Nghiên cứu bơm tế bào gốc cho phụ nữ hiếm muộn

Đại Việt Thứ Bảy | 26/03/2022 21:27

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh đã phát triển ở nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam. Ảnh: T.A.

Nhiều phụ nữ hiếm muộn, không có cơ hội mang thai đang được thắp lên hi vọng với đề tài nghiên cứu bơm tế bào gốc vào buồng tử cung.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh đã phát triển ở nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam. Ảnh: T.A.

Ngày 26/3, đại diện Sở Y tế TP.HCM, cho biết Bệnh viện Hùng Vương đang phối hợp với một số đơn vị để nghiên cứu đề tài: “Thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và độ an toàn của liệu pháp bơm tế bào gốc trung mô có nguồn gốc cuống rốn vào buồng tử cung ở bệnh nhân chuyển phôi trữ có nội mạc tử cung mỏng”.

Ở Việt Nam, tế bào gốc được nghiên cứu, ứng dụng trong điều trị bệnh từ những năm 1990 và thực hiện sớm nhất trong lĩnh vực huyết học - truyền máu. Đến nay, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh đã phát triển ở nhiều cơ sở y tế vào điều trị một số bệnh như bệnh lý giác mạc, bệnh cơ tim, vết thương da, đái tháo đường…Tiềm năng điều trị của tế bào gốc ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi.

Trao đổi với Nhịp Cầu Đầu Tư, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết liệu pháp bơm tế bào gốc trung mô có nguồn gốc cuống rốn vào buồng tử cung ở bệnh nhân chuyển phôi trữ có nội mạc tử cung mỏng trong điều trị hiếm muộn ở nữ giới là một kỹ thuật mới, mở ra cơ hội điều trị cho rất nhiều bệnh nhân vốn không có cơ hội mang thai.

Theo bà Tuyết, đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn và nhân văn sâu sắc là thử nghiệm lâm sàng tiên phong trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn bằng tế bào gốc tại Việt Nam, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy trình của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, được phê duyệt bởi Hội đồng Khoa học của Bệnh viện, được thẩm định hồ sơ nghiên cứu trước khi triển khai thử nghiệm lâm sàng bởi Hội đồng đạo đức Bộ Y tế.

“Nếu kết quả nghiên cứu khả quan, đề tài được triển khai thành công và được Bộ Y tế chấp nhận, Bệnh viện Hùng Vương sẽ tiến hành điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện theo phác đồ. Thành công của đề tài sẽ mở ra cơ hội điều trị lâm sàng, đặc biệt ý nghĩa đối với những bệnh nhân hiếm muộn nói riêng và những gia đình đã, đang tìm hiểu quyết định chọn lưu giữ tế bào gốc cho gia đình nói chung”, bà Tuyết nói.

Đề tài nghiên cứu giữa Bệnh viện Hùng Vương và FBioMed cùng Ngân hàng Mô Cryoviva Việt Nam chính thức được triển khai (Ảnh: Đại Việt).
Đề tài nghiên cứu giữa Bệnh viện Hùng Vương và FBioMed cùng Ngân hàng Mô Cryoviva Việt Nam chính thức được triển khai. Ảnh: Đại Việt.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Y tế FBioMed sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí và sinh phẩm tế bào cho bệnh viện này để phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Trong quá trình triển khai thực hiện, tế bào gốc sẽ được lưu giữ tại Ngân hàng Mô Cryoviva Việt Nam, đơn vị ngân hàng mô độc lập được Bộ Y tế cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề thúc đẩy sự hợp tác tiếp tục giữa Công ty FBioMed, Ngân hàng Mô Cryoviva Việt Nam nhằm triển khai những nghiên cứu sâu rộng hơn trong việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị nhiều bệnh lý khác tại Bệnh viện Hùng Vương trong tương lai.  

TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (Ảnh: Đại Việt).
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (Ảnh: Đại Việt).

TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, điều trị tế bào gốc là lĩnh vực tiềm năng. Ông đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa một bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Hùng Vương và Công ty FBioMed trong việc nghiên cứu những phương pháp điều trị tiên tiến. Các đơn vị cần đảm bảo đề tài nghiên cứu diễn ra đúng quy trình, mang lại hiệu quả.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày