Kinh Doanh

Tái cấu trúc ngân hàng: Tiền phải sinh ra tiền

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 08/10/2018 06:30

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đương nhiên phải song hành cùng với tái cơ cấu toàn nền kinh tế.

Vốn FDI có thổi bong bóng bất động sản?

Huy động vốn từ trái phiếu xanh


Chúng ta chưa nhìn thấy nhiều tin vui về thành quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Dù thừa nhận thành tích giảm nợ xấu từ mức 17,2% năm 2012 còn 6,7% vào cuối tháng 6.2018, theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu BIDV, vẫn còn đó lời than phiền về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn. Thực trạng này có thể giải thích phần nào bởi các khoản vay bất động sản, tính cả khoản vay tiêu dùng đang núp bóng vào khoảng 1,36 triệu tỉ đồng và vay cho dự án BOT, BT gần 100.000 tỉ đồng tính tới cuối năm 2017.

Tai cau truc ngan hang: Tien phai sinh ra tien


Lưu ý rằng, đây đều là các khoản vay có khả năng phát sinh ra nợ xấu, đi ngược lại nỗ lực giảm nợ xấu toàn hệ thống tín dụng xuống còn dưới 3% như tinh thần của Nghị quyết 24 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn năm 2016 -2020. Con số này thêm phần suy nghĩ bởi thực trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc chờ giải thể tháng sau tăng hơn tháng trước, đạt 73.103 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh này, có lẽ, cần xem xét việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bằng những đánh giá thực tế và khắt khe hơn.


Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM, đưa ra từ khóa “thị trường”. Hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại phải tuân thủ đúng quy luật của nền kinh tế thị trường “tiền sinh ra tiền”. Muốn vậy, tín dụng phải được luân chuyển nhịp nhàng, không thừa, không thiếu. Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại, nhiệm vụ này chưa sớm khả thi. Thứ nhất, dù vạch đích “kinh tế thị trường toàn diện” đã được đặt ra cả chục năm nay cùng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế nhưng vẫn còn quá nhiều dấu hiệu điều hành và hoạt động kinh doanh chưa bám sát kim chỉ nam này. Hoãn cổ phần hóa nhiều đại dự án ngàn tỉ thua lỗ của ngành Công Thương có phần hơi lạc quan khi cho rằng chúng vẫn có thể sinh lời trên nền tảng máy móc lạc hậu. Dẫu không rót thêm vốn nhà nước, nhưng chính sách cứu sống nhiều nhà máy ethanol cũng nằm trong danh sách đen bởi nó đồng nghĩa tước bớt cơ hội tồn tại và phát triển của một nhóm doanh nghiệp khác.


Mới đây nhất, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) ra đời nhằm quản lý gần 1 triệu tỉ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể nhận được nhiều tiếng vỗ tay. Thế nhưng, như chính Thủ tướng lưu ý “chúng ta phải lựa chọn, xây dựng Ủy ban trở thành một cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại hoặc con đường thứ 2 là một cơ quan quan liêu, kiểu cũ tạo ra gánh nặng cho đất nước”. Nếu không hoạt động hiệu quả, đây chỉ là cách “cơ cấu vốn, cơ cấu nợ” chứ không phải là cách thay đổi cấu trúc tín dụng nhằm phục vụ nền kinh tế hiệu quả. Từ đó, có thể mở thêm một cửa soát vé nữa cho nhóm doanh nghiệp đang sử dụng 1 triệu tỉ đồng vốn nhà nước. Làm sao lượng vốn này hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường mới là quản lý tín dụng tốt, đó mới là tái cấu trúc tín dụng thực sự.

Trong khi những ràng buộc, níu kéo doanh nghiệp ở lại với Nhà nước hoặc duy trì cách thức quản lý kiểu Nhà nước chưa được tháo gỡ, chưa thể hy vọng có một nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả. Hệ lụy không thể tránh khỏi là rất khó vận hành một hệ thống tín dụng theo nguyên tắc kinh tế thị trường trong môi trường kinh doanh vắng bóng những yếu tố lành mạnh này.

Tất nhiên, không thể không nhắc đến vướng mắc đang án ngữ trong cấu trúc nội tại của hệ thống tín dụng Việt Nam. Quyết định 986 về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vẫn đặt nhiệm vụ xây dựng cơ chế phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu...

Tai cau truc ngan hang: Tien phai sinh ra tien
 


Điều này chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì vị trí được nhiều chuyên gia gọi nôm na là “siêu ngân hàng thương mại”. Nếu vậy, việc tách bạch vai trò ổn định chính sách tài khóa và điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tiến tới việc tổ chức giữ vai trò như một Ngân hàng Trung ương thực thụ không dễ đạt được một cách triệt để. Mục tiêu sau năm 2020, thị trường ngân hàng cơ bản hoạt động theo nguyên tắc thị trường chỉ có thể được coi là vừa sức.

Tai cau truc ngan hang: Tien phai sinh ra tien
 

Chỉ khi nội lực nền kinh tế vững vàng, việc mở cánh cửa thị trường tài chính nội địa mới không đi kèm cùng mối lo các nhà tài phiệt nước ngoài mau chóng chiếm ưu thế. Về phần Việt Nam, trong chừng mực những việc có thể giải quyết hiện tại, hãy cố làm thật công tâm.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày