Kinh Doanh

LCG: Kế hoạch LNST cho kịch bản tốt là 0 tỷ đồng, sẽ chuyển nhượng bất kỳ dự án nào

Chủ Nhật | 31/03/2013 16:28

Để giảm áp lực vay, LCG sẽ thoái bất kỳ dự án BĐS nào có thể và thu hồi công nợ tại trường AIS 39 tỷ, Thủy điện hơn 100 tỷ đồng.
Sáng ngày 30/3/2013, Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của CTCP Licogi 16 ( LCG) đã được tiến hành thành công. Theo đó, tất cả các nội dung trình tại Đại hội đều được Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua.

Năm 2012, lợi nhuận sau thuế riêng Licogi 16 đạt hơn 5 tỷ đồng tuy nhiên nguồn lợi nhuận này chủ yếu cấu thành từ phần thuế thu nhập doanh nghiệp giữ lại với số tiền 4,8 tỷ đồng. Nếu loại trừ phần thuế TNDN giữ lại, lợi nhuận sau thuế đến từ hoạt động kinh doanh là 164 tỷ đồng. Vì vậy, ĐHĐCĐ thống nhất không chia cổ tức và trích lập các quỹ.

Về hoạt động của năm 2011 - 2012, ban lãnh đạo LCG “không đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, tình hình vĩ mô mà do năng lực của bộ máy điều hành”. Trong thời gian qua, diễn biến trên thị trường xảy ra quá nhanh, ban lãnh đạo của LCG chưa đủ khả năng để dự báo chính xác các vấn đề. Khi khó khăn đến, lạm phát tăng mạnh hiện ra LCG mới có thể nhìn rõ được các vấn đề của nó.

Kế hoạch doanh thu lợi nhuận chủ yếu từ xây dựng hạ tầng

Năm 2013, LCG đặt kế hoạch doanh thu 690 tỷ đồng; lợi nhuận kịch bản tốt là 0 tỷ đồng, kịch bản xấu là lỗ 94 tỷ đồng và không chia cổ tức. Kế hoạch kinh doanh năm 2013 được xây dựng dựa trên 2 lĩnh vực chính của công ty xây dựng và bất động sản. Trong đó:

Xây dựng hạ tầng đóng góp chủ yếu với hơn 600 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận gộp trung bình 13% đảm bảo được các chi phí của công ty năm 2013.

LCG sẽ tập trung công tác marketing đấu thầu, tập trung dự án Formosa để bù đắp sự sụt giảm doanh thu từ kết thúc Thuỷ điện Bản Chát. Dự kiến 2 gói thầu tại dự án Formosa tham gia có giá trị 300 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tại gói thầu này khoảng 11%.

Kế hoạch trung hạn 2-5 năm lĩnh vực chính vẫn xây dựng và bất động sản. LCG sẽ tập trung tìm kiếm các công trình cho lĩnh vực xây lắp. LCG dự kiến xây dựng sẽ tăng trưởng 10-20%/năm; bất động sản của LCG sẽ tốt hơn từ cuối năm 2013 trở đi.

Để giảm áp lực dư nợ vay ngân hàng LCG có thể chuyển nhượng bất kỳ dự án nào. Các dự án LCG có thể thoái: ở Tp. Hồ Chí Minh có Hiệp Thành (12,5 hecta, Quận 12), Nam An (Bình Tân); ở Nhơn Trạch có 3 dự án (2 dự án Long Tân giai đoạn 1-2, giai đoạn 3, dự án Điền Phước); dự án Lý Thường Kiệt ở Bảo Lộc đã đền bù xong đang làm sổ đỏ; tại Hà Nội có 3 dự án (Sky Park, dự án tại Hoàng Mai).

Phải thoái vốn khỏi dự án nhiên liệu sinh học dù “đau xót”

Đối với Dự án nhiên liệu sinh học, ban chủ tọa đoàn cho biết: khi tham gia vào dự án này, HĐQT đánh giá đây là dự án tốt do Có ban quản trị, các kế hoạch tài chính, lợi nhuận rất tốt; PVOil là đơn vị bao tiêu sản phẩm dù cho giá nhiên liệu trên thế giới như thế nào vẫn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận 19%. Ngoài ra, theo dự kiến tại thời điểm đó chính sách sẽ bắt buộc dùng xăng E5 trên toàn quốc từ tháng 6/2012.

Việt Nam có 3 dự án nhiên liệu sinh học đều có vốn góp của Petro Việt Nam, dự án LCG góp vốn đi sau nhưng hoàn thành nhanh nhất, hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên thực tế, việc bắt buộc dùng xăng E5 trên cả nước vẫn chưa thực hiện được và chưa biết sẽ thực thi vào khi nào.

Vì vậy, LCG sẽ thoái vốn. Đến nay, nhà máy nhiên liệu sinh học này đủ điều kiện để vận hành thương mại xuất khẩu sản phẩm. Nhưng 2 khoản khó nhất của dự án: (i) Vốn bao gồm góp và vay ngân hàng TienphongBank 10 triệu USD và (ii) Nợ nhà tổng thầu 10 triệu USD. LCG đã có văn bản gửi PVOil để thoái vốn cho PVOil. PVOil đã có văn bản gửi Petro Việt Nam.

Ngoài ra, LCG cũng dự phòng một phương án khác – ký hợp đồng với đơn vị môi giới, tư vấn để chuyển nhượng phần vốn góp trong dự án này.

Ban chủ tọa đoàn chia sẻ: “Khả năng thoái vốn là điều đau xót, nhưng không có cách nào khác.” Đây là dự án tốt, nhưng LCG không chuyên về lĩnh vực này nên phải nổ lực tìm kiếm giải pháp sớm thu hồi vốn góp.

Sẽ có những đột phá từ trung tuần tháng 4?

Hiện tại LCG đang trong quá trình tái cấu trúc tại công ty mẹ và các công ty thành viên. Qua trình tái cấu trúc tại công ty mẹ sẽ bổ sung quy trình quản lý, và bổ sung nhân lực còn thiếu - giám đốc tài chính và giám đốc xây dựng. Ban điều hành đặt ra nhiệm vụ trong quý II/2013 phải tìm được nhân sự có năng lực bổ sung vào 2 vị trí thiếu quan trong trên.

LCG cũng đã đầu tư hệ thống ERP và đã vận hành từ cuối năm 2012 nhưng hơi chậm.

Đối với công ty liên kết, trước đây LCG mục tiêu phía Bắc có một công và một công ty phía Nam thực hiện xây dựng. Hiện LCG đã có 2 công ty vừa mới sáp nhập vào nhau tại phía Bắc.

Đối với phía Nam việc tái cấu trúc 3 công ty khu vực này đang vướng. Bởi mỗi công ty có một hạn mức tín dụng ở cùng một ngân hàng nhưng khi gộp lại 3 công ty này chỉ có một hạn mức tín dụng. Điều này có thể gây khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng.

Trung tuần tháng 4/2013 LCG sẽ có những kế hoạch tham vọng cải cách cho trung và dài hạn sẽ trình bày cho cổ đông. Chủ tịch H ĐQT cho rằng, những kế hoạch sắp tới của LCG mang tính đột phá.

Hiện, công nợ khó đòi của LCG gồm: Trường quốc tế Mỹ nợ 39 tỷ đồng, Thuỷ điện Bản Chát khoảng trên 100 tỷ đồng.

Tại đại hội, ban chủ tọa đoàn cho biết, quý I/2013, doanh thu chủ yếu từ lĩnh vực xây dựng, không khả quan do không phải mùa vụ, chỉ ước đạt khoảng 28 tỷ đồng.

Nguồn CafeF


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày