Kinh Doanh

Tại sao bơm tiền ồ ạt giá vàng vẫn lao đốc?

Thứ Tư | 22/05/2013 12:38

Nhận thức trước giờ của nhà đầu tư về nới lỏng tiền tệ có lẽ bắt đầu thay đổi, và khiến giá vàng giảm cả khi ngân hàng trung ương bơm tiền.
Hãng tin CNBC vừa đăng một bài phân tích của Marshall Gittler, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu tại IronFX – một công ty chuyên về giao dịch ngoại hối, chứng khoán, hàng hóa Anh và Mỹ. Ông từng là người đứng đầu Ủy ban quản lý tài sản của Deutsche Bank.

Trong bài phân tích, ông Gittler chỉ ra, vàng tăng giá trước giờ do nhà đầu tư hiểu không đúng về các vấn đề kinh tế toàn cầu cũng như về bản chất của nới lỏng định lượng (QE).

Nhà đầu tư mới chỉ nhận ra rằng những lý thuyết phân tích của họ không còn đúng với tình hình kinh tế toàn cầu hiện tại và họ cần thay đổi. Đó là lý do vì sao họ không còn nhiều ý định găm giữ vàng.

Việc nhà đầu tư ra sức gom vàng khi chiến lược gia John Reade tại quỹ tín thác vàng lớn Paulson & Co rằng, các chính phủ in thêm tiền với tốc độ chưa từng thấy, làm tăng nhu cầu đối với vàng như một tài sản đầu tư thay thế. Phân tích này dựa trên ngầm định QE khiến tiền giấy mất giá, do đó càng làm tăng sức hấp dẫn dài hạn với vàng. Nói cách khác, phân tích trên dựa trên nhận thức lệch lạc về QE cũng như không tính đến tình trạng của một nền kinh tế đối mặt với “suy thoái về bảng cân đối kế toán”.

Các chính phủ ồ ạt nới lỏng tiền tệ, tuy nhiên, đó có thể gọi là in tiền hay không? Thực tế, bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương có phình ra nhưng thực chất họ chỉ thay thế một tài sản này bằng một tài sản khác. Ngân hàng trung ương có thể in thêm tiền dựa trên tình hình dự trữ tài sản và sau đó cho vay. Tuy nhiên cho đến khi tạo ra các khoản vay này và in thêm tiền mới thì dự trữ tài sản của ngân hàng trung ương vẫn chỉ là tiền “tiềm năng” (tiền chưa thực sự sinh ra). Cỗ máy in tiền ở các nước phát triển đã sụp đổ khi hoạt động cho vay ngân hàng chững lại hoặc giảm.

Lý do các ngân hàng trung ương không thể “cho không” tiền đó là kinh tế đang ở giai đoạn “suy thoái về bảng cân đối kế toán”. Khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhận thấy giá trị tài sản của họ bao gồm nhà đất, các trung tâm thương mại hay bất cứ tài sản nào khác thấp hơn nợ phải trả (hay có thể nói tình trạng “vợ nợ”), họ sẽ không vay thêm bất kể là khoản vay giá rẻ mức nào. Họ sẽ quan tâm đến việc tiết kiệm và trả nợ.

Trong giai đoạn suy thoái bình thường, khi ngân hàng trung ương hạ lãi suất, người tiêu dùng sẵn sàng vay trở lại, và tình hình sẽ trở lại bình thường, nhưng trong giai đoạn suy thoái bảng cân đối như ở Nhật Bản hiện tại, điều này sẽ không xảy ra.

Vấn đề là ở chỗ các chính phủ đặc biệt ở châu Âu không nhận ra được sự khác biệt này. Không thể tất cả mọi người đều thắt lưng buộc bụng cùng một lúc bởi một người chi tiêu nghĩa là một người khác có thu nhập. Do đó cần có người cho vay cuối cùng để tiền có thể tái quay vòng.

Chính phủ sẽ làm nhiệm vụ đó nhưng ngày nay lại đi ngược lại với xu hướng đó. Các chính phủ cũng ra sức hạn chế chi tiêu và dẫn đến vòng xoáy suy giảm tiêu dùng, suy giảm lợi nhuận cũng như giá cả.

Trong khi việc gom vàng chờ lạm phát phi mã thì kinh tế toàn cầu đã rơi vào giảm phát trước. Hãy nhớ lại rằng, bong bóng bất động sản Nhật Bản đạt đỉnh vào năm 1991 nhưng giảm phát chỉ bắt đầu vào năm 1999.

Khi những người gom vàng do dự đoán sẽ xảy ra lạm phát phi mã dần nhận ra rằng họ đang lỡ nhịp thì họ bắt đầu bán ra và đổ tiền vào các tài sản sinh lời hơn như chứng khoán.

Ông Gittler cho rằng, tình trạng bán tháo vàng sẽ còn tiếp tục cho đến khi giá vàng xuống dưới chi phí cận biên sản xuất và nguồn cung bắt đầu giảm.

Nguồn CNBC/Dân Việt


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày