Kinh Doanh

Chạm vào di sản trong Metaverse

Trực Thanh Thứ Ba | 24/01/2023 13:30

Mỹ Sơn Metaverse. Ảnh: TL.

Xuyên không ngắm nhìn và chạm vào những di sản trong quá khứ trên nền tảng Metaverse (vũ trụ ảo).
Mỹ Sơn Metaverse. Ảnh: TL.

Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đưa vào vận hành hệ thống Metaverse, nhằm nâng cao tính trải nghiệm cho khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới. Với “Mỹ Sơn Metaverse”, được lập trình bằng hình vẽ không gian 3D dựa trên tỉ lệ thực, du khách có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp bằng nhân vật thay thế - đại diện (avatar). 

Ngược dòng về quá khứ

Hay mới đây, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng hợp tác với Công ty Bizverse World số hóa toàn bộ hoạt động du lịch của địa phương lên Metaverse. Sau khi đi vào hoạt động, khách du lịch có thể tận hưởng Hội An theo cách thức hoàn toàn mới mà không cần thiết phải đến tận nơi để trải nghiệm.

 

Thực tế, công nghệ thực tế ảo và rộng hơn là Metaverse đang giúp con người có thể ngược dòng về quá khứ với di sản được UNESCO công nhận như Tràng An, Hoàng Thành Thăng Long... Ông Trần Thanh Tùng, sáng lập Hội quán Di sản, cho biết: “Công nghệ vừa là một xu hướng, cũng là cầu nối cho những người tìm hiểu, người làm văn hóa có cơ hội giả lập trên thực tế ảo, giúp công chúng hiểu sâu hơn, có cách nhìn đa dạng hơn về văn hóa”.

Chẳng hạn, Hội quán Di sản đã tái hiện nhiều trải nghiệm văn hóa Việt Nam thông qua công nghệ thực tế ảo hấp dẫn như Cung thủ Long Thành, xuyên không ngắm nhìn Thăng Long xưa và những di sản đương đại Việt Nam trong thế giới Metaverse... 

Trên thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Microsoft, Apple, Google, Tencent... đang rót hàng chục tỉ USD để xây dựng lên các Metaverse. Theo đó, cơn sốt về Metaverse đang lan rộng và ranh giới đã chạm vào thế giới thực. Nhiều thành phố thế giới công bố việc tham gia vào Metaverse như một bước đi vào tương lai. Điển hình là Thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã công bố phiên bản Metaverse. Seoul có nhiều lý do để đầu tư 3,9 tỉ won (3,3 triệu USD) cho dự án này.

Diễn giả Hoseon Chae cho biết: “Đến năm 2026, Thủ đô Hàn Quốc đặt mục tiêu xây dựng hoàn thiện môi trường Metaverse cho tất cả các dịch vụ công, bao gồm cả các dịch vụ về kinh tế, giáo dục, văn hóa và du lịch”. Điều đáng chú ý, các điểm du lịch chính ở thủ đô Seoul, chẳng hạn như Quảng trường Gwanghwamun, Cung điện Deoksu và Chợ Namdaemun, sẽ được giới thiệu trên “Đặc khu Du lịch ảo”. Phục dựng nhiều địa điểm lịch sử đã biến mất  như Cổng Donuimun cũng được tái hiện sinh động trong không gian ảo. Không dừng lại ở đó, từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu của thủ đô Seoul cũng sẽ được tổ chức trên Metaverse, nhằm tiếp cận mọi du khách trên khắp thế giới.

Đưa chủ đề Metavaverse trở thành chiến lược của tương lai, thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã công bố tham vọng trở thành nền kinh tế Metaverse toàn cầu. “Đề án phát triển Metaverse” của Dubai thực hiện trong 5 năm, với mục tiêu có lĩnh vực Metaverse đóng góp GDP hằng năm lên 1% và tăng trưởng kinh tế Metaverse lên 4 tỉ USD vào năm 2030.

Tài sản hóa di sản 

Báo cáo của Deloitte cho biết Việt Nam cùng với Indonesia, Thái Lan, các nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, đang tiên phong trong các mô hình kinh doanh mới với công nghệ Web 3 và blockchain. Hơn nữa, khu vực này có các di sản văn hóa phong phú và đa dạng để khai thác phát triển nội dung và trải nghiệm hấp dẫn. Nhiều quốc gia đang tận dụng di sản của mình để tạo ra các ngành công nghiệp Metaverse mới.

Theo Strategy&, một công ty con của hãng tư vấn toàn cầu PwC, ngành du lịch và lữ hành được hưởng lợi nhiều nhất từ Metaverse, với ước tính doanh thu khoảng 3,2 tỉ USD mỗi năm.

Việt Nam hiện được đánh giá là điểm nóng cho công nghệ thực tế ảo khi nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu khu vực về blockchain và Metaverse. Theo dự báo của Công ty MarketAndMarkets, quy mô của các thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt 2,6 tỉ USD vào năm 2026, gấp 5 lần so với hiện tại. Chẳng hạn, Viettel đã đầu tư vào nghiên cứu, thiết kế và làm chủ các công nghệ mô phỏng hiện đại, đồng thời xác định vũ trụ ảo sẽ là mảng mang lại doanh thu lớn cho Tập đoàn trong những năm tới. VNG đã rót 81 triệu USD vào Haegin, một dự án khởi nghiệp về Metaverse của Hàn Quốc.

Đang có lợi thế về Metaverse, blockchain, nhiều điểm đến tại Việt Nam cũng bắt tay với các công ty công nghệ để quảng bá du lịch rộng rãi hơn trên nền tảng Metaverse, bao gồm việc số hóa các di tích, làng nghề dưới dạng hình ảnh 3D, lập bản đồ kèm theo giọng thuyết minh của hướng dẫn viên tại các điểm tham quan.

 

Theo đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trong dự án Metaverse Phố cổ Hội An, ứng dụng NFT sẽ giúp ích đối với công tác lưu trữ, quản lý, các thông tin về di tích sẽ đảm bảo được tính minh bạch, bất biến và phân quyền cụ thể, ví dụ trong quá trình trùng tu, bảo dưỡng di tích, bàn giao cổ vật... NFT cũng hỗ trợ việc khai thác thương mại từ các bản quyền mở, bản quyền thương mại của các di tích, cổ vật thông qua công nghệ NFT để quyên góp, gây quỹ bảo tồn và phát triển di tích.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Với sự phát triển của công nghệ thì văn hóa nghệ thuật ngày nay không chỉ là di sản mà còn là tài sản hết sức quan trọng... Văn hóa nghệ thuật không chỉ là ngành để duy trì về mặt đời sống, mà còn là một ngành kinh tế có thể phát triển bền vững. Nhiệm vụ của chúng ta và thế hệ trẻ là chuyển đổi các di sản thành tài sản có giá trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sao cho không chỉ bảo tồn mà phải khai thác và phát triển những giá trị này một cách hiệu quả nhất.”


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày