Kinh Doanh

Kiếm tiền từ "Hộp Háo Hức"

Lê Phan Thứ Năm | 18/08/2022 14:00

Tháng 5/2019, Hộp Háo Hức ra đời. Ảnh: TL

"Hộp Háo Hức" gần như là mô hình "hộp giáo dục" đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Tháng 5/2019, Hộp Háo Hức ra đời. Ảnh: TL

Là người dẫn chương trình và là bà mẹ của 4 đứa con, niềm vui của Nguyễn Minh Trang, sáng lập Hộp Háo Hức, là được chia sẻ với các bà mẹ khác những trải nghiệm trên hành trình nuôi dạy con.

10 năm làm mẹ, Trang nhận ra, có một việc nếu được làm từ sớm, làm đúng, thật kiên trì sẽ mang đến cho phụ huynh và con cái những trải nghiệm hạnh phúc. Đó chính là đọc sách cùng con và xây dựng cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Điểm chung ở trẻ được tiếp xúc với sách từ nhỏ, ngoài phát triển khả năng ngôn ngữ, có tư duy và hiểu biết đa dạng, trẻ còn có tinh thần tự lập, tự giác và tư duy tích cực. “Đây chính là lý do lớn nhất để tôi dấn thân vào con đường khởi nghiệp với Hộp Háo Hức”, Trang nói.

 

Được thực hiện theo mô hình subscription box (hộp đăng kỳ dài hạn), Hộp Háo Hức là mô hình hộp sách và đồ chơi giáo dục dành cho trẻ thuộc 3 nhóm tuổi: từ 0-3, 3-6 và 6-10 tuổi và được giao định kỳ hằng tháng. Để tạo nên một chiếc hộp đúng như tên gọi và mục tiêu của nó, Trang dày công thiết lập các quy chuẩn. Với sách là tiêu chí về khổ sách, chất liệu, số trang, nội dung, minh họa, uy tín của nhà xuất bản.

Ưu tiên sách mới ra mắt, ưu tiên các cuốn sách thuần Việt, do các tác giả và họa sĩ minh họa của Việt Nam sáng tác. Với trò chơi, Trang và cộng sự nghiên cứu và phát triển các bộ trò chơi rèn luyện những kỹ năng phù hợp với độ tuổi như vận động tinh, vận động thô, quan sát, nhận biết theo chủ đề, nâng cao vốn từ vựng, tư duy, chiến lược, làm việc nhóm, rèn luyện tính kiên trì... cũng như có thể chơi theo nhóm, đa dạng độ tuổi.

Tháng 5/2019, Hộp Háo Hức ra đời. 9 tháng sau COVID-19 ập tới. Tháng đầu tiên sau giãn cách, Hộp Háo Hức giảm hơn 30% doanh thu. Các tháng sau, doanh thu vẫn giảm. Khó khăn chồng chất nhưng Trang và cộng sự vẫn kiên trì.  “Suốt 3 năm qua, chúng tôi đã kiên trì, bền bỉ thực hiện các video truyền thông, hướng dẫn cha mẹ cách đọc sách, kỹ thuật đọc để thu hút sự chú ý của con, cách chơi và tương tác cùng con; tổ chức các buổi hội thảo, ngày hội gia đình, các buổi đọc sách trong cộng đồng nhằm đồng hành cùng phụ huynh, để họ thấy con cái thích thú và thay đổi thế nào khi dành chút thời gian đọc sách cho con mỗi ngày”, Trang kể.

Trên thế giới, mô hình subscription box ra đời từ đầu thập niên 2000 nhưng chỉ bắt đầu thăng hoa từ năm 2010, cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành thời trang và làm đẹp, cũng như sự bùng nổ của công nghệ cho phép người dùng ngày càng dễ dàng mua sắm hơn qua các trang thương mại điện tử.

Mô hình này phổ biến nhất với mặt hàng quần áo, mỹ phẩm sau đó lan rộng ra các ngành khác như trang trí nội thất, thực phẩm, giải trí, thậm chí là thức ăn, đồ chơi dành cho thú cưng. Chỉ vài năm trở lại đây, các thương hiệu lớn như Amazon hay Nike mới bắt đầu quan tâm đến những sản phẩm subscription box dành cho trẻ em. Và COVID-19 đã thúc đẩy mô hình subscription box dành cho trẻ, bao gồm các loại đồ chơi, sách vở... 

 

Theo khảo sát của Second Measure, trong năm 2020 khi doanh số các hộp quần áo và đồ dùng dành cho trẻ giảm sút (17%) thì doanh số bán hàng các hộp giáo dục và trò chơi của các hãng như KiwiCo, Little Passports và Lovevery tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 123%.

Con số này tiếp tục tăng trong năm 2021, từ 129-137% cho mô hình subscription box dành cho giáo dục và đồ chơi trẻ em. Phụ huynh làm việc tại nhà, trẻ không đến trường, các trung tâm vui chơi, giải trí đóng cửa là những lý do thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, chính việc nâng cao khả năng tập trung và khả năng sáng tạo là ưu điểm của subscription box, đặc biệt là các hộp đồ chơi STEAM. Hơn nữa, những chiếc hộp này giúp trẻ tránh xa tivi và các thiết bị thông minh, điều mà các ông bố, bà mẹ tại thành thị đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, ngày càng nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ cũng như sản xuất các sản phẩm giáo dục, đồ chơi trẻ em như Xplorabox, Flintobox, Magic Crate... lấn sân thị trường này. Transparency Market Research dự đoán thị trường sẽ vượt mốc 5,7 tỉ USD doanh thu trên toàn cầu vào năm 2031.

Nhận định về mô hình subscription box tại Việt Nam, Trang cho biết tiềm năng vô cùng lớn. Bằng chứng là sau 3 năm vận hành, Hộp Háo Hức đạt tổng doanh thu 44,5 tỉ đồng, lợi nhuận 15%. Trung bình mỗi tháng bán khoảng 7.000 hộp, chủ yếu qua website, Facebook cũng như có mặt tại các sàn thương mại điện tử. 65% khách hàng mua từ tháng đầu tiên sẽ quay lại vào tháng sau hoặc 2 tháng sau và mua gói dài hơn (Returning Customer).

Mặc dù vậy, Trang thừa nhận nền tảng thanh toán của Việt Nam hiện vẫn chưa được tối ưu cho mô hình subscription. “Với Netflix hay Spotify, người dùng có thể đăng ký dài kỳ nhưng tiền sẽ chỉ trừ hằng tháng. Còn Hộp Háo Hức vẫn phải thu tiền trước cho gói dài hạn, rồi giao sản phẩm định kỳ. Rào cản này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định mua hàng”, Trang nói.

Trong tương lai, Trang sẽ tiếp tục đa dạng và duy trì chất lượng các Hộp Háo Hức để mở rộng khách hàng. Bên cạnh đó, cô cũng phát triển thêm các sản phẩm nhằm tăng cường tính gắn kết của gia đình. Thực tế, cách đây 2 năm, Trang đã bắt tay thực hiện làng Háo Hức - mô hình trải nghiệm thiên nhiên cho gia đình và trẻ nhỏ. “Mô hình này giúp giải quyết khó khăn của các gia đình ở thành thị là giúp trẻ và phụ huynh có cơ hội tái kết nối, không chỉ với thiên nhiên mà còn với bản thân và các thành viên trong gia đình”, Trang chia sẻ.


 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày