Kinh Doanh

Nóng tăng lương tối thiểu: Tổng liên đoàn nhượng bộ xuống 14,3%?

Thứ Năm | 03/09/2015 11:36

Sáng ngày 3/9, Hội đồng tiền lương Quốc gia tiếp tục họp phiên thứ ba để chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2016.

Tại trụ sở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang tiếp tục họp để đưa ra ý kiến cuối cùng về phương án tăng lương tối thiểu.

Trong cuộc họp trước đó vào ngày 25/8, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu. Theo đó, đại diện cho người sử dụng lao động vẫn kiên quyết giữ mức tăng khoảng 10%; trong khi Tổng liên đoàn lao động, đại diện cho người lao động vẫn giữ đề xuất tăng 16,8%.

Một trong những nút thắt của vấn đề hiện nay là quan điểm của bất đồng về tiền lương và năng suất lao động. Trao đổi với chúng tôi trước đó, đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng tiền lương trên thực tế hiện nay người lao động nhận được cao hơn so với mức lương tối thiểu được quy định.

Trong khi đó, tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay vẫn không theo kịp tốc độ tăng lương tối thiểu. Do đó, mức đề xuất tăng lương được cho là không phù hợp trong điều kiện DN còn khó khăn hiện nay. Cũng bởi, mức tăng lương tối thiểu quá cao sẽ tạo thêm gánh nặng lớn cho DN trong việc đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, đại diện của người lao động – ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - thì cho rằng nếu không giải quyết vấn đề tăng lương cho người lao động, cũng sẽ không giải quyết được vấn đề năng suất lao động. Cũng bởi, khi người lao động không được đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, thì không thể nghĩ tới chuyện người lao động nâng cao năng suất và có đóng góp nhiều hơn cho DN.

Còn theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, vấn đề tăng năng suất lao động chưa được hiểu đầy đủ, khi mới chỉ đang tập trung vào người lao động. Bởi để tăng được năng suất lao động, thì không chỉ người lao động mà còn là trách nhiệm của chính chủ DN, cần phải nâng cao và cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, năng lực quản trị.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 trước đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết trong trường hợp các thành viên của Hội đồng tiền lương Quốc gia thảo luận và không có được sự đồng thuận về phương án tăng lương tối thiểu, thì Chủ tịch Hội đồng sẽ lựa chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.

“Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015”, Bộ trưởng cho biết.

Theo thông tin chúng tôi mới cập nhật được, đại diện hiệp hội DN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vẫn giữa quan điểm tăng lương tối thiểu ở mức khoảng 10%. Còn về phía Tổng liên đoàn lao động, mặc dù đã bắt đầu có sự nhượng bộ, song cũng đặt ra yêu cầu tăng lương tối thiểu ít nhất bằng hoặc cao hơn năm 2015.

Theo lập luận của ông Chính, báo cáo họp Chính phủ thường kỳ vừa qua cho thấy, tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô đều rất tốt như tăng trưởng, đầu tư, tiêu dùng... nên không thể nói rằng kinh tế vĩ mô chưa phục hồi và DN còn nhiều khó khăn.

"Tình hình kinh tế tốt hơn thì đời sống của người lao động cũng cần phải được cải thiện, thu nhập của người lao động phải tăng lên. Do đó, chúng tôi cho rằng mức tăng lương tối thiểu ít nhất cũng phải bằng hoặc cao hơn năm 2015, chứ không thể thấp hơn được", ông Chính khẳng định.

Được biết, mức tăng lương tối thiểu năm 2016 được Tổng liên đoàn Lao động đửa ra đến thời điểm này là 14,3%. Song đại diện các DN vẫn giữa nguyên quan điểm trên 10%.

Phương án tăng lương tối thiểu vẫn đang tiếp tục được bàn thảo và dự kiến sẽ "chốt" trong ngày hôm nay (3/9).

Nguồn Trí thức trẻ


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày