Kinh Doanh

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng?

Việt Hà Thứ Ba | 19/04/2022 16:38

Hình ảnh minh họa: TL

Lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng và có thể chịu áp lực tăng 50 - 100 điểm % trong cả năm 2022.
Hình ảnh minh họa: TL

Trong quý I/2022, lãi suất huy động tăng tại một số các Ngân hàng Thương mại Cổ phần với mức tăng 10 - 30 điểm %; tuy nhiên không biến động tại nhóm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà nước. Từ quý I năm nay, nền kinh tế bắt đầu tăng tốc phục hồi, đòi hỏi mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, nhằm khơi thông tín dụng chảy vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng tín dụng tính đến 31/3/2022 đạt được 5,04% so với cuối năm 2021, con số cùng kỳ năm 2021 đạt 2,16%. Tính theo quý, đây là số liệu tăng trưởng tín dụng rất cao. Số liệu phần nào cho thấy nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt tại các ngành thương mại và dịch vụ. 

Lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 50-100 điểm % trong cả năm 2022. Nguồn: VCBS.
Lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 50-100 điểm % trong cả năm 2022. Nguồn: VCBS.

Cũng trong giai đoạn này, lạm phát trên toàn thế giới tăng cao do chi phí nguyên - nhiên vật liệu tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy áp lực trong giai đoạn này không đến từ lạm phát tiền tệ nhưng vô hình chung khiến cho Ngân hàng Nhà nước với ưu tiên chính sách hàng đầu kiểm soát lạm phát không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và giữ ổn định ở mức cao. Kể từ tháng 2, lãi suất liên ngân hàng tăng và giữ mức chênh lệnh không quá lớn với lãi suất nghiệp vụ thị trường mở OMO. Lãi suất huy động cũng đã có dấu hiệu bật tăng tại nhiều Ngân hàng Thương mại Cổ phần.

 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong giai đoạn tới, mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi sau dịch sẽ gặp thách thức lớn. 

Đối với lãi suất huy động, VCBS cho rằng mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng. Lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 50 - 100 điểm % trong cả năm 2022.

Đối với lãi suất cho vay, VCBS cho hay họ luôn quan sát thấy lãi suất cho vay thông điệp nhất quán từ Ngân hàng Nhà nước, đó là nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các dự án kết cấu hạ tầng; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.

Định hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch là mục tiêu xuyên suốt. Tuy vậy, trong bối cảnh không thuận lợi, tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. VCBS dự báo lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất cho vay. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Có thể bạn quan tâm 

F0 trong bão "tin giả, lỗ thật"


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày