Đầu tư ESG và nguy cơ từ hành vi “tẩy xanh”

Nguyễn Hoàng Thứ Năm | 06/10/2022 08:52

Hành vi tẩy xanh đang bị phát hiện với quy mô và tần suất ngày càng tăng tại các doanh nghiệp lớn nhất thị trường

Quyền chủ nhiệm cấp cao bộ môn Sáng tạo và Kinh doanh tại Đại học RMIT Tiến sĩ Seng Kiong Kok phân tích một trong những xu hướng nổi bật nhất gần đây trong thế giới đầu tư.

“ESG” đã trở thành thuật ngữ thông dụng trên toàn cầu trong lĩnh vực đầu tư. Ông có thể giải thích một cách đơn giản đầu tư ESG là gì không?

Hoạt động đầu tư kinh doanh đang chuyển đổi theo hướng theo đuổi lợi nhuận đi kèm với mong muốn đóng góp vào “lợi ích lớn lao hơn” mà vẫn thu lời được từ đó. Sự kết hợp giữa mong muốn tạo nên tác động xã hội của cá nhân với hiệu suất đầu tư được gọi là "giá trị chung" (shared value) và là một trong nhiều xu hướng đổi mới trong thế giới đầu tư. 

Đầu tư ESG về cơ bản là quá trình đánh giá tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp dựa trên chỉ số ESG của họ. ESG là chữ viết tắt của Môi trường, Xã hội và Quản trị trong tiếng Anh (Environmental, Social and Governance) và là một thước đo kết hợp cả ba khía cạnh đồ sộ này. 

Ý tưởng cốt lõi là nhà đầu tư, thị trường và xã hội có thể sử dụng chỉ số ESG như một công cụ đánh giá “lợi ích lớn lao hơn” mà doanh nghiệp “được cho là” đang cung cấp. Dùng cụm từ “được cho là” bởi vì ESG là một thước đo đơn lẻ nhưng lại có tham vọng đại diện cho nhiều vấn đề rất phức tạp. Hơn nữa, thước đo này dễ bị bóp méo tùy theo dữ liệu được đưa vào để tính toán. “Tẩy xanh” (“greenwashing” trong tiếng Anh) là một khái niệm mà chúng ta thường nghe thấy khi bàn về những hành vi làm sai lệch hay xuyên tạc thông tin trong lĩnh vực này. 

Ông có thể đưa ra một vài ví dụ về “tẩy xanh”?  

Về cơ bản, “tẩy xanh” là khi doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch để thể hiện rằng mình hành động có trách nhiệm với môi trường. Như đã đề cập ở trên, tác động môi trường là một trong ba trụ cột của ESG và thường là trụ cột được chú trọng hoặc nhắc tới công khai nhiều nhất. 

Hành vi tẩy xanh có thể bao gồm việc phóng đại các chứng nhận về môi trường của một sản phẩm hoặc sáng kiến, hay thậm chí đánh lừa công chúng về hoạt động của doanh nghiệp. Những hành vi tẩy xanh này cũng có thể sử dụng hình ảnh “xanh” để thể hiện rằng doanh nghiệp quan tâm tới môi trường, hoặc che giấu các hành vi gây tổn hại đến sinh thái thông qua các tuyên bố mang tính chất lừa dối. 

Chẳng hạn, một số chuỗi siêu thị ở nhiều quốc gia, bao gồm ở Việt Nam, đã đưa vào sử dụng túi ni lông “tự hủy sinh học” để trở nên xanh hơn. Nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại túi “tự hủy sinh học” có thể không thực sự mang lại hiệu quả như đã hứa và thậm chí có thể phân hủy thành vi nhựa gây hại.

Vì sao “tẩy xanh” đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng?

Điều đáng lo ngại là hành vi tẩy xanh đang bị phát hiện với quy mô và tần suất ngày càng tăng tại các doanh nghiệp lớn nhất thị trường, song song với đó là việc các hoạt động tẩy xanh đang ảnh hưởng đến nhận thức về các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư ESG. 

Dữ liệu có thể được tẩy xanh đến mức “nhìn như thật” và được dùng để tính chỉ số ESG, qua đó làm sai lệch thước đo chủ đạo mà các cá nhân hoặc thị trường đang sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư ESG. 

Hơn nữa, những thông tin méo mó như vậy có thể tạo hiệu ứng gợn sóng, gây ảnh hưởng tới những lĩnh vực khác xa so với nguồn gốc ban đầu và khiến giá cả trở nên sai lệch. 

Hãy tưởng tượng một doanh nghiệp đã tẩy xanh tinh vi đến mức “đánh lừa” được các cơ quan xếp hạng, khiến các cơ quan này dùng thông tin sai lệch để tính chỉ số ESG. Các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu của doanh nghiệp dựa trên chỉ số ESG được công bố, dẫn đến việc cổ phiếu của doanh nghiệp tăng giá. Các cổ đông hiện tại của doanh nghiệp sẽ nhận thấy danh mục đầu tư và giá trị tài sản ròng của mình tăng lên.

Bây giờ hãy tưởng tượng rằng nhà đầu tư không chỉ là những cá nhân như bạn và tôi mà là những tổ chức lớn như các ngân hàng hay tập đoàn có phát hành cổ phiếu. Nếu danh mục đầu tư của họ cải thiện giá trị do các khoản đầu tư ESG sai lệch, thì có khả năng giá trị ròng tăng lên này sẽ dẫn đến việc giá cổ phiếu của chính họnắm giữ cũngtăng tương ứng. Tất cả những biến động này đều do thông tin gốc sai lệch gây ra. 

Như vậy hành vi tẩy xanh đã đi vào giá trị của tài sản tài chính, khiến cho giá ngày càng sai lệch so với giá trị “thực”. Nói một cách đơn giản, hành vi tẩy xanh có thể khiến thị trường kém hiệu quả hơn và bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể gây tác động rộng khắp trong cả ngắn hạn và trung hạn. 

Điều này đáng lo ngại bởi vì nhu cầu đầu tư ESG và đầu tư có trách nhiệm nói chung đang tăng lên. Số liệu thống kê do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bốnêu bật rằng giá trị các khoản vay liên quan đến ESG đã tăng hơn gấp ba lần trong năm 2021 và các khoản đầu tư ESG hiện chiếm gần 18% nguồn tài chính nước ngoài cho các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc. Hơn nữa, dữ liệu từ công ty dịch vụ tài chính Morningstarcũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể của các quỹ ESG với giá trị tài sản ước tính đạt 2,7 nghìn tỉ USD vào năm 2021.

Trong bối cảnh lĩnh vực ESG đang ngày càng trở nên sôi động, các bên liên quan sẽ mong muốn đảm bảo rằng thị trường không gặp phải bất kỳ hình thức bóp méo, tẩy xanh hay gian lận nào khác. 

Có thể làm gì để chống lại nạn tẩy xanh và các hành vi tương tự? 

Mặc dù đã có những nỗ lực phối hợp để giảm thiểu tác động của tẩy xanh đối với thị trường, hiệu quả của các biện pháp can thiệp này vẫn chưa rõ ràng. 

Ví dụ, đã có nhiều đề xuất sử dụng các sáng kiến về đổi mới phi tập trungtừ công nghệ blockchain có thể giúp theo dõi thông tin về môi trường của các công ty. Sự giám sát kỹ lưỡng hơn như vậy nhằm giảm thiểu cơ hội thực hiện hành vi tẩy xanh. Tuy nhiên, các sáng kiến này còn non trẻ và chưa có đủ dữ liệu để đánh giá hiệu quả của chúng. 

Hơn nữa, cũng có một số quan ngại về hiệu quả của ESG bởi vì thước đo này đang cố gắng tổng hợp quá nhiều thông tin. Khi xem xét lại các phương pháp tính toán ESG, có thể nhận thấy tính chất phức tạp vốn có của nhiều loại dữ liệu khác nhau, trong khi các nguồn thông tin có quá nhiều tầng lớp chồng chéo và có tới hàng trăm biến số cần cân nhắc để tính toán nên một giá trị duy nhất. Ma trận dữ liệu và thông tin phức tạp này có thể khiến việc đánh giá hành vi tẩy xanh gặp phải nhiều nguy cơ thất bại. 

Bên cạnh những quan ngại về ESG đã nêu trên, hiện nay chúng ta đang thiếu một phương pháp tính toán nhất quán. Các cơ quan khác nhau đang áp dụng các phương pháp khác nhau và không có tiêu chuẩn chung duy nhất cho việc báo cáo thông tin ESG. Tuy nhiên, hiện đã có một vài nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu khuôn khổ chung này, chẳng hạn Liên minh châu Âu gần đây đã ban hành Quy định công bố thông tin tài chính bền vững (Sustainable Finance Disclosure Regulation) để cung cấp khuôn khổ tiêu chuẩn cho báo cáo ESG. Ngoài ra Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cũng đang xây dựng các chính sách tương tự.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày