Kinh Doanh

Vui Vui dừng cuộc vui

Viết Nguyên Thứ Hai | 24/12/2018 14:00

Đến cuối năm 2017, tức sau 1 năm hoạt động, doanh thu của Vuivui.com chỉ đạt khoảng 73 tỉ đồng, bằng 0,1% tổng doanh thu của MWG.

Thế giới di động dừng cuộc vui với mô hình thương mại điện tử vuivui.com.
Đến cuối năm 2017, tức sau 1 năm hoạt động, doanh thu của Vuivui.com chỉ đạt khoảng 73 tỉ đồng, bằng 0,1% tổng doanh thu của MWG.

Tân CEO Thế Giới Di Động nhắm mục tiêu 8 tỉ USD

Phép thử mới của Thế Giới Di Động


Vuivui.com của Thế Giới Di Động (MWG) vừa chính thức đóng cửa, chấm dứt hành trình gần 2 năm nhảy vào lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là sự kiện gây chú ý bởi khi mới thành lập, MWG từng đặt các mục tiêu hoành tráng cho trang thương mại điện tử này. Cụ thể, MWG dự tính, trong vòng 3-5 năm kể từ khi trình làng, Vuivui.com có thể vượt cả doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động và đóng góp khoảng 10% doanh thu của toàn hệ thống, tức đạt đến mức tỉ USD, nếu căn cứ vào mục tiêu hướng tới doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2020 của MWG.

Lý do để ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, đặt nhiều tham vọng vào Vuivui.com vì ở thời điểm MWG thai nghén Vuivui.com (cuối năm 2016), thương mại điện tử bước vào giai đoạn bùng nổ. Quy mô thị trường thương mại được ước định khoảng 5 tỉ USD và dự đoán có thể đạt 10 tỉ USD, tức 5% thị trường bán lẻ Việt Nam vào năm 2020.

Vui Vui dung cuoc vui
 


MWG không muốn đứng ngoài cuộc chơi này, nhất là khi thương mại điện tử chỉ mới tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, với 75% thị phần. MWG bước chân vào thương mại điện tử vì nhìn thấy xu hướng giao dịch tương lai. Trong quá trình triển khai ban đầu, 80% sản phẩm bán ở Vuivui.com là lấy nguồn hàng từ chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Do đó, việc quản lý, kết hợp giao hàng được thực hiện chặt chẽ, nhanh chóng.

Vuivui.com đã được xem là một bước đi đầy tiềm năng của MWG. Sự hiện diện của hệ thống này vào cuối năm 2016 từng khiến Tiki phải dè chừng. Bởi vì như lãnh đạo MWG từng thừa nhận, mô hình của Vuivui.com gần tương đồng với Tiki, tức kết nối các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm tới người tiêu dùng (B2C). 

Vui Vui dung cuoc vui
 


Dù vậy, sau những công bố ban đầu, Vuivui.com ngày càng trở nên lặng lẽ. Đến cuối năm 2017, tức sau 1 năm hoạt động, doanh thu của Vuivui.com chỉ đạt khoảng 73 tỉ đồng, bằng 0,1% tổng doanh thu của MWG.

Sau khi đóng cửa, toàn bộ nền tảng website, hậu cần, giao nhận của Vuivui.com cũng đã được chuyển sang cho Bachhoaxanh.com. Điều này cho thấy chiến lược tập trung vào Bách Hóa Xanh - động lực tăng trưởng doanh thu chính cho MWG trong thời gian tới. Thực tế, như đại diện MWG chia sẻ, khi MWG quyết định chỉ tập trung vào Bách Hóa Xanh thì việc lựa chọn tên miền Bachhoaxanh.com trở nên phù hợp hơn là Vuivui.com. Ngoài ra, MWG muốn đi riêng vào phân khúc bán hàng FMCG vì quy mô thị trường hàng tiêu dùng rất lớn, trên 50 tỉ USD và nhu cầu mua online cũng rất cao. Như vậy, MWG nhắm đến thống lĩnh thị trường giao dịch online của 3 nhóm sản phẩm là điện thoại di động, điện máy và FMCG.

Đóng cửa Vuivui.com còn là cách để MWG tránh bớt sự trùng lắp và tiết kiệm chi phí. Bởi ngoài Vuivui.com, MWG vận hành cả website thegioididong.com và dienmayxanh.com, bachhoaxanh.com. Cùng một lúc tổ chức quản lý nhiều website và phải thúc đẩy các website đạt mức độ thu hút nhất định, MWG cần tăng cường đầu tư. MWG cần tiết giảm chi phí vì nguồn lực tài chính phải ưu tiên dồn cho các kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng, nhất là chuỗi Bách Hóa Xanh. Theo kế hoạch, MWG sẽ đạt 500 cửa hàng trong hệ thống này vào đầu năm 2019, từ con số 412 hiện tại. Tháng 11 vừa qua, MWG đã rót thêm 1.250 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho Bách Hóa Xanh và dự kiến tăng lên 3.000 tỉ đồng trong trung dài hạn.

Vui Vui dung cuoc vui
 


Trong khi đó, để tổ chức Vuivui.com và đưa trang thương mại của mình vượt lên vị trí số 10 trong bảng xếp hạng mới nhất của iPrice Insights, MWG phải tham gia vào cuộc chơi “đốt tiền”. Khoảng 4 tỉ USD của Alibaba đổ vào Lazada là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh tài chính cần phải có nếu muốn thống trị thị trường này. Để đối đầu với Lazada, SEA cũng đã huy động một khoản vay chuyển đổi có giá trị 575 triệu USD trong tháng 6 vừa qua nhằm cân đối ngân sách và hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Shopee.

Hiện tại, hầu hết các website thương mại điện tử đình đám ở Việt Nam đều lỗ đậm, như Lazada mỗi năm lỗ ngàn tỉ đồng, Shopee lỗ hơn 600 tỉ đồng năm 2017, Tiki lỗ gần 300 tỉ đồng, Sendo lỗ hơn 100 tỉ đồng... Nhưng trong mắt các nhà đầu tư, đây là khoản lỗ cần thiết, để dọn đường cho những thu hoạch về sau. Nói như ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki, khoản lỗ lớn vẫn thể hiện những thông điệp tích cực. Tiki đã và vẫn sẽ tập trung vào việc quản lý chặt chất lượng hàng hóa, kết hợp với đảm bảo tốc độ giao hàng nhanh.

Rõ ràng các hãng vẫn tiếp tục đầu tư bất chấp thua lỗ bởi nhìn thấy tiềm năng thị trường thương mại điện tử. Theo một báo cáo gần đây của Google và Temasek, chi tiêu hằng năm của người dân cho thương mại điện tử trong Đông Nam Á sẽ đạt mốc 88 tỉ USD vào năm 2025. Dù vậy, với mức độ thua lỗ triền miên và phải “đốt tiền”, trước Vuivui.com, một số website thương mại điện tử như Beyeu, Lingo, Deca... cũng phải ngậm ngùi nói lời từ giã.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, từng tuyên bố không làm thương mại điện tử theo kiểu đốt tiền. Trong bối cảnh đó, Vuivui.com chia tay thị trường cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên, dự án này đóng cửa sẽ có nhiều người không vui nhưng không để lún sâu hơn vào lỗ lớn vẫn là quyết định đáng được xem xét.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày