Kinh Doanh

Phân phối công nghệ: "Chuyện ba người"

Thứ Tư | 12/08/2015 08:00

Trong thế trận tam quốc của thị trường phân phối công nghệ tại Việt Nam, mỗi ông lớn đang chọn cho mình một cách thức khác nhau để tăng trưởng.

Sau thời gian chờ đợi, Công ty Thế Giới Số (Digiworld), đơn vị phân phối sỉ các sản phẩm công nghệ đứng thứ 3 thị trường, cũng chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán vào đầu tháng 8.2015. Công ty này đặt tham vọng cán mức doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2020, bất chấp thực tế rằng doanh thu năm ngoái của họ chỉ mới dừng lại ở khoảng 230 triệu USD. Dựa vào đâu mà doanh nghiệp này lại tự tin đến vậy?

Thế trận Tam Quốc

Năm ngoái, hãng nghiên cứu thị trường công nghệ GfK từng đưa ra con số ấn tượng: thị trường điện thoại thông minh (smartphone) Việt Nam đã tăng trưởng 57% với 11,6 triệu chiếc điện thoại được bán ra. Chính sức hấp dẫn quá lớn này đã lôi kéo rất đông các nhà sản xuất, nhà phân phối sỉ và lẻ tham gia, tạo nên thế trận cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của hệ thống bán lẻ Thế Giới Di Ðộng, một công ty tăng trưởng vượt bậc sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2014, cho rằng các sản phẩm điện thoại phổ biến hiện nay có giá dưới 5 triệu đồng. Ðây là mức giá vừa phải đối với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng. Đáng lưu ý là tỉ lệ tiêu thụ điện thoại di động ở nông thôn và thành thị đang ngày càng cân bằng hơn với tỉ lệ 57,9% và 42,1% trong năm 2014, theo GfK.

Phan phoi cong nghe:
Quy mô tiêu thụ hàng điện tử tại Việt Nam

Bên cạnh điện thoại, những chiếc máy tính cá nhân, máy tính bảng cũng ngày phổ biến hơn cho cả công việc lẫn giải trí. Sức hút của thị trường 90 triệu dân với thu nhập bình quân vượt qua mốc 2.000 USD/người/năm đã biến Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút các tập đoàn công nghệ của thế giới như Apple, Samsung hay Microsoft.

“Chỉ 10 năm trước đây, rất ít người Việt Nam sở hữu điện thoại di động hay máy tính cá nhân. Giờ thì tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, điện thoại thông minh và máy tính bảng iPad phổ biến chẳng kém gì so với tại London hay New York”, tờ Financial Times (Anh) bình luận.

Phan phoi cong nghe:
Thị trường hàng công nghệ cao ở Việt Nam đã có đủ các tên tuổi lớn - Ảnh: Linh Phạm

Theo ghi nhận của hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), thị trường sản phẩm điện tử tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng trung bình gộp hằng năm 6,2% trong suốt giai đoạn 2014-2018, đạt tới con số kỷ lục mới 6,39 tỉ USD về giá trị. Các sản phẩm được tính trong báo cáo này gồm có điện thoại di động, máy tính, các thiết bị nghe nhìn và trò chơi điện tử.

Những con số “hoành tráng” nêu trên đều đến từ một thị trường vận động bài bản với nhiều chuỗi công đoạn. Một trong những khâu quan trọng trong đó là phân phối sỉ, tức là trung gian kết nối những nhà sản xuất như Samsung, Apple với các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Ðộng, Phong Vũ, Nguyễn Kim hay Trần Anh.

Nói về thị trường phân phối sỉ công nghệ, Việt Nam hiện có khá nhiều tay chơi. Tuy nhiên, thị phần chủ yếu chỉ tập trung vào 3 ông lớn chính là Công ty FPT Trading (thuộc tập đoàn FPT), Công ty Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PET (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) và Digiworld. Năm 2014, doanh thu phân phối của FPT Trading đạt hơn 17.000 tỉ đồng, đứng đầu thị trường. Xếp thứ hai là PET với hơn 11.000 tỉ đồng. Digiworld đứng thứ ba với doanh thu gần 5.000 tỉ đồng.

Trong thế trận tam quốc này, mỗi doanh nghiệp lại chọn cho mình một cách thức khác nhau để tăng trưởng.

Chiến lược của các chủ soái

Trước hết là người dẫn đầu FPT Trading. Với sức mạnh thương hiệu của tập đoàn mẹ FPT, chiến lược của FPT Trading là chọn phân phối nhiều sản phẩm cấp cao. Họ là nhà phân phối độc quyền điện thoại iPhone cho hãng Apple tại thị trường Việt Nam từ tháng 4.2013. Năm 2014, iPhone đã đóng góp 23% trong tổng doanh thu phân phối điện thoại của Công ty, tăng trưởng 165% so với năm 2013. Còn máy tính bảng iPad đóng góp 14% trong tổng doanh thu phân phối sản phẩm công nghệ của đơn vị này.

Phan phoi cong nghe:
Ông Trần Quốc Hoài, Chủ tịch FPT Trading - Ảnh: chungta.vn

Để nâng cao doanh thu và giữ vị thế dẫn đầu, “quán quân” FPT Trading dường như cũng đã có động thái mở rộng sang các sản phẩm có mức giá thấp hơn như Nokia hay Huawei, hướng đến chiến lược phân phối “thượng vàng hạ cám”. Trong 5 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ mảng phân phối các sản phẩm công nghệ và điện thoại di động của FPT Trading tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.842 tỉ đồng.

Trong khi FPT Trading “chơi” với Apple, “á quân” PET lại chọn kết thân với Samsung. Bên cạnh Samsung, PET cũng liên kết với các nhà sản xuất khác như Blackberry (từ năm 2012), và Lenovo, Philips (từ năm 2014). Dự kiến, các dòng sản phẩm mới sẽ phát huy hiệu quả doanh thu cho PET kể từ năm nay.

Nhưng PET lại không chỉ tập trung vào phân phối sản phẩm công nghệ. Họ còn phân phối các sản phẩm cho ngành hóa dầu (một lợi thế lớn của các công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) bên cạnh các sản phẩm công nghệ. Chính điều này đã giúp PET phân tán rủi ro tốt hơn so với các đối thủ khác. Mảng kinh doanh bất động sản cũng sẽ mang lại lợi ích cho họ, nếu được triển khai kịp thời và đúng thời điểm.

Ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PET, cho biết công ty của ông sẽ thực hiện nhiều bước đi mới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực phân phối công nghệ. Những bước đi đó bao gồm mở rộng sang các dịch vụ quản lý tòa nhà, logistics, cung cấp thiết bị vật tư... Đặc biệt, PET sẽ cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực sản xuất điện tử, gia công cho các công ty nước ngoài. Năm 2015, doanh nghiệp này đang gia công cho đối tác Hàn Quốc để thăm dò thị trường, tích luỹ kinh nghiệm. Ông Hà cũng cho biết PET sẽ phát hành thêm cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 698 tỉ đồng lên 866 tỉ đồng.

Phan phoi cong nghe:
Ông Phùng Tuấn Hà, Tổng Giám đốc PET - Ảnh: petrosetco.com.vn

Khác với hai ông lớn đứng đầu bảng là FPT Trading và PET, thế mạnh của “chàng trai trẻ” Digiworld trong vài năm qua lại không nằm nhiều ở điện thoại. Thị phần phân phối điện thoại của Digiworld trên thị trường hiện cũng chỉ chiếm 8%. Thế mạnh của họ là các sản phẩm công nghệ thông tin như máy tính, laptop. Thực tế, các sản phẩm máy tính do Digiworld phân phối đang dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 24%.

Thế nhưng, đà tăng trưởng của thị trường máy tính đang chậm lại. Ngay lập tức, các sản phẩm điện thoại, đặc biệt là dòng smartphone có giá thấp, lại trở thành định hướng mới của ban lãnh đạo Digiworld. Cụ thể, Digiworld đã phân phối dòng smartphone mới của hãng Wiko chỉ có giá 999.000 đồng, được xem là phù hợp đối với người tiêu dùng tỉnh lẻ.

Mới đây, Digiworld cũng đã ký hợp tác phân phối cho các dòng smartphone Xiaomi của Trung Quốc và Obi của cựu Tổng Giám đốc Apple John Sculley. Xiaomi được xem là dòng smartphone mới khá thành công trên thế giới, còn Obi sẽ được chính thức ra mắt vào cuối năm nay.

Với hệ thống 6.000 đại lý, Digiworld đang kỳ vọng tạo đột phá mới từ năm 2015 với 65% tổng doanh thu sẽ đến từ mảng điện thoại di động. Laptop sẽ chỉ chiếm 30% và phần còn lại là thiết bị văn phòng. Năm ngoái, 50% doanh thu của Digiworld là từ mảng laptop. Việc chuyển đổi lớn về mô hình hoạt động như vậy chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn cho doanh nghiệp này.

Phan phoi cong nghe:
Smartphone đang ngày càng có thế đứng vững chắc tại Việt Nam

Dù vậy, theo đại diện Digiworld, họ đang có kế hoạch “đi nhanh đón đầu” bằng cách tăng vốn để mở rộng hệ thống hoạt động và sẽ thâu tóm một số đối thủ cạnh tranh thông qua mua bán sáp nhập (M&A). Bên cạnh đó là việc tấn công vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp, cũng như sẽ bán các giải pháp về mô hình phân phối cho doanh nghiệp.

Nhìn thấy trước được sức ép cạnh tranh trên thị trường, nhưng ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld, vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kép hằng năm về doanh thu thuần giai đoạn 2015-2018 ở mức 21,7%.

Phan phoi cong nghe:
Ông Ðoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld - Ảnh: techz.vn

Từ những hướng đi và động thái quyết liệt của 3 doanh nghiệp dẫn đầu ngành phân phối sỉ công nghệ, có thể phần nào nhận ra tiềm năng lớn về tăng trưởng cũng như sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại công nghệ ở Việt Nam.

Một rủi ro lớn có thể thấy ngay là dù lượng tiêu thụ các dòng smartphone ngày càng cao, nhưng sức ép cạnh tranh về giá có thể khiến giá cả sản phẩm giảm nhanh chóng, ảnh hưởng đến giá trị doanh thu và lợi nhuận mang về không được như ý. Hiện biên lợi nhuận ròng của FPT là 3,1%, PET là 2%. Chỉ số này của Digiworld hiện xoay quanh cột mốc 2,6%.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với nhà sản xuất cũng sẽ mang lại những rủi ro khó lường trước cho bên phân phối, nếu sản phẩm của nhà sản xuất không theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Ðiển hình là dòng smartphone của Nokia không thành công đã kéo theo hệ lụy không nhỏ cho các nhà phân phối trong nước.

Sơn Nguyễn


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày