Kinh Doanh

Sự “bất thường” của thị trường thịt heo

Hải Vân Thứ Tư | 24/06/2020 08:00

Sự chuyển dịch của mảng thịt heo từ chỗ tương đối cân bằng về cung cầu sang mất cân đối và giá tăng cao.

Mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết giá heo trong nước có khả năng sẽ giảm mạnh do 8 doanh nghiệp nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về giết mổ cũng như hiệu quả từ tái đàn có tốc độ 5,83%/tháng. Ông khẳng định thị trường sẽ có thêm nguồn cung mới vào tháng 6 này, kết quả tái đàn đầu tiên của năm nay.
Theo ông Tiến, tác động của dịch tả heo châu Phi (ASF) đã đẩy Việt Nam vào tình trạng thiếu thịt heo và cả heo giống để tái đàn. Nhập khẩu được cho là một giải pháp và các nhà xuất khẩu chỉ cần 3-5 tháng để đáp ứng hợp đồng, nhưng các nguồn cung cấp chính lại bị tắc do dịch COVID-19 bùng phát. Thủ tướng chỉ đạo năm 2020 nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo nhưng đến hết tháng 5, cả nước chỉ nhập được 67.638 tấn thịt và sản phẩm từ thịt heo. Giá vận chuyển cao, thuế cao và khó tiếp cận vốn tín dụng là những trở ngại khiến doanh nghiệp không mặn mà với nhập khẩu thịt heo.

Lượng thịt heo không dồi dào khiến việc tìm được nguồn cung cấp với giá hợp lý gặp khó khăn hơn do tổng đàn heo của cả thế giới vào tháng 1.2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm gần 12% so với năm 2019. Việt Nam đã không đủ năng lực để giành từ tay Trung Quốc nguồn thịt heo lớn hơn khi nhiều nước chăn nuôi phát triển đã ký hợp đồng bán thịt heo với số lượng lớn cho nước này từ đầu năm 2019. Chỉ tính riêng quý I/2020, Trung Quốc đã nhập khoảng 1 triệu tấn thịt heo từ nhiều nguồn trên thế giới. Họ chấp nhận mua hàng với giá cao hơn 20-30% so với các nhà mua Việt Nam.

Trong khi đó, kế hoạch tái đàn của ngành nông nghiệp đang bị cản trở bởi giá heo giống đắt đỏ, giá đã tăng gấp 6 lần so với trước dịch ASF, từ 700.000 đồng/con lên sát ngưỡng 4 triệu đồng/con. Masan MEATLife, một trong những nhà sản xuất thịt heo lớn ở Việt Nam, đang chi những khoản tiền lớn cho tái tạo và bảo tồn các giống heo cụ kỵ. Điều này có thể giúp Masan MeatLife đảm bảo được một phần lớn nguồn cung cho sản xuất nhưng cũng có thể khiến tham vọng thu về 1 tỉ USD từ thịt vào năm 2022 của Masan MEATLife trở thành bài toán khó.

 

Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Marketing của Masan MEATLife, cho biết, tổng đàn heo tại cụm trang trại Quỳ Hợp ở Nghệ An của Công ty đã đạt 100.000 con nhưng chỉ đáp ứng khoảng 38% nhu cầu sản xuất.

Theo ông, chăn nuôi là ngành đặc thù, không thể tăng nguồn cung trong ngày một ngày hai, việc tái đàn cần có thời gian nhưng về lâu dài khi đàn heo được khôi phục sẽ giúp đưa thị trường ổn định trở lại.

Giới phân tích cảnh báo rằng khủng hoảng giá thịt heo ở Việt Nam sẽ không sớm kết thúc. Ipsos ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt heo, tương đương 20% tổng nhu cầu thị trường trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ quy mô lớn đã hồi phục khi các nhà máy, trường học hoạt động bình thường trở lại sau dịch.

“Để thị trường rơi vào khủng hoảng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”, ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nói với NCĐT. Ông nhớ thời điểm tháng 4.2017, khi cung đã vượt quá cầu khiến giá heo xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 20.000-22.000 đồng/kg, người đứng đầu ngành nông nghiệp lại chỉ đạo thanh lọc 50% heo nái, giảm từ 3,8 triệu con xuống mức 2 triệu con hiện nay. “Họ đã dự báo sai, tính toán sai và tham mưu sai cho Chính phủ, dẫn đến khủng hoảng thịt heo hiện nay”, ông Thủy nhận định.

Mới nhất là việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về giết mổ, ông Thủy nhận xét rằng “thuận lợi về vận chuyển nhưng chắc chắn giá không mềm”. Theo ông, giá heo hơi chăn nuôi công nghiệp tại Thái Lan hiện khoảng 60.000 đồng/kg, nếu cộng thêm chi phí kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ và các chi phí khác, có thể lên tới 85.000-90.000 đồng/kg, mức giá này không cạnh tranh so với trong nước và chưa thể tính hết những rủi ro dịch bệnh.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ghi nhận Việt Nam đã nhập khẩu hơn 7.700 con heo giống trong 5 tháng đầu năm 2020, tăng hơn 300% so với tổng số heo giống nhập khẩu năm 2019, nhưng theo ông Thủy, con số này chỉ là “muối bỏ bể” vì để tái đàn, Việt Nam đang thiếu khoảng 20.000 con heo cụ kỵ, loại heo phải nhập khẩu từ Úc, Canada nhưng đang bị cản trở bởi dịch COVID-19.

 


Thực ra, Việt Nam hoàn toàn có thể tránh được khủng hoảng heo sâu như hiện nay nếu chịu học hỏi kinh nghiệm thế giới. Trung Quốc phải mất tới 17 tháng để khống chế dịch ASF nhưng đã nhanh chóng triển khai kế hoạch chi tiết nhằm bình ổn thị trường trong giai đoạn 2019-2021. Chính phủ nước này đã đưa ra 17 chính sách ưu đãi để phát triển mạnh chăn nuôi trong nước, đồng thời thúc đẩy nhập khẩu thịt heo từ các chuỗi chăn nuôi lớn trên thế giới.

“Trung Quốc đến nay đã đảm bảo được 80 ngày dự trữ thịt heo nhờ tạo được sự minh bạch và công khai giá trong toàn chuỗi”, ông Thủy chia sẻ. Chính phủ nước này, một mặt triển khai các giải pháp bình ổn giá bán heo ra thị trường, nhưng mặt khác, áp dụng chế tài xử phạt tới từng khâu trong chuỗi. Rút kinh nghiệm từ sai lầm xóa bỏ chương trình hộ chăn nuôi, Trung Quốc cho áp dụng đại trà các quy trình của Đan Mạch và Nhật nhằm hướng đến giá heo thấp sau 10 năm, khi đó giá heo có thể sẽ giảm xuống mức 30.000 đồng/kg như Đan Mạch, thậm chí là 28.500 đồng/kg như thị trường Mỹ.

Dự báo nhu cầu thịt heo về cơ bản sẽ được đáp ứng vào cuối quý III, nhưng ông Phùng Đức Tiến vẫn khuyến cáo người tiêu dùng điều chỉnh thực đơn vì cuộc khủng hoảng thịt heo này: “Mọi người có thể chuyển sang ăn thịt gà hoặc hải sản”. Tuy nhiên, trong dài hạn, thịt heo vẫn là loại thực phẩm được người Việt ưa chuộng hơn cả. Làm sao có thể hình dung nhân món nem rán hay món bún chả lại được làm bằng một loại thịt khác?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày