Kinh Doanh

Việt Nam: Một câu chuyện thành công đầy lôi cuốn

Văn Đạt Thứ Ba | 11/10/2022 07:30

Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển và thậm chí có thành tích vượt trội trong khu vực về tốc độ tăng trưởng GDP. Ảnh: Lê Toàn

Khi nghĩ đến những câu chuyện thành công của các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI, Việt Nam là một ví dụ nổi bật.
Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển và thậm chí có thành tích vượt trội trong khu vực về tốc độ tăng trưởng GDP. Ảnh: Lê Toàn

Từ một nền kinh tế chuyên sản xuất những sản phẩm có giá trị thấp, Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục để trở thành một trong những trung tâm sản xuất các sản phẩm công nghệ quan trọng của toàn cầu. Chia sẻ với NCĐT, ông Surendra Rosha, đồng Giám đốc Điều hành của HSBC châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công mà ông rất tâm đắc.

Việt Nam duy trì đà tăng trưởng GDP ổn định ngay cả trong đại dịch. Ông đánh giá thế nào về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023?

 

Bất chấp những thách thức toàn cầu, Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển và thậm chí có thành tích vượt trội trong khu vực về tốc độ tăng trưởng GDP. Nền kinh tế của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 11 năm, đạt 8,83% trong 9 tháng năm 2022 nhờ đà phục hồi kinh tế trên diện rộng sau khi mở cửa hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. Chỉ số PMI, thước đo niềm tin của ngành sản xuất trong nền kinh tế, đạt 52,5 trong tháng 9, báo hiệu tình hình sản xuất cải thiện vững vàng.

Tương lai của Việt Nam rất tươi sáng. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam từ 6,9% lên 7,6%. Năm 2023, GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6,3%, lạm phát được kiểm soát toàn diện. Không chỉ riêng HSBC, đầu tháng 9, Moody’s nâng hạng Việt Nam lên Ba2, sau đợt nâng hạng của S&P.

Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty đang dịch chuyển sản xuất sang châu Á?

Việt Nam vẫn luôn là một trong những câu chuyện thành công ưa thích của tôi. Qua thời gian, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một cứ điểm sản xuất toàn cầu mới nổi. Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn vì nhiều lý do như vị trí chiến lược, lao động và chi phí sản xuất cạnh tranh, sự ổn định về chính trị, tiền tệ và xã hội, tham gia nhiệt tình vào các hiệp định thương mại tự do, sự bền bỉ và tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam.

Nhìn về quá khứ, chúng ta sẽ thấy Việt Nam ban đầu chỉ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng tương đối thấp như dệt may và giày dép. Qua nhiều năm, Việt Nam đã dần dần chứng tỏ năng lực khi từng bước thăng hạng trong chuỗi giá trị đến vị thế hiện tại là một trung tâm sản xuất quan trọng cho các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực điện tử. Xuất khẩu điện tử đạt kỷ lục 108 tỉ USD vào năm 2021, tương đương với 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng so với mức dưới 1 tỉ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000.

Nói như vậy, thành công của Việt Nam đến từ dòng vốn FDI?

Sự thành công trong lĩnh vực công nghệ phần lớn nhờ vào nguồn FDI nhiều năm của Samsung tại Việt Nam kể từ cuối những năm 2000. Ảnh: TTXVN
Sự thành công trong lĩnh vực công nghệ phần lớn nhờ vào nguồn FDI nhiều năm của Samsung tại Việt Nam kể từ cuối những năm 2000. Ảnh: TTXVN

Với tổng đầu tư khoảng 18 tỉ USD trong các năm qua, Samsung hiện sở hữu 8 nhà máy và 1 trung tâm R&D tại Việt Nam, bao gồm 2 nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, cung cấp phân nửa sản lượng điện thoại thông minh và máy tính bảng của Hãng. Sự thành công của Samsung đã thúc đẩy những gã khổng lồ công nghệ khác như Google và LG chuyển chuỗi cung ứng của họ đến Việt Nam.

Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19 khi các tập đoàn toàn cầu muốn củng cố tính bền bỉ chuỗi cung ứng của họ và điều đó không chỉ giúp nâng cao sản lượng xuất khẩu của Việt Nam mà còn gia tăng dòng chảy FDI vào trong nước.

Mặc dù quá trình này phần nào bị gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, FDI vào Việt Nam vẫn rất ổn định. Có thể lấy ví dụ lĩnh vực sản xuất cung ứng cho Apple. 2 nhà cung ứng Đài Loan của Apple là Pegatron và Foxconn và 2 nhà lắp ráp Trung Quốc đại lục là Luxshare và Goertek đều công bố các kế hoạch đầu tư lớn nhằm tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được triển khai trong 9 tháng năm 2022 đạt 15,43 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi các công ty đa quốc gia tìm cách mở rộng sản xuất tại Việt Nam, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Theo ông, điều gì khiến Việt Nam trở thành điểm nóng thu hút nguồn vốn FDI trong khu vực?

 

Môi trường chính sách FDI của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vài năm qua với nhiều chính sách thuận lợi hơn được ban hành. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số 2 quốc gia đứng đầu ASEAN về mức độ đạt được nhiều cải thiện nhất, trong đó có thể kể đến như cải thiện cơ sở hạ tầng, nới lỏng các hạn chế đầu tư và quản lý tài khóa hiệu quả hơn.

Trong tương lai, chúng tôi tin rằng câu chuyện thành công của Việt Nam sẽ còn tiếp nối dài lâu. Tham vọng công nghệ của Việt Nam không chỉ dừng lại ở vị trí một trung tâm sản xuất cấp thấp. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam cần cải cách hơn nữa, bao gồm cả nâng cao tay nghề của lực lượng lao động và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, những yếu tố cần thiết để giúp Việt Nam nắm bắt tốt hơn các cơ hội.

Vị thế toàn cầu của khu vực Đông Nam Á ngày càng quan trọng. Theo ông, Việt Nam đang ở đâu trong khu vực này?

Ở châu Á, số người trong nhóm cao nhất, chi tiêu hơn 110 USD/ngày, dự kiến sẽ tăng từ 27 triệu vào năm 2021 lên 50 triệu vào năm 2030 và tăng vọt lên 164 triệu vào năm 2040. Khi đó, châu Á sẽ có nhiều người dân thuộc nhóm thu nhập cao hơn so với châu Âu hoặc Mỹ. 

Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy phần lớn khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm quốc gia có tầng lớp tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở châu Á. Trong đó, Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 trên toàn cầu vào năm 2030, vượt qua các đối thủ khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Anh vào cuối thập kỷ này. Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt cả Đức vào năm 2030.

Khu vực Đông Nam Á đang trở thành một phần quan trọng hơn của thế giới, không chỉ nhờ vào tăng trưởng thị trường tiêu dùng nhanh mà còn nhờ sự bùng nổ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi nghĩ đến những câu chuyện thành công của các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI, Việt Nam là một ví dụ nổi bật. Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm, dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.

Việt Nam là nước nhận FDI lớn thứ 2 trong khu vực xét trên tỉ trọng với GDP (chỉ đứng sau Malaysia). Chúng tôi tin rằng chiến lược thu hút FDI cạnh tranh và những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, bối cảnh bên ngoài dường như không mấy thuận lợi. Ông nhận thấy ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp phải những thách thức gì?

Không thể phủ nhận bức tranh chung về tăng trưởng toàn cầu có vẻ ảm đạm. Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này chính là áp lực lạm phát. Giá năng lượng tăng ở châu Âu đặt ra những rủi ro bất lợi về kinh tế không nhỏ đối với cả chi tiêu hộ gia đình lẫn khả năng duy trì hoạt động của các doanh nghiệp.

Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy phần lớn khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm quốc gia có tầng lớp tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở châu Á. Ảnh: Lê Toàn
Chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy phần lớn khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm quốc gia có tầng lớp tiêu dùng phát triển nhanh nhất ở châu Á. Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, khi tôi đến thăm nhiều thị trường châu Á nơi HSBC hoạt động, được trò chuyện với nhiều khách hàng, doanh nghiệp và cả các cơ quan chính quyền, tôi quan sát thấy tác động ở châu Á có vẻ nhẹ hơn. Đặc biệt, các thị trường Đông Nam Á đã viết nên một câu chuyện kiên cường. Xuất khẩu tiếp tục vững mạnh. FDI vẫn dồi dào. Du lịch đang hồi sinh. Lấy ví dụ như Việt Nam, nền kinh tế trong nước tiếp tục đà tăng trưởng bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng hơn. 

Bất ổn rõ ràng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đồng nghĩa với ảnh hưởng đến FDI. Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm sự ổn định và Việt Nam là một “vùng trời bình yên” hơn so với nhiều thị trường cận biên khác.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày