Kinh Doanh

Giá vàng hôm nay 22/6: Giá vàng tiếp tục duy trì ở mức cao

Như Mai Thứ Bảy | 22/06/2019 07:07

Ảnh: AFP/Getty Images/Market Watch.

Giá vàng hôm nay 22/6 trên thị trường thế giới hiện đứng ở mức 1.399,25 USD/ounce do bất ổn chính trị kinh tế và làn sóng nới lỏng tiền tệ.
Ảnh: AFP/Getty Images/Market Watch.

Giá vàng hôm nay 22/6 (giá giao ngay) trên thị trường thế giới hiện đứng ở mức 1.399,25  USD/ounce, tăng 8,15 USD so với giá tham chiếu đầu ngày 21/6, theo Goldprice.org.

Những tuyên bố của “bồ câu” (muốn hạ lãi suất) từ các ngân hàng trung ương toàn cầu gần đây đã là lý do khiến vàng tăng vọt lên trên mức 1.400 USD/ounce lần đầu trong 6 năm.

“Vàng là một thị trường toàn cầu và chính sách tiền tệ của Mỹ, trong khi quan trọng, không phải là động lực duy nhất cho đà tăng vừa qua của vàng”, ông Juan Juan Artigas, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Hội đồng vàng thế giới, nói với MarketWatch hôm 21/6.

Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, có sự kết hợp giữa sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và việc các ngân hàng trung ương, bao gồm [Ngân hàng Trung ương châu Âu] và [Cục Dự trữ Liên bang Mỹ], báo hiệu lập trường tiền tệ nới lỏng hơn, đã đẩy lãi suất toàn cầu xuống thấp hơn, ông nói.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc về chính sách thương mại vẫn tồn tại khi các trader chờ đợi một cuộc họp dự kiến ​​và tiến tới giải quyết tranh chấp thương mại, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 vào ngày 28-29/6.

Trong khi đó, ông Trump cho biết hôm 21/6 rằng ông đã chuẩn bị tiến hành các cuộc không kích chống lại các mục tiêu của Iran, để trả việc nước này bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, nhưng sau đó ông đã hoãn động thái này.

Maxwell Gold, giám đốc chiến lược đầu tư tại Aberdeen Standard Investments cho biết, “căng thẳng ở Trung Đông có thể khiến giá vàng tăng cao hơn thông qua nhu cầu trú ẩn trong ngắn hạn”.

Những cơn gió ngược tiềm năng cho vàng sẽ bao gồm bất kỳ tín hiệu diều hâu (thắt chặt tiền tệ) nào của FED hoặc một giải pháp tức thời cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể đóng góp vào sức mạnh của đồng USD, ông Gold nói.

Vào ngày 21/6, hợp đồng tương lai vàng giao tháng 8, chốt ở mức 1.400,1 USD/ounce trên Comex, sau khi chạm mức cao trong ngày là 1.415,40 USD, đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, theo dữ liệu của Factset.

Đợt tăng giá lần này của vàng không gây ngạc nhiên cho George Milling-Stanley, người đứng đầu chiến lược vàng tại State Street Global Advisors. Một điều ngạc nhiên duy nhất là không có hoạt động chốt lời đáng kể nào khi vàng vượt qua mức 1.350 USD.

Nếu động lực tăng giá của vàng đủ lớn để thu hút nhà đầu cơ với số lượng đáng kể, giá vàng có thể tăng cao hơn đáng kể so với 1.400 USD trong vòng 6-18 tháng tới, ông nói thêm.

Ông George Milling-Stanley cho biết, các thị trường mới nổi là chìa khóa cho sự gia tăng của vàng, do nhu cầu trang sức tăng mạnh, nhu cầu đầu tư vào vàng tiếp tục tăng lên, và việc ngân hàng trung ương cũng tăng mua vàng.

“Ở những nơi khác trên thế giới, vàng đang được hỗ trợ bởi sự lo lắng ngày càng tăng về triển vọng thị trường chứng khoán sau 9 năm tăng trưởng, cùng với nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, với thị trường trái phiếu đưa ra những tín hiệu trái chiều”, ông nói.

Trên thị trường Việt Nam, giá vàng vẫn duy trì ở trên mức 38 triệu đồng, giảm nhẹ so với mốc cao đạt được trong ngày 21/6. Hiện tại, giá vàng SJC tại TP.HCM đang ở mức 38,40-38,65 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC tại Hà Nội đang ở mức 38,40-38,67 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá USD hôm nay (USD/VND) tại Vietcombank hiện ở mức 23.230-23.350, giảm 15 đồng ở chiều mua và chiều bán so với đầu ngày 21/6. Tại Eximbank, tỷ giá USD/VND hiện ở mức 23.230-23.340, giảm 10 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với đầu ngày 21/6. Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND tham khảo hiện ở mức 23.263-23.303, giảm 7 đồng ở chiều mua vào và giảm 2 đồng ở chiều bán ra so với đầu ngày 21/6.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày