Kinh Doanh

Thị trường khởi sắc, xuất khẩu thủy sản đứng trước "giai đoạn vàng" để phục hồi?

Thái Bình Thứ Năm | 16/04/2020 17:58

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, xuất khẩu cá tra đang có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Nguồn ảnh: TL

Một số thị trường lớn đang bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc mang lại kỳ vọng phục hồi sớm cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, xuất khẩu cá tra đang có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc. Nguồn ảnh: TL

Một số thị trường lớn đang có dấu hiệu khởi sắc

Theo chia sẻ từ những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, mặc dù đang trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhưng từ tháng 2.2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại, hoạt động xuất khẩu đang dần trở lại bình thường. 

Một thông thông tốt từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), “Chỉ trong nửa đầu tháng 3.2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2.2020 trước đó. Nếu tốc độ xuất khẩu tăng như dự đoán, một số doanh nghiệp các tra tự tin nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50%”.

Mặc dù, hiện tại, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang xoay quanh mức trên dưới 18.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đã bắt đầu ổn định.

Từ tháng 4, có thể một số thị trường xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động vận chuyển hàng hoá bị gián đoạn, nhưng hiện tại, một số thị trường lớn đang bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, đây là tin vui cho hoạt động xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực. Kéo theo đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra dự kiến tăng mạnh sau khi chính thức khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới thị trường EU khi hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao nhận không thể thực hiện được do chính sách phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại các siêu thị châu Âu có chiều hướng gia tăng.

"Giai đoạn vàng" để đẩy mạnh cả số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu

Hiện nay, để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong việc cách ly xã hội, VASEP khuyến cáo, các doanh nghiệp cá tra cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích công nhân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình và bảo vệ sức khỏe chung của nhà máy.


Tuy nhiên, VASEP cho rằng, bên cạnh cần phải theo dõi diễn biến của dịch COVID-19, xem xét kỹ lưỡng trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu, hạn chế tối đa tình trạng hoãn hoặc dừng các đơn hàng thì các doanh nghiệp nên chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh để chủ động nguồn nguyên liệu khi thị trường hồi phục (dự báo tháng 6, tháng 7 tới).

Để giữ vững tốc độ xuất khẩu, doanh nghiệp cá tra cần chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh để chủ động nguồn nguyên liệu khi thị trường hồi phục. Nguồn ảnh: tapchicongthuong
Để giữ vững tốc độ xuất khẩu, doanh nghiệp cá tra cần chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh để chủ động nguồn nguyên liệu khi thị trường hồi phục. Nguồn ảnh: tapchicongthuong

Theo chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng, hiện tại tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã bước đầu được khống chế, nếu Việt Nam khống chế được dịch COVID-19 trong quý II để bắt đầu quý III và quý IV khôi phục lại hoạt động sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, thì đây là "giai đoạn vàng" để Việt Nam đẩy mạnh cả số lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu, bởi nhu cầu nhập khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng cao.

VASEP cũng cho rằng, mặc dù rất khó dự đoán về diễn biến tiếp theo của dịch COVD-19, nhưng sau đợt dịch này, dự kiến nhu cầu thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng vì nguồn cung thịt gà, thịt lợn giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nhất định phải đảm bảo ổn định nguồn cung để nắm bắt kịp thời cơ, có thể bật tăng trở lại.

Nhìn chung, hiện tại, việc Trung Quốc hồi phục và mở cửa trở lại là tín hiệu đáng mừng trong lúc khó khăn của ngành thủy sản Việt. Tuy nhiên, khó khăn vẫn tiếp diễn khi dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp trên trường thế giới. Theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%. 

Có thể bạn quan tâm:

Doanh nghiệp làm gì để sống sót qua đại dịch?

►Dệt may cắt giảm 70% đơn hàng nếu dịch bệnh kéo dài hết tháng 6

 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày