa. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối nệm và chăn ga gối lớn nhất Việt Nam. Ban đầu, khi nghiên cứu mô hình chuỗi bán lẻ nệm Mattress.com nổi tiếng ở Mỹ, 2 nhà sáng lập Vua Nệm đã có khát khao tổ chức chuỗi cửa hàng tương tự Mattress tại Việt Nam.

Họ mua lại tên miền Dem.vn và phát triển Công ty, sau đó lập thêm vuanem.com. Nhưng khoản đầu tư của Mekong Capital đã thúc đẩy Vua Nệm sáp nhập hai tên tuổi này lại làm một thương hiệu duy nhất là Vua Nệm, như một cách tập trung và tối ưu hóa các nguồn lực. Ngoài ra, theo ông Hoàng Tuấn Anh, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Vua Nệm, “thương hiệu Vua Nệm cũng phù hợp với định vị trở thành thương hiệu dẫn đầu, số 1 trong ngành của Công ty”.

Vua Nệm dấn bước và muốn chiếm lĩnh thị trường chăn ga gối nệm chủ yếu vì nhìn thấy tiềm năng từ ngành này. Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam có khoảng 25 triệu hộ gia đình và 40% trong số này sử dụng nệm. Với vòng đời của chiếc nệm là 7 năm và mỗi hộ gia đình có khoảng 2 tấm nệm thì trung bình mỗi năm, Việt Nam cần 4 triệu tấm nệm. Căn cứ giá trị trung bình một đơn hàng mua nệm và chăn ga khoảng 4 triệu đồng thì quy mô thị trường bán lẻ chăn ga gối nệm ước khoảng 16.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, theo thống kê của Trung tâm Du lịch, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao, vào năm 2016, Việt Nam đã có khoảng 420.000 phòng đăng ký dịch vụ lưu trú. Như vậy, riêng nhu cầu chăn ga gối nệm phục vụ cho các khách sạn đã vào khoảng 3.000 tỉ đồng. Khi ngành du lịch ngày càng tăng trưởng và đón hàng chục triệu lượt khách du lịch mỗi năm, thị trường chăn ga có thể đạt đến giá trị hàng tỉ USD.  

Nhưng lâu nay, thị trường chăn ga gối nệm ở Việt Nam được ông Hoàng Tuấn Anh ví như mảng bán lẻ điện thoại di động của 10 năm trước. Nghĩa là manh mún và phân tán, với hàng ngàn cửa hàng khắp nơi nhưng hơn 90% là các cửa hàng nhỏ lẻ, theo hình thức hộ cá thể. Các nhà sáng lập Vua Nệm đã nhìn thấy cơ hội chiếm lĩnh thị trường này nếu biết tổ chức phân phối chăn ga gối nệm một cách bài bản, thành chuỗi bán lẻ. 

Ngay từ ban đầu, Vua Nệm đã vận hành Công ty theo mô hình cổ phần, với sự góp vốn từ nhiều cổ đông, huy động các nguồn nội lực và cả vốn ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng, coi trọng minh bạch trong quản lý tài chính, cởi mở trong tuyển dụng, xây dựng đội ngũ quản lý cấp cao. Đáng chú ý, hàng hóa bày bán ở các cửa hàng của Vua Nệm rất phong phú, với nhiều thương hiệu uy tín trong và ngoài nước như Tempur (Mỹ), Aeroflow (Nhật), Dunlopillo (Tây Ban Nha), Kim Cương, Liên Á, Hanvico (Việt Nam)... Tất cả đều là sản phẩm được mua trực tiếp từ nhà sản xuất, có đầy đủ chứng từ hóa đơn. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện quỹ MEF III, đây là những lý do để quỹ MEF III quyết định đầu tư vào Vua Nệm.

Mối lương duyên giữa MEF III và Vua Nệm chỉ mất 8 tháng tìm hiểu để đi tới quyết định “kết hôn”. Từ đây, Vua Nệm càng có cơ sở để vươn tới những mục tiêu tăng trưởng mới. 10 năm qua, Vua Nệm đạt tăng trưởng khá ấn tượng, với mức trung bình 50%/năm và đã thiết lập được 40 cửa hàng ở 23 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Nhưng sắp tới đây, với sự tiếp sức của Mekong Capital, Vua Nệm hướng đến kế hoạch mở rộng hệ thống lên 300 cửa hàng giai đoạn 2021-2022. Trước mắt, Vua Nệm muốn nâng con số cửa hàng lên gần gấp đôi, đạt 70 cửa hàng ngay trong năm nay.

Vua Nệm hậu rót vốn
Ông Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, Vua Nệm gặp ít nhiều khó khăn trong chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng. Bởi ngoài cạnh tranh khốc liệt trong tìm kiếm mặt bằng, điều quan trọng là Vua Nệm phải có được đội ngũ tinh nhuệ. 

Phân phối nệm còn có khó khăn khác, liên quan đến vòng đời sản phẩm chậm (7 năm). Vì thế, việc xây dựng chiến lược phát triển cũng như vận hành hệ thống sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các lĩnh vực bán lẻ tiêu dùng khác. Vua Nệm cần sự tư vấn giúp đỡ của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong chuỗi bán lẻ nệm. Trong khi đó, Mekong Capital có khả năng kết nối và giới thiệu những chuyên gia giỏi trên thế giới. Ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng: “Sự giúp sức của Mekong Capital sẽ giúp chúng tôi trong công tác quản trị và ra quyết định một cách chính xác”.

Thực tế, Mekong Capital đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ Vua Nệm thông qua mô hình đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng. Đó thường là tầm nhìn giá trị công ty sẽ tăng 5 lần sau 5 năm. Để đạt tầm nhìn này, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, Mekong Capital đã làm việc chặt chẽ với Vua Nệm để đảm bảo hoạt động hiệu quả, áp dụng các thông lệ tốt nhất của ngành. Cụ thể hơn, Mekong Capital sẽ mời chuyên gia từ chuỗi Mattress Firm sang giúp sức cho Vua Nệm, dùng kinh nghiệm quản trị của mình trong ngành bán lẻ để góp phần xây dựng đội ngũ quản lý ở Vua Nệm, xây dựng chính sách lương thưởng giữ chân người tài, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tự động hóa về kỹ thuật số… 
Thay đổi đáng chú ý nhất là Vua Nệm đang triển khai hệ thống quản trị bán lẻ ERP. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, điều còn cần phải cải thiện ở Vua Nệm tại thời điểm này là xây dựng lại website thương mại điện tử bán hàng với các thông tin hàng hóa cập nhật, hình ảnh và sản phẩm sao cho gần gũi với khách hàng.

Ở khía cạnh thị trường, Vua Nệm vẫn còn nhiều việc phải làm, liên quan đến thay đổi thói quen người tiêu dùng. Lấy ví dụ, nhiều người Việt Nam còn thích nằm chiếu hoặc nệm cứng và cho rằng như thế sẽ tốt cho sức khỏe. Trong khi một tấm nệm mềm mại, đàn hồi theo trọng lượng cơ thể sẽ giúp cơ thể không bị chèn ép và tạo giấc ngủ ngon. Đây là lý do ông Hoàng Tuấn Anh cho biết, Vua Nệm sẽ ưu tiên đào tạo nhân sự có khả năng tư vấn tốt, để giúp khách hàng hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của chiếc nệm. Phía MEF III đánh giá, đây chính là cơ hội để Vua Nệm bứt phá so với các người chơi khác trong ngành.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày