Kinh Doanh

Tăng tốc cuộc đua chiếm lĩnh bầu trời Mỹ

Sơn Nguyễn Thứ Ba | 05/03/2019 07:30

Ảnh: Quý Hòa.

Đội bay việt nam khó lòng bỏ qua sức hấp dẫn của thị trường hàng không khổng lồ như Mỹ.
Ảnh: Quý Hòa.

Ngay sau khi Mỹ chính thức cấp phép các chuyến bay thẳng (nonstop flight) cho Hà Nội, các hãng hàng không trong nước đã rục rịch ngay các kế hoạch thiết lập đội bay phục vụ cho thị trường hàng không hấp dẫn nhất thế giới này.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ khai khác tuyến TP.HCM kết nối với 2 thành phố Los Angeles hoặc San Francisco kể từ năm 2020. Vietjet Air đang chờ nhận các tàu bay thân rộng 787 của hãng Boeing để khai khác thị trường Mỹ, trong khi hãng bay mới Bamboo Airways mới đây đã ký hợp tác chiến lược với công ty cung cấp các dịch vụ kỹ thuật hàng không SIAEC - một bước đi nằm trong kế hoạch phục vụ cho mục tiêu chiếm lĩnh “bầu trời Mỹ” sau năm 2020.

Tang toc cuoc dua chiem linh bau troi My
Ảnh: Thiên Ân

Mặc dù còn một số vấn đề kỹ thuật cần phải vượt qua nhưng có thể thấy tác động của việc mở cửa bầu trời Mỹ không thua kém gì so với chính sách “Bầu trời mở ASEAN” - điều giúp gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và ngược lại. Hiện nay, để bay đến Mỹ, người dân Việt Nam thường quá cảnh ở các trạm trung chuyển lớn như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật.

Với tuyến bay thẳng, thời gian di chuyển từ Việt Nam đến Mỹ dự kiến sẽ rút xuống chỉ còn chưa đầy 18 tiếng. Lượng khách Việt kiều về nước dự kiến sẽ gia tăng hơn, giúp sân bay Long Thành tương lai có thêm cơ hội để cải thiện hiệu quả tài chính.

Theo ông Kenneth Foo, Giám đốc Bộ phận Vận chuyển hàng hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương của  DHL, Việt Nam có cơ hội tiếp bước Singapore và Philippines thiết lập các đường bay trực tiếp đến Mỹ. “Nếu điều này trở thành hiện thực, nó sẽ gia tăng tính kết nối, cải thiện tính cạnh tranh và tất nhiên là tín hiệu lạc quan không chỉ cho Việt Nam mà cho cả ASEAN”, ông Kenneth Foo nhận định.

Nhưng thách thức cho các hãng hàng không Việt Nam là không hề nhỏ. Để bay liên tục hàng chục giờ, các hãng buộc phải sử dụng máy bay thân rộng. Trong số các hãng hàng không hiện nay, chỉ có Vietnam Airlines sở hữu một số dòng máy bay đủ sức bay đến Mỹ là Boeing 787 và A350, trong khi các đơn hàng đã ký của của Vietjet Air và Bamboo Airways sẽ cần thêm thời gian nữa mới được các hãng lắp ráp máy bay chuyển giao.

Tang toc cuoc dua chiem linh bau troi My
 

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines, cả hai dòng máy bay thân rộng mà hãng đang sở hữu hiện có điểm yếu là phải có một điểm dừng kỹ thuật để tiếp nhiên liệu, làm giảm tính cạnh tranh. Hiện Vietnam Airlines đang đàm phán với các nhà sản xuất để khắc phục nhược điểm này nhưng phải chờ đến sớm nhất năm 2022 mới được cung cấp các loại máy bay mới.

Nhờ lợi thế về quy mô và chất lượng dịch vụ, thị phần bay thẳng đến Mỹ hiện đang bị các hãng ngoại khống chế. Người dẫn đầu hiện là hãng EVA Air (Đài Loan) với thị phần khoảng 22% (theo dữ liệu của Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương - CAPA cho năm 2016). Các vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Korean Air (17%) và Cathay Pacific (11%). Sức ép cạnh tranh về giá vé với các đối thủ ngoại sẽ là thách thức cho các hãng bay trong nước.

Hiện nay, Vietnam Airlines đang có cổ đông chiến lược là hãng ANA Airlines (Nhật) nên đầu tiên có thể tận dụng mối liên minh với hãng bay của Nhật để tăng cường các chuyến bay kết nối vào Mỹ. Theo thống kê của CAPA, ANA đang vận hành các tuyến bay đến 9 địa điểm của Mỹ, trong đó, có các thành phố quy tụ đông đảo Việt kiều sinh sống.

“Ngay cả khi được cấp phép bay thẳng, Vietnam Airlines sẽ chỉ đủ sức vận hành các tuyến bay đến 1 hay 2 thành phố và có thể Hãng sẽ tận dụng ANA để tăng cường các điểm kết nối khác”, CAPA nhận định. Bài toán chi phí (đặc biệt là nhiên liệu và vận hành) là điều các hãng sẽ phải cân nhắc khi thực tế cho thấy các tuyến bay dài hơi đến Mỹ không mang lại lợi nhuận cao.

Tang toc cuoc dua chiem linh bau troi My
 

Ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, nhận định trong 5 năm đầu tiên, tuyến bay thẳng đến Mỹ có thể gây lỗ cho Hãng 30 triệu USD mỗi năm. Nhưng ngay cả khi chịu lỗ, sức hấp dẫn của một trong những trường hàng không đông đảo nhất thế giới như Mỹ và cơ hội gia tăng giá trị thương hiệu là điều mà các hãng hàng không khó lòng bỏ qua.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất, trở thành thị trường lớn thứ 15 trong năm 2035. Trong năm 2019, lượng hành khách của ngành hàng không sẽ tăng trưởng ổn định với sự trợ lực từ du lịch.

Lượng hành khách thông qua cảng hàng không Việt Nam có thể đạt 127 triệu lượt khách vào năm 2021 và 185 triệu lượt khách vào năm 2025. “Với kỳ vọng tỉ lệ hành khách quốc tế tăng lên từ các hãng hàng không Việt Nam mở các chuyến bay sang các thị trường mới, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á và động lực từ việc phát triển ngành du lịch, lợi nhuận của các hãng vận tải hàng không, cảng hàng không và dịch vụ đều được kỳ vọng tăng trưởng lớn trong năm 2019”, Công ty Chứng khoán FPTS nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày