Kinh Doanh

Thị trường thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp ngoại “cầm đằng chuôi”

Thứ Năm | 04/12/2014 09:35

Dự báo đến năm 2015, Việt Nam cần 18 - 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, doanh số hàng năm lên tới 6 tỉ đô la.

Nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng 13 - 15%/năm, dự báo đến năm 2015 cần 18 - 20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số hằng năm lên tới 6 tỉ USD. Rõ ràng đây là một thị trường béo bở, thế nhưng các doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn lép vế.

Thị phần thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp tại VN hiện nay
Thị phần thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp tại VN hiện nay

Theo thống kê của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến TACN thành phẩm công nghiệp cho gia súc và gia cầm, trong đó DN có vốn đầu tư 100% trong nước khoảng 180 nhà máy; các DN liên doanh và 100% vốn nước ngoài có khoảng 59 nhà máy.

Ít nhưng mạnh

Mặc dù số lượng nhà máy của các DN liên doanh và 100% vốn đầu tư nước ngoài không nhiều nhưng lại chiếm tỷ trọng rất lớn về sản lượng, chiếm 60 - 65% tổng sản lượng TACN sản xuất ra. Ngược lại, khối tư nhân và khối nhà nước có số lượng nhà máy lớn nhất nhưng lại chỉ chiếm 35 – 40% trong tổng sản lượng. Điều này chứng tỏ rằng năng lực và khả năng cạnh tranh của các DN trong nước vẫn còn rất kém so với các DN liên doanh hay có vốn đầu tư nước ngoài.

DN chiếm thị phần cao nhất hiện nay là Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Cty CP) với 19,42% trong tổng sản lượng sản xuất ra thị trường; đứng sau là Cty TNHH Cargill Việt Nam (Cty Cargill) 8,11%; xếp sau lần lượt là… các DN FDI hoặc DN 100% vốn nước ngoài khác…

Cụ thể, hiện Cty CP đang nắm giữ 40% thị phần đối với ngành hàng gà công nghiệp; 50% thị phần trứng công nghiệp và 18 - 20% thị phần ngành TACN tại VN, cũng như nắm giữ 5% trong tổng sản lượng chăn nuôi lợn của cả nước. Trong tổng doanh thu của Cty này, doanh thu từ sản xuất TACN là nguồn doanh thu lớn nhất (chiếm 62,2% trong tổng doanh thu). Mặc dù hiện tại Cty đã có khoảng 3.000 đại lý cung cấp thức ăn trên địa bàn cả nước, tuy nhiên dự kiến sẽ còn mở thêm 10.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc và sẽ xây dựng thêm 6 nhà máy xay xát TACN ở VN trong năm 2014.

Cùng với Cty CP, tính đến năm 2013, Cty Cargill có tổng cộng 6 nhà máy chế biến TACN, nâng công suất lên 1 triệu tấn/năm. Các chi nhánh của Cty Cargill được đặt tại Hưng Yên, Đồng Nai, Long An, Hà Nam, Bình Định...

Thao túng

Việc mở rộng quy mô các DN này bên cạnh mặt lợi là đưa ngành sản xuất chăn nuôi phát triển, nhưng cũng chứa những rủi ro như có nguy cơ bị thao túng, đẩy giá cao hơn thực tế.

Ông Âu Thanh Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng: “Thực tế giá thức ăn chăn nuôi ở VN cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Giá này, trừ thuế VAT 5% thì lợi nhuận của các Cty thức ăn chăn nuôi từ 11 - 15%. Đáng nói là ở Thái Lan người ta quy định lợi nhuận đối với mặt hàng này chỉ khoảng 5%, không được cao hơn, nhưng ở VN thì không ai quản lý”.

Giá thức ăn đầu vào cao nên giá thành phẩm của ngành chăn nuôi VN rất khó để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nghịch lý người nuôi thua lỗ, nợ nần nhưng các Cty sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ngày càng phát đạt cũng bắt nguồn từ thực trạng này.

Giải pháp

Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có quy hoạch cho vùng nguyên liệu với loại sản phẩm “đầu vào” này. Từ đó, sẽ thu hút ngày càng nhiều hơn các DN trong nước vào đầu tư, nghiên cứu, sản xuất TACN, góp phần hạn chế tối đa sự độc quyền của DN nước ngoài trên thị trường TACN, tạo ra sự cạnh tranh về giá.

Về phía các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển thị trường hợp lý để chủ động nguồn nguyên liệu. Trên cơ sở đó, DN phải trực tiếp ký kết hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu để người trồng có thể yên tâm sản xuất, cũng như tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho chính họ.

Nhà nước và các tổ chức tín dụng nên có những chính sách ưu đãi cho DN vay vốn đầu tư tạo vùng nguyên liệu. Chúng ta cần phải tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng thông qua xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách với thực tế triển khai.

Trên cơ sở tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng tốt cho người dân và DN, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các tập thể, cá nhân xây dựng cầu cảng, hệ thống vận chuyển, nhà kho chuyên dụng, mở sàn giao dịch về thức ăn chăn nuôi qua mạng để các DN, người chăn nuôi cập nhật thông tin về giá nguyên liệu, giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thị trường thế giới.

Các viện nghiên cứu, các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu các công thức phối trộn thức ăn phù hợp điều kiện chăn nuôi nước ta, sớm đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất; khuyến khích chế biến bột cá từ đó, khuyến khích nghiên cứu tạo nguyên liệu mới như: thức ăn bổ sung, thức ăn phụ gia...

Nguồn DĐDN


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày