Hoa hậu H’Hen Niê: “Có sẵn tình yêu, tự cây sẽ kết nối”

Thanh Hằng Thứ Bảy | 28/01/2023 07:30

Hen tin chắc một điều rằng thế hệ Gen Z sẽ là các bạn sau này nói về môi trường nhiều. Ảnh: Gaia

Người con gái đẹp của núi rừng biết làm đẹp cho rừng núi, làm giàu cho mẹ Thiên nhiên.
Hen tin chắc một điều rằng thế hệ Gen Z sẽ là các bạn sau này nói về môi trường nhiều. Ảnh: Gaia

Đối với doanh nghiệp, việc trồng cây có thể khiến họ liên tưởng đến những con số giảm phác thải cac-bon trong bảng báo cáo bền vững. Với một số người, việc trồng cây không gắn với những con số mà như gieo trồng những người bạn. Hoa hậu H’Hen Niê, người đã bắt đầu trồng rừng với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia (Gaia) từ đầu 2022, là một trong số đó. Cô đã có dịp chia sẻ với NCĐT về những giá trị tinh thần cây cối đã mang đến cho cô.

Nhân duyên nào đã đưa em đến với việc hợp tác trồng rừng với Gaia?

Trước đó Hen có một khoảng thời gian tham gia cứu trợ miền Trung. Thấy nơi mình đi, chỗ nào có rừng tự nhiên thì đất rất chắc, còn những chỗ không có cây đều bị sạt lở hết. 

Em là một con người đến từ Đăk Lắk, có nhiều điều quen thuộc với rừng, với cây nên nhìn thấy những hình ảnh đó thấy rất xót. Trước đó, Hen nghĩ việc trồng rừng rất khó, chắc không có tổ chức nào trồng rừng vì nghĩ rừng là của tự nhiên, họ chỉ khai thác thôi. 

Mùa dịch, Hen làm rất nhiều dự án, có nhiều tổ chức khác nhau kết nối với Hen, trong đó có Gen Xanh. Các bạn có kết nối với chị Huyền (Đỗ Thị Thanh Huyền, người sáng lập Gaia). Gaia đã có hoạt động trồng rừng từ nhiều năm trước, họ tâm huyết trong mỗi hoạt động của mình. 

 

Em thấy rằng rõ ràng mình vẫn có thể gây thêm rừng, mình vẫn có thể làm giàu rừng, mình vẫn có thể trồng rừng ở những chỗ mình nghĩ cần rừng mọc ở đó. Và khi tham gia với chị Huyền thì sự tâm huyết của chị đã làm Hen theo tới thời điểm hiện tại. 

Từ lần đầu tiên đi, Hen đã cam kết trong lòng mình sẽ đồng hành với dự án của Gaia, đồng hành với chị Huyền. 

Em đã đến thăm những cây cổ thụ trong các chuyến trồng rừng, cảm giác của em khi đến thăm cây như thế nào?

Thật sự đó là một may mắn với Hen. Sau những buổi trồng rừng với chị Huyền. Thường buổi sáng mình sẽ đi trồng rừng, còn buổi chiều sẽ đi khám phá, đi “tắm rừng”. 

Khi đi thăm rừng Xuân Liên ở Thanh Hoá, Hen đã nhìn thấy những cây cổ thụ rất lớn. Có cây pơ mu hơn 1.500 năm, Hen nghe độ tuổi đã cảm thấy rất sướng. Từ xa, trong đoạn đường đi đến đó đã thấy rất nhiều cây to, mình đã vỡ oà khi nhìn thấy những cây như vậy rồi. Nhưng khi đến cây mình cần thăm, cây di sản, mình đã cảm thấy rất hạnh phúc. Khi ôm lấy cây, mình tưởng tượng là cây đã có mặt ở khu vực đó hơn 1.500 năm mà mình chỉ mới 30 tuổi thôi, mình được ôm, mình có cảm giác được tiếp thêm năng lượng.

Mọi người hay nói với nhau đây là “cụ”, tức không gọi là cây nữa mà gọi là “cụ cây”. Tức những từ quen thuộc đó, đó là cách xưng hô giữa con người với con người. Sự tâm huyết của các anh chị thể hiện qua cách xưng hô, qua hành động của các anh chị khi ở trong rừng rất gần gũi, cảm giác cây như một người bạn của mình. 

Em nghe gì về việc chọn giống cây như thế nào không?

Vâng, một khái niệm mà Hen rất thích khi nghe chị Huyền nói về đa dạng sinh học. Tức là trong một môi trường rừng sẽ có nhiều loại cây khác nhau, sự đa dạng đó giúp cây có sự hỗ trợ, tương trợ nhau để các cây cùng sinh sôi phát triển. Cây tự nhiên hoàn toàn sẽ tốt hơn là cây mình trồng. Nhưng các anh chị trong khu bảo tồn cũng nghiên cứu để trồng nhiều loại cây khác nhau phù hợp với khu vực đó. Việc cố gắng làm đa dạng sinh học, trồng nhiều loại cây khác nhau làm Hen thấy rất hay, tuy cây có thể trồng bằng tay của mình, bằng con người của mình nhưng vẫn tuân theo quy luật của thiên nhiên. 

Thường buổi sáng mình sẽ đi trồng rừng, còn buổi chiều sẽ đi khám phá, đi “tắm rừng”. Ảnh:Gaia
Thường buổi sáng mình sẽ đi trồng rừng, còn buổi chiều sẽ đi khám phá, đi “tắm rừng”. Ảnh: Gaia

Có phải hồi nhỏ em đã thích cây cối, và đem niềm yêu thích đó theo đến giờ?

Hồi nhỏ em thân với ông ngoại của em. Ba mẹ sinh đông anh chị em nên sự quan tâm của ba mẹ dành cho các em nhỏ hơn. Dù thân với ông ngoại nhưng mình không tâm sự được nhiều chuyện với ông ngoại nên cây cối chính là đối tượng mà em luôn luôn tâm sự. 

Giờ thì mình đã biết khi trồng cây mình gửi gắm những yêu thương thì cây sẽ cảm nhận được điều đó. Hồi trước mình chưa biết khái niệm này nhưng rất hay tâm sự với cây vì khoảng thời gian đi hái tiêu hay cà phê, chỉ có cây với mình thôi, đâu có ai để nói chuyện đâu. Mình luôn cảm nhận khi nói chuyện như vậy, cây cối luôn đáp lại. Tâm sự với cây làm mình thấy thoải mái. 

Có một chuyện mình nhớ khi còn là sinh viên, Hen có trồng cây dưa gang ở ban công. Đó là giai đoạn ở thành phố Hồ Chí Minh một mình, có những chuyện mình không tâm sự được với mẹ, những khó khăn vì khi tâm sự sẽ làm mẹ lo lắng, mẹ sẽ nói đi về đi con liền luôn. Chỉ có cây dưa gang đó là nơi mình hay bắc ghế ngồi tâm sự, thậm chí đọc sách cho cây, hoặc hát cho cây. Chưa bao giờ có ai trồng gì ở trên đó mà ra trái cả, nhưng cây dưa gang em trồng ra tới 8-9 trái luôn, trái rất ngon. Khoảnh khắc Hen hái trái, chia tất cả anh em mỗi người một miếng, ai cũng nói là ăn ngon quá. 

Khi trồng rừng em cũng nhắn nhủ với những cây mình trồng như vậy phải không?

Lúc đầu em cũng tự nói trong lòng những suy nghĩ của em thôi. Nhưng chị Huyền bảo em có thể nói chuyện với cây, em có thể gửi gắm những yêu thương của em đến với cây, những mong mỏi của em dành cho cây. Xong em mới “Ủa, là chuyện này có thật hả!” 

Rõ ràng hồi trước mình hay làm chuyện đó mà mình không biết. Khi chị Huyền nói như vậy, trồng cây nào em cũng ngồi tâm sự. Hồi trước, khi em trồng bất kể cây gì mà đi với ba hoặc mẹ của em, em đều nói thầm với cây “Cây ơi, mi nhớ ra trái thật nhiều nha, ta rất thèm trái của mi, mi đừng có chết nha”. 

Rồi cây đó có thấy sống tốt không?

Dạ có chị. Có một cây chôm chôm em trồng với mẹ, tới thời điểm hiện tại vẫn ra rất nhiều trái. Nhưng mọi người hơi phát cành cây một tí, ở trên thôi. ở dưới hơi lùm xùm nhưng trái vẫn còn nguyên. Mỗi lần trái chín mẹ hay để nó đỏ rực rồi gọi điện “Hen ơi, có dịp chưa? Về nhà đi, chôm chôm chín rồi.”

Có một cây dừa, ông em hay cậu em trồng, đợi hoài không chịu ra trái. Mọi người trong buôn nói phải lấy váy của người phụ nữ mặc lên cho cây đó, và phải khoét một lỗ đút muối vô thì nó sẽ ra trái. Xong em lấy trộm váy của mẹ em đem cột lên cây dừa, rồi tự lấy chày của ba khoét một lỗ rồi nhét muối. Ngày nào cũng ra nhét, ngày nào cũng tâm sự rồi ôm cây. Rồi tới khoảng một năm sau cây ra bông nhưng không đậu trái, đến năm tiếp theo mới đậu trái. Đến thời điểm hiện tại, cũng hai mươi mấy năm rồi, cây dừa vẫn ra trái hàng năm. Em làm gì phải đợi ra kết quả mới thôi. 

Hoa hậu H’Hen Niê, chị Đỗ Thị Thanh Huyền (Gaia) cùng các anh chị kiểm lâm.
Hoa hậu H’Hen Niê, chị Đỗ Thị Thanh Huyền (Gaia) cùng các anh chị kiểm lâm. Ảnh: Gaia

Vậy dự án trồng cây này thì sao, em sẽ đợi kết quả thế nào?

Mỗi lần chị Huyền chia sẻ hình ảnh những cây khác đã cao được bao nhiêu, tự nhiên em  cũng hào hứng, cũng mong chờ những cây mình đã trồng cùng với chị Huyền, cùng với các anh chị kiểm lâm sẽ lớn như thế nào. 

Em rất nhớ cây lim hay pơ mu gì đó, trồng ở sườn đồi ở Thanh Hoá. Cây đó em đặt rất nhiều tâm huyết nên giờ đang nói chuyện với chị mà em tưởng tượng đến nó rồi. Em hy vọng nó sẽ phát triển và tới một ngày nào đó, chị Huyền sẽ gửi cho em hình ảnh và thấy được cây đó phát triển. Em nghĩ khoảnh khắc đó chắc rất hạnh phúc và em hy vọng trong thời gian tới, mỗi lần em có dịp về Thanh Hoá em sẽ ghé thăm những cây mình đã trồng. 

Trong những chuyến trồng rừng đó, điều gì để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất?

Em nghĩ tất cả hành động từ mọi người đều làm em ấn tượng. 

Hen có một lần đi vào Bản Vịn để đi vào rừng, mọi người luôn nghĩ rằng người dân ở đó sẽ chặt phá rừng, họ không yêu thương rừng. Nhưng khi vào đó, những người ở trong bản làm con đường để tất cả mọi người có thể tới thăm. Họ dành rất nhiều tình cảm, họ chia sẻ những kiến thức ở trong rừng. Tự nhiên mình cảm thấy tất cả những gì mình đọc, những thứ người ta viết hoàn toàn không đúng. Mình thấy nhiều bài học đúng là chỉ có trải nghiệm mình mới có suy nghĩ khác. 

Rồi thấy các anh chị kiểm lâm mỗi lần đi vào rừng già, có những loại cây non, mầm cây mọc dưới đất, thường các anh chị nhổ và đem về vườn ươm ở trong trang trại của mình. Mình còn luôn cảm thấy được tiếp năng lượng khi ở bên chị Huyền, người có kiến thức sâu rộng về thiên nhiên. 

Nếu nói về khoảnh khắc cá nhân mình cảm thấy rung động là khoảnh khắc mình lấy cây, bỏ xuống đất, lấp đất rồi mình nói chuyện. Đó là một khoảnh khắc Hen thấy rất hạnh phúc, giống như khi một người mẹ sinh con ra.

Bên cạnh các lần trồng rừng, Hen còn có những lần trồng cây với học sinh. Trồng cây với các bạn có khác không?

Khác, vui hơn. Khi đi trồng rừng ở rừng sâu lắng hơn, tức mình có nhiều suy nghĩ, còn trồng cây với các em học sinh thì vui là chính.

Hen tin chắc một điều rằng các bạn Gen Z sẽ là các bạn sau này nói về môi trường nhiều. Các bạn càng hiểu, càng biết nhiều kiến thức thì các bạn sẽ là người làm, sẽ nhân rộng điều đó ra gia đình, bạn bè, hàng xóm, cho những người xung quanh của mình. 

Hen rất thích cách trồng cây ở các trường học. Các em sẽ tận mắt cảm nhận về cây, về giá trị của cây. Các bạn cũng sẽ dành được tình cảm cho cây nhiều hơn, biết được trong trường mình có những cây nào, cây đó đang giúp mình ra sao. Trồng cây giúp các em có nhiều kiến thức về cây và sau này các em sẽ lan toả, và phủ xanh trường học của các em dể các em có bóng mát. 

Em sống gần rừng, gần cây, tình yêu rừng đến với em một cách tự nhiên. Còn các bạn sống trong thành phố có ít cây, em nghĩ làm sao để các bạn sẽ yêu cây như mình?

Câu hỏi khó ghê.

Đầu tiên em nghĩ phải cho các bạn kiến thức, cảm nhận, việc đến thăm một cây cổ thụ hay việc “tắm rừng” của chị Huyền cũng sẽ kích thích tình yêu của các bạn dành cho rừng nhiều hơn. 

Nếu những bạn nào chưa hiểu hay chưa có tình yêu thì em nghĩ nhà trường hay gia đình cần tham gia những hoạt động trồng cây nhiều hơn hay đi vào rừng để các em yêu thiên nhiên nhiều hơn. Ví dụ khi đi dã ngoại, giáo viên có thể chia sẻ những kiến thức về tình yêu dành cho cây, sự trân trọng dành cho cây.

Phải cần có thời gian để giúp các em cảm nhận và yêu cây. Nhưng em nghĩ nếu là một người đã có sẵn tình yêu với cây thì tự cây sẽ kết nối với người đó. 


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày