Kinh Doanh

Vietnam Airlines thua lỗ kỷ lục trong quý I, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại nhiều nước

Minh Anh Thứ Hai | 03/05/2021 12:41

Để ứng phó với dịch bệnh, tổng công ty cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, nhà cung cấp để giảm giá và hoãn tiến độ thanh toán, giảm chi phí. Ảnh: TL.

Vietnam Airline vẫn chưa được cải thiện tình hình kinh doanh trong quý I do đại dịch vẫn còn bùng phát tại nhiều nước và ngành du lịch chưa khởi sắc.
Để ứng phó với dịch bệnh, tổng công ty cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, nhà cung cấp để giảm giá và hoãn tiến độ thanh toán, giảm chi phí. Ảnh: TL.

Tổng công ty hàng không Việt Nam vừa công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý I/2021 với khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 4.975 tỉ đồng, mức cao kỷ lục. Doanh thu quý I của tổng công ty tiếp tục giảm 60,3% xuống 7.460 tỉ đồng. Giá vốn cao hơn doanh thu nên doanh nghiệp bị lỗ gộp 3.869 tỉ đồng, cao hơn mức lỗ 632 tỉ cùng kỳ năm trước.

Doanh thu giảm mạnh

Doanh thu tài chính giảm 56% xuống 106 tỉ đồng, chi phí tài chính cũng giảm 68% xuống 359 tỉ đồng. Tổng công ty cũng giảm được đáng kể chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Doanh nghiệp cho biết dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến ngành hàng không toàn cầu. Doanh thu cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines giảm đến 64%, trong đó doanh thu nội địa giảm 26% và quốc tế giảm 97%. Doanh thu thuê chuyến cũng giảm 83,5%.

Không chỉ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ giảm, lợi nhuận của các công ty con có liên quan đến dịch vụ cung cấp hàng không cũng giảm như Vacs, Skypec, Viags… Với việc lỗ tiếp gần 5.000 tỉ đồng quý I, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tăng lên 14.219 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ. Nhờ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn khác mà tổng công ty vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu.

Ảnh: TL.
Tại thời điểm cuối quý, tổng tài sản doanh nghiệp giảm gần 2.000 tỉ đồng xuống 60.580 tỉ đồng. Ảnh: TL.

Để ứng phó với dịch bệnh, tổng công ty cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, nhà cung cấp để giảm giá và hoãn tiến độ thanh toán, giảm chi phí. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường sử dụng các khoản vay vốn ngân hàng để bù đắp thanh khoản. Ngoài ra, hãng còn triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để bổ sung dòng tiền, cải thiện thu nhập.

Tại thời điểm cuối quý, tổng tài sản doanh nghiệp giảm gần 2.000 tỉ đồng xuống 60.580 tỉ đồng. Tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.595 tỉ đồng, tương đương đầu năm; khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 482 tỉ đồng.

Đồng thời, nhà nước với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối đã và đang triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính như gia hạn trả nợ khoản vay của Chính phủ bảo lãnh, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0% cho tổ chức tín dụng để Vietnam Airlines vay bổ sung vốn kinh doanh. Doanh nghiệp cũng đang triển khai các thủ tục cần thiết để chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ tối đa 8.000 tỉ đồng.

Đề xuất giá sàn

Trước nhiều khó khăn, Vietnam Airline đã đề xuất áp giá trần và giá sàn vé máy bay. Cụ thể, hãng này đề xuất giá trần tăng 50.000 - 250.000 đồng/khách, giá sàn được áp dụng theo 2 cách tính: cách 1 là chi phí trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng giá rẻ; cách 2 là giá sàn bằng 35% giá trần.

Giá sàn sẽ áp theo từng chặng cụ thể, với các chặng bay dưới 500 km; giá trần hiện tại là 1,6 triệu đồng, hãng này đề xuất áp giá sàn 414.000 đồng/chặng.

Với đường bay từ 500 - 850 km, giá sàn khoảng 570.000 - 787.000 đồng/chặng; đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, giá trần từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng, giá sàn từ 755.000 đồng - 1,11 triệu đồng/chặng; đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, giá trần hiện tại là 3,2 triệu đồng, được đề xuất tăng lên 3,4 triệu đồng chặng, còn giá sàn 804.000 đồng - 1,19 triệu đồng/chặng.

 

Đường bay trên 1.280 km, giá trần hiện tại là 3,75 triệu đồng, được đề xuất tăng lên 4 triệu đồng, giá sàn 917.000 đồng - 1,4 triệu đồng/chặng. Trước đó, tháng 3.2017, Vietnam Airlines từng đề xuất áp giá sàn vé máy bay. Cùng với Jetstar Pacific, Vietnam Airlines đề xuất áp dụng giá sàn và đưa ra con số 1,54 triệu đồng - là mức thấp nhất cho vé máy bay nội địa, cao nhất (trần) là 4,2 triệu đồng.

Trên thế giới, một số nước từng áp dụng giá sàn vé máy bay như Trung Quốc, nhưng năm 2013 đã bỏ giá sàn. Hiện, một số hãng giá rẻ của Việt Nam vẫn tung ra các chương trình giá vé 0 đồng. Nếu áp giá sàn, sẽ không còn các "cuộc chiến" giá vé, ảnh hưởng đến hành khách.

Đề xuất này, ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối từ dư luận và các chuyên gia, sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã không chấp thuận đề xuất này. Nhìn nhận về đề xuất của Vietnam Airlines, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu áp dụng giá sàn chung cho vé máy bay như Vietnam Airlines đề xuất, sẽ vô hình chung triệt tiêu động lực cạnh tranh, hành khách sẽ mất đi cơ hội có vé giá rẻ và còn vi phạm Luật Cạnh tranh.

►Vinamilk và những kế hoạch kinh doanh thận trọng trong 2021


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày