Tạp chí số 637

Thanh toán không tiền mặt: Cờ đã đến tay

Việt Dũng Thứ Ba | 18/06/2019 15:30

Ảnh: QH

Các thống kê cho thấy các hình thức thanh toán không tiền mặt qua thẻ hay các trung gian thanh toán tăng trưởng ngày càng nhanh chóng.
Ảnh: QH

Chính quyền thành phố Đà Nẵng hợp tác với ví điện tử MoMo trong dịch vụ công, hay Vietcombank cùng với hơn 1.300 thủ tục hành chính ở tỉnh Quảng Ninh. Rõ ràng, thanh toán điện tử đã hiện diện rất rõ nét trong đời sống của người dân Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hạ tầng thanh toán của nhiều ngân hàng đã kết nối, tích hợp và hỗ trợ phần lớn các giao dịch thanh toán cho dịch vụ của ngành hải quan, thuế, điện lực, viễn thông... và đang được tiếp tục triển khai, mở rộng tới các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Cục diện mới trong khâu thanh toán còn có thể mở ra với các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, giáo dục... vốn có dòng chảy tiền mặt giao dịch hằng ngày rất lớn, cho dù mỗi khoản thanh toán chỉ có giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, khó khăn lớn nhất của việc kích hoạt dịch vụ thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực công là việc kết nối. “Cứ 10 công ty con của một tập đoàn như điện lực hay cấp nước lại có 10 chuẩn khác nhau, tương tự với trường học và bệnh viện. Mấu chốt để triển khai thành công là chỉ đi qua một cổng và phải trang bị hệ thống công nghệ thông tin mới có thể đáp ứng được”, ông Dũng cho biết.

Thanh toan khong tien mat: Co da den tay
 

Hiện nay, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS) đang là đầu mối kết nối hạ tầng thanh toán nội địa, gồm 48 ngân hàng và 30 trung gian thanh toán. Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc NAPAS, các hạ tầng thanh toán của NAPAS đã được triển khai với Cổng dịch vụ công Keypay của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Cục An toàn Thực phẩm, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), Cục Quản lý Quốc gia giao dịch đảm bảo (Bộ Tư pháp), Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Cuối tháng 5, NAPAS cùng các ngân hàng thương mại ra mắt dòng thẻ nội địa sử dụng chip thay cho công nghệ thẻ từ cũ kỹ. Trong thời gian tới, NAPAS sẽ triển khai hệ thống thanh toán và bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ (ACH), hỗ trợ cho các giao dịch có giá trị nhỏ. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ ràng, đó là sự tiện dụng và giảm chi phí giao dịch cho cả người dân và doanh nghiệp. Các ngân hàng từ đó cũng hưởng lợi khi cải thiện doanh thu và lợi nhuận. Nhưng trên hết, ở góc độ quản lý Chính phủ, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch trong nền kinh tế, phòng chống tham nhũng, rửa tiền và các tội phạm kinh tế.

Các thống kê cho thấy các hình thức thanh toán không tiền mặt qua thẻ hay các trung gian thanh toán tăng trưởng ngày càng nhanh chóng. Số lượng tài khoản cá nhân ngày càng tăng lên đi kèm với doanh số qua các kênh thanh toán điện tử internet hay điện thoại di động cũng tăng lên nhanh chóng. Mặc dù vậy, trên thực tế người dùng vẫn trả bằng tiền mặt với những hóa đơn có giá trị nhỏ. Đáng chú ý hơn, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee, cho biết trong số 7 quốc gia mà sàn thương mại điện tử này đang hoạt động, Việt Nam có tỉ lệ thanh toán tiền mặt cao nhất, mặc dù người tiêu dùng đa phần dưới 35 tuổi.

Một đại diện bán lẻ khác là ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, cho biết khảo sát cho thấy rất nhiều khách hàng chưa hiểu hết về các loại hình thanh toán không tiền mặt. “Họ nghĩ thanh toán không tiền mặt hiện chỉ có quẹt thẻ nhưng thực tế nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khác như quét mã QR, ví điện tử đều đã được triển khai tại Saigon Co.op”, ông Đức nói.

Thanh toan khong tien mat: Co da den tay
 

Ở khía cạnh khác, đơn vị trung gian thanh toán lại cho rằng câu chuyện nằm ở lòng tin người dùng. “Khó nhất là người tiêu dùng chưa tin tưởng thanh toán điện tử và thận trọng khi sử dụng dịch vụ”, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch M_Service, cho biết. Trong Đề án Thành phố thông minh, ví điện tử MoMo ký thỏa thuận với chính quyền Đà Nẵng triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công thông qua ví điện tử.

Với sự hợp tác này, Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đầu tiên triển khai thanh toán điện tử cho dịch vụ công. “MoMo mong muốn tham gia trực tiếp vào các chương trình của Nhà nước liên quan đến tài chính tổng quát, hành chính công và đóng thuế... để phát triển một nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam”, ông Diệp cho biết.

Trong hội thảo “Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” mới đây, những giải pháp cũng được các diễn giả đưa ra để cải thiện và thúc đẩy quá trình phi tiền mặt hóa. Theo đó, các đại diện từ Bộ Y tế, Cục Hải quan TP.HCM và nhiều ban ngành đã đề xuất thay đổi về chính sách liên quan đến phí tại các đơn vị hành chính công để việc kết nối trở nên thuận lợi hơn.

Thanh toan khong tien mat: Co da den tay
 

Trong khi đó, ông Diệp cho biết sự bảo trợ và hỗ trợ của Nhà nước trong việc giới thiệu trực tiếp đến người dân các dịch vụ thanh toán không tiền mặt, chẳng hạn như các loại ví điện tử, sẽ giúp củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.

Lãnh đạo của các ngân hàng cho biết công nghệ thanh toán của Việt Nam ngày nay đã đủ sức cung ứng dịch vụ thanh toán không tiền mặt rộng khắp. Khi ngân hàng và ví điện tử đã sẵn sàng, thì vai trò của nhà nước lại trở nên quan trọng bởi những tính pháp lý liên quan, cùng sự cởi mở với nhiều thành viên thanh toán.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc nổi lên như một điển hình đáng chú ý trong việc hướng người dân thanh toán qua ứng dụng điện thoại chỉ trong 10 năm. Tuy nhiên, xây dựng xã hội không tiền mặt là một chặng đường rất dài xây dựng sự hiểu biết trong từng giao dịch và hơn hết là niềm tin trong lòng khách hàng.

► Hai startup thanh toán Việt Nam sẽ hợp nhất để gia tăng tiềm lực

►  Tencent ra mắt WeChat Pay ở Châu Âu, cạnh tranh với AliPay

►  Vì sao các ứng dụng thanh toán Trung Quốc là ác mộng với các ngân hàng Mỹ?

Báo cáo World Cash Report 2018 của G4S cho biết trên quy mô toàn cầu, tỉ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011. “Số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước, nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày