Kinh Doanh

Đường Quảng Ngãi: Tìm lại vị ngọt doanh thu

Hồ Điệp Thứ Năm | 28/03/2019 09:00

Tập trung củng cố sản xuất và kinh doanh, Đường Quảng Ngãi tự tin với chiến lược phát triển dài hạn.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung chững lại với mức tăng 3,3%/năm, trong đó ngành hàng sữa đậu nành giảm mạnh hơn đến 4% (theo AC Nielsen retail audit 2018). Song, khi đầu tàu FMCG di chuyển chậm lại, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS), đơn vị sở hữu thương hiệu Vinasoy dẫn đầu trong ngành hàng sữa đậu nành, vẫn gây lan tỏa với kết quả kinh doanh khả quan năm 2018. Cụ thể, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 8.218 tỉ đồng (tăng trưởng 6% YoY), lợi nhuận ròng ghi nhận 1.240 tỉ đồng (tăng trưởng 21% YoY).

Củng cố tình hình hiện tại

So với các doanh nghiệp đầu ngành khác phải chịu lợi nhuận bị co hẹp, Đường Quảng Ngãi lại tự bước đi trên một con đường khác – con đường củng cố nội lực và xây dựng nền tảng cho tương lai. Doanh nghiệp hiểu rằng, cùng với những bước tiến của nền kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường sẽ càng chuyển biến đa dạng. Do đó, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và kiểm soát chi phí tốt là mục tiêu mà doanh nghiệp luôn bền chí thực hiện.

Với sự cố gắng bền bỉ, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn nganh hàng, đạt mức 5% và 20% tương ứng. Tỉ suất lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 26%/năm lên 30%/năm. Trong đó, đường và sữa đậu nành là 2 phân khúc đóng góp nhiều nhất. Theo kết quả kinh doanh 2018, mảng sữa đậu nành đóng góp hơn 50% doanh thu và 70% lợi nhuận sau thuế, trong khi mảng đường, điện sinh khối và các lĩnh vực khác đóng góp 50% doanh thu và 30% lợi nhuận ròng còn lại.

Theo ước tính của VNDIRECT, việc Đường Quảng Ngãi chủ động nâng công suất nhà máy đường An Khê thêm 80% vào cuối năm 2017, đã giúp sản lượng đường bán ra năm 2018 đạt 204.000 tấn (tăng trưởng 57,8% YoY). Doanh thu mảng đường nhờ vậy cũng lấy đà tăng mạnh 20,6% so với cùng kỳ, dù giá đường trung bình thị trường giảm. Hiện tại, Đường Quảng Ngãi đã hoàn thành việc mở rộng nhà máy đường An Khê lên 20.000 tấn mía/ngày, trở thành nhà máy đường có công suất lớn nhất Việt Nam.

Về mảng sữa đậu nành với thương hiệu Vinasoy, doanh nghiệp vẫn duy trì được sản lượng và doanh thu tương đồng so với cùng kỳ năm trước. Dù thị trường chịu sự giảm tốc chung của ngành FMCG tại Việt Nam (theo Nielsen), Song với niềm tin “đi gieo an lành”, bức tranh kinh doanh trong quý 4/2018 của doanh nghiệp khả quan hơn với doanh thu vượt hơn kỳ vọng. Ý thức được trách nhiệm mà người tiêu dùng gửi trao, Vinasoy hiện tập trung phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao, đầy đủ dưỡng chất, phục vụ đa dạng hơn nhu cầu cầu của người dùng. Năm 2018, Vinasoy đã giới thiệu sản phẩm mới Fami Go với 2 vị mè đen nếp cẩm và đậu đỏ nếp cảm cho ngày mới đầy năng lượng. Đây cũng là xu thế tiêu dùng FMCG hiện tại khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe và yếu tố giá không còn trọng yếu nhiều với quyết định mua hàng.

Ngoài đường và sữa đậu nành, Đường Quảng Ngải còn thực hiện chính sách đa dạng hóa và linh hoạt nguồn thu. Doanh nghiệp hiện đã đưa vào vận hành nhà máy điện sinh khối bằng bã mía. Nguồn điện sản xuất được bán trực tiếp cho EVN. Chính sách này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất tối đa, đồng thời “mềm mại” hóa dòng tiền khi có thêm nguồn thu từ việc bán điện.

“Trong năm 2018, nhà máy điện sinh khối An Khê đã phát điện lên mạng lưới quốc gia 110 triệu KW, doanh thu tương ứng 150 tỉ đồng. Khi năng suất nhà máy hoạt động ổn định, doanh thu có thể tiệm cận mức 300 tỉ đồng”, ông Võ Thành Đàng cho biết. “Ngoài ra, giá điện tương lai có thể được điều chỉnh theo xu hướng thị trường”.

Duong Quang Ngai: Tim lai vi ngot doanh thu
Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi

Ngoài ra, do việc tăng cường đầu tư các dự án trọng điểm, Đường Quảng Ngãi ghi nhận chi phí khấu hao ở mức cao. Trong tương lai, khi chi phí khấu hao giảm, dòng tiền thuần của doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ cải thiện.

Bắt đà tăng trưởng tương lai

Nhận định các hoạt động trên là chưa đủ, Đường Quảng Ngãi còn đặt việc phát triển bền vững trong tương lại thành chiến lược trọng yếu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nền tảng tăng trưởng của QNS được tạo thành từ 3 trụ cột chính: phát triển vùng nguyên liệu; đa dạng hóa sản phẩm; phát triển bền vững cùng cộng đồng.

Về mảng đậu nành và sản phẩm từ đậu nành, tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn. Hiện tại, mức tiêu thụ của người Việt Nam là 7 lít/người/năm, thấp hơn các quốc gia lân cận trong khu vực châu Á như Trung Quốc: 10 lít/người/năm; Thái Lan: 13 lít/người/năm…

“Vinasoy dù đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành nhưng vẫn còn khoảng 50% hộ gia đình ở nông thôn và hơn 65% hộ gia đình ở thành thị chưa tiếp cận sản phẩm của Vinasoy. Vì vậy, Công ty rất lạc quan với mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2027”, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy cho biết.

Hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ sinh học Quốc Gia Hoa kỳ - ĐH Missouri và Trung tâm Nghiên cứu Đậu nành quốc gia Hoa Kỳ - Đại học Illinois, Vinasoy xác định nắm giữ hạt giống chất lượng cao sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt mạnh mẽ và là lợi thế cạnh tranh bền vững. Đến nay, Vinasoy đang sở hữu một ngân hàng giống với 1.588 loại gen đậu nành quý và lai tạo thành công các giống đậu nành năng suất gấp 1,5-2 lần so với giống đậu nành địa phương. Vinasoy nổi tiếng trên thị trường với các dòng sản phẩm gồm: Fami go mè đen nếp cẩm, Fami go đậu đỏ nếp cẩm, Fami nguyên chất, Fami Canxi, Fami Kid và Vinasoy nguyên chất thông qua mạng lưới hơn 150.000 điểm phân phối. Trong năm 2019, Vinasoy dự kiến sẽ đưa ra thị trường 3 dòng sản phẩm mới, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Duong Quang Ngai: Tim lai vi ngot doanh thu
 

Đối với đường - chế phẩm từ đường, Đường Quảng Ngãi hiện đang hợp tác nông dân trồng trên 30.000 ha mía có năng suất bình quân trên 75 tấn/ha nhờ sử dụng các giống mía có năng suất cao phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất tỉnh Gia Lai. Qua tìm hiểu chi tiết, vùng nguyên liệu này được tập trung tại 4 huyện phía đông Gia Lai, có vị trí cao, thời tiết phù hợp và cách xa khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi quá trình điều tiết thủy văn từ các đập thủy điện. Đây sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu mía ổn định và chất lượng cho Nhà máy đường An Khê và các Nhà máy khác. Trong tương lai, khi dây chuyền đường tinh luyện được đưa vào vận hành, Nhà máy đường từ mía và Nhà máy đường tinh luyện An Khê sẽ sản xuất lên đến 600 – 700 nghìn tấn đường/năm, cung cấp khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ của cả nước.

Về phương diện định giá, QNS được VNDIRECT khuyến nghị mua vào, với giá mục tiêu là 53.200 đồng/ cổ phiếu. Công ty chứng khoán sử dụng các mức P/E 10,0x, 7,0x và 8,1x tương ứng cho mảng sữa đậu nành, đường và mảng khác. Mức giá mục tiêu tương ứng với P/E 2019 là 9,7x. Hiện tại, P/E trượt của Đường Quảng Ngãi là 8,9x.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày