Kinh Doanh

Hà Đô muốn thêm vốn vào năng lượng tái tạo, bất động sản

Vân Nguyễn Thứ Hai | 08/10/2018 22:03

Hội nghị chuyên gia phân tích. Ảnh: Nguyễn Huyền

Quy mô tài sản của Hà Đô có thể sẽ tăng ít nhất 5 lần so với năm 2018 nhờ năng lượng và bất động sản.
Hội nghị chuyên gia phân tích. Ảnh: Nguyễn Huyền

Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, ông Chu Tuấn Anh, tại Hội nghị chuyên gia phân tích 2018, cho biết, bên cạnh lĩnh vực trọng điểm là bất động sản, với 3 dự án quy mô lớn đồng loạt ra mắt thị trường trong quý IV/2018, Hà Đô đang đẩy mạnh việc triển khai kế hoạch thu hút nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Theo ước tính của Hà Đô, 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 221 tỷ đồng và hết quý IV, sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm hơn 700 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.

Bất động sản, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của Hà Đô trong quý IV năm 2018. Điểm nổi bật của bất động sản trong năm 2018 là thành công của dự án Hado Centrosa Garden tại Quận 10, TP.HCM, ghi nhận dòng tiền lớn với trên 2.400 tỷ đồng từ doanh thu 2 block Orchid.

Năng lượng, một động lực phát triển mới đang được Hà Đô tập trung khai thác. Hiện tại, Hà Đô đang sở hữu 5 dự án thủy điện, đã đưa vào vận hành ổn định ba dự án Za Hưng, Nậm Pông và Nhạn Hạc với tổng công suất 120 MW, phát điện lần lượt vào năm 2009, 2013 và 2018, dự kiến mang lại doanh thu khoảng 400 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp chiếm khoảng 70% doanh thu mỗi năm.

Ông Tuấn Anh cho biết, Hà Đô sẽ đưa vào vận hành 2 dự án thủy điện mới là Thủy điện Đăkmi 2 công suất 100 MW sẽ phát điện Quý 1 năm 2019, Thủy điện Sông Tranh 4 công suất 50 MW phát điện vào Quý 1 năm 2020.

Phó Tổng giám đốc Hà Đô cho rằng, việc đưa vào vận hành 2 dự án Thủy điện mới này sẽ nâng tổng công suất điện của tập đoàn lên 270 MW, cung ứng ra thị trường 1.080 triệu KWh điện mỗi năm.

Chưa hết, nắm bắt xu hướng nhu cầu năng lượng trong tương lai, Hà Đô đang nỗ lực triển triển khai những bước cần thiết để dự án điện mặt trời Hồng Phong 4 tại Bình Thuận có thể phát điện thương mại trước 30.6.2019.

Cạnh đó, Dự án điện gió Tiến Thành 1 của Hà Đô cũng đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt trong Danh mục phát triển dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, thuộc khu vực 4. Hiện tập đoàn này đang rốt ráo triển khai các hạng mục, xây dựng thiết kết, giải phóng mặt bằng và hoàn tất các thủ tục pháp lý mở thầu công nghệ, thiết bị.

Theo Ban lãnh đạo Tập đoàn, ngoài việc triển khai đồng loạt các dự án, trong năm nay công ty còn gia tăng đầu tư, mở rộng quỹ đất, phát triển hoạt động M&A, hợp tác với các đối tác uy tín, tiềm năng trong và ngoài nước để tiếp tục phát triển các dự án mới.

Theo ông Tuấn Anh, với tốc độ tăng trưởng nhanh về quy mô vốn và tài sản, doanh thu giai đoạn 2015-2017 đạt mức tăng trưởng bình quân 25%, nền tảng tài chính vững chắc, tạo động lực phát triển hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Ông Tuấn Anh tin rằng, đến năm 2022, quy mô tài sản của Hà Đô có thể sẽ tăng ít nhất 5 lần so với năm 2018 nhờ các dự án trọng điểm về bất động sản và năng lượng.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, cho biết, năm nay, Tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 gần 900 tỷ đồng, tăng trưởng 163% so với năm 2017.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày