Tạp chí số 661

Thế hệ trẻ châu Á không muốn kế thừa công ty gia đình

Ngô Ngọc Châu Thứ Hai | 02/12/2019 07:41

Ảnh: asiaone.com

Các đế chế kinh doanh gia tộc châu Á đang nghĩ lại câu chuyện kế thừa khi con cháu chọn đi theo con đường khác.
Ảnh: asiaone.com

Các thế hệ trẻ tại châu Á ngày càng mạnh dạn xông pha tạo mảnh trời riêng thay vì kế nghiệp công ty gia đình. Điều này đặt trong bối cảnh câu chuyện quản trị không hề dễ dàng tại các đế chế kinh doanh gia tộc ngày càng phình to và phức tạp, chưa kể những chuyển động vĩ mô, địa chính trị khó lường trên toàn cầu. “Đây là thời điểm có quá nhiều điều không chắc chắn cho chuyện kế nghiệp”, Richard Loi, đứng đầu khu vực Đông Nam Á thuộc Deloitte Private, nhận định.

“Lời nguyền đời thứ 3”

Câu chuyện chuyển giao giữa thế hệ đầu với thế hệ con cháu tại các đại gia tộc có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, nhất là khi châu Á - Thái Bình Dương đã vượt qua Bắc Mỹ trở thành khu vực có số người giàu cao nhất (có tài sản hơn 1 triệu USD). Những người giàu châu Á - Thái Bình Dương có tổng tài sản lên tới 21.000 tỉ USD vào năm 2018, theo Capgemini. Tốc độ gia tăng tài sản nhanh chóng có nghĩa là các công ty gia đình hiện tương đối lớn so với cách đây 50 năm, Richard Loi nhận định. Quy mô phình to là một thách thức lớn cho các thế hệ kế vị.

Theo Loi, những người kế vị cũng đang đối mặt với một môi trường có tính “phá bĩnh” cả về khía cạnh kinh tế thế giới, chính trị và công nghệ, khiến cho những biến số có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các gia tộc càng không dễ dự đoán. Chính điều này làm gia tăng mức độ không chắc chắn về khả năng lãnh đạo của thế hệ kế vị, dẫn đến nguy cơ mâu thuẫn nội bộ.

 

Cũng cần nói thêm, khác với những gia tộc lâu đời hơn ở Mỹ và châu Âu, hầu hết các đế chế kinh doanh châu Á chỉ mới đến đời thứ 2 hoặc thứ 3. Điều đó có nghĩa là nhiều gia tộc đang đối mặt với thời điểm tế nhị nhất trong việc kế thừa: khi nhà sáng lập qua đời hoặc từ bỏ quyền kiểm soát doanh nghiệp nhưng gia tộc vẫn chưa xây dựng được một cơ cấu tổ chức đủ mạnh. “Mấu chốt nằm ở thế hệ thứ 3. Đó là khi các gia tộc có thể mất tất cả”, Giáo sư Annie Koh, Giám đốc Viện Các gia tộc kinh doanh thuộc Đại học Quản lý Singapore (SMU), nhận định. Một cơ cấu đủ mạnh sẽ giúp các gia tộc kinh doanh Đông Nam Á tránh “lời nguyền đời thứ 3” bằng việc đưa vào các trải nghiệm bên ngoài.

Một tín hiệu đáng mừng là có một số dấu hiệu cho thấy các gia tộc kinh doanh đang thích ứng khá tốt với những sức ép thời cuộc. Xưa nay, những người đứng đầu các gia tộc kinh doanh châu Á không dễ buông quyền kiểm soát, dẫn đến việc chuyển giao cho người kế vị rất muộn, thậm chí không thuận lợi. Ba gia tộc lớn Kuok, Wee và Yong cho thấy những câu chuyện tương phản trong cuộc chuyển giao quyền lực ở châu Á.

Người đứng đầu gia tộc Kuok là Robert Kuok, hiện đã 96 tuổi. Thay vì lui về hậu trường, đến nay ông vẫn là gương mặt đại diện cho gia tộc. Với giá trị tài sản ròng lên tới 12,3 tỉ USD, Robert Kuok là người giàu nhất Malaysia và đã gầy dựng một tập đoàn đa quốc gia từ nông nghiệp cho đến bất động sản và hàng hải. Tuy nhiên, những người đã gần đất xa trời nhưng vẫn nắm giữ quyền lực tối thượng ở gia tộc như Robert Kuok có lẽ sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Theo Lee Woon Shiu, thuộc DBS Private Bank ở Singapore, những người đứng đầu gia tộc đang bắt đầu chuyển giao quyền lực từ khoảng 57-69 tuổi, sớm hơn 10 năm so với các thệ hệ trước.  

 

Một thay đổi nữa là do mức độ phức tạp ngày càng tăng trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp và các mối quan hệ đan xen trong gia tộc, Lee cho biết các đế chế kinh doanh ngày càng dựa vào quỹ tín thác tư nhân và công ty quản lý tài sản gia đình. Tại Singapore, số công ty quản lý tài sản gia đình đã tăng gấp 4 lần giai đoạn 2016-2018, theo Cơ quan Tiền tệ Singapore.

Chuyện chọn người kế vị cũng thoải mái hơn khi các gia tộc không còn quá khó khăn với việc mời người ngoài tộc về giữ vị trí tổng giám đốc. Theo Giáo sư Annie Koh, các đế chế kinh doanh gia đình ngày càng bành trướng với một cơ chế tầng tầng lớp lớp và vì thế, cần nhiều người giỏi hơn từ bên ngoài gia tộc để đưa tập đoàn bước sang chương mới.

Thực ra, việc đưa người ngoài vào gia tộc không phải lúc nào cũng dễ dàng, khi tâm lý chung vẫn là muốn con cháu nối nghiệp mình. “Tại các gia tộc châu Á, có sức ép, có trách nhiệm và sự kính ngưỡng đối với bề trên”, Michelle Yong, đời thứ 4 của gia tộc đứng đằng sau tập đoàn xây dựng Woh Hup ở Singapore, nhận định.

Trong một cuộc khảo sát của Deloitte và SMU, 77% người trả lời thuộc thế hệ đầu cho rằng người trong gia tộc nên nắm quyền kiểm soát công ty. Nhưng con số đã giảm còn 35% và 24% lần lượt đối với người trả lời thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3.

 

Theo đuổi con đường riêng

Những làn sóng công nghệ mới trên thế giới, cùng tinh thần khởi nghiệp ở các môi trường nước ngoài như Thung lũng Silicon cũng góp phần vào tâm thế muốn xông pha ở thế hệ người trẻ tại các đại gia tộc châu Á. Một ví dụ là Kuok Meng Ru, cháu trai của Robert Kuok và là con trai của Kuok Khoon Hong, đồng sáng lập tập đoàn nông nghiệp Wilmar International.

Gia thế hiển hách nhưng Kuok Meng Ru đã chọn một con đường hoàn toàn khác với đế chế kinh doanh của gia đình. Sau khi dành phần lớn thời gian ở Anh và Đại học Cambridge để nghiên cứu toán học, anh đã trở về Singapore và đồng sáng lập BandLab, một nền tảng đám mây cho các nhạc sĩ hợp tác với hơn 11 triệu người sử dụng và trên 2 triệu bài hát được tạo ra mỗi tháng. Vị doanh nhân khởi nghiệp 31 tuổi đang xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc. Ngoài ứng dụng này, công ty của anh còn sản xuất và bán đàn ghita, các dụng cụ âm nhạc và phụ kiện. Hồi tháng 5, BandLab đã mua lại các tạp chí âm nhạc NME và Uncut của TI Media sau khi bán 49% cổ phần trong Rolling Stone. BandLab sẽ hồi sinh các giải thưởng âm nhạc NME của Anh (ra mắt lần đầu vào năm 1953) vào tháng 2 tới sau một năm tạm ngưng.

aa
Anh Kuok Meng Ru. Ảnh: TL

Kuok Meng Ru bước chân vào ngành âm nhạc bằng việc sáp nhập và cải tổ Swee Lee, nhà phân phối và bán lẻ đa kênh các dụng cụ âm nhạc châu Á, là lấy cảm hứng từ ngành nông nghiệp mà cha anh đang xây dựng lúc đó. “Những gì công ty cha tôi làm trong ngành lương thực, từ đồn điền cho đến nhãn hàng tiêu dùng, thực sự rất thú vị. Tôi muốn xem áp dụng vào ngành âm nhạc sẽ như thế nào”, anh nói. Anh không bác bỏ khả năng về làm cho công ty gia đình trong dài hạn.

Một câu chuyện khác là Wee Teng Wen, 39 tuổi. Anh là con trai cả của Wee Ee Cheong, 66 tuổi, người đang giữ vị trí Tổng Giám đốc của UOB, ngân hàng duy nhất do gia tộc điều hành của Singapore. Đầu năm nay, Wee Ee Cheong cho biết ông sẵn sàng giao cho một thành viên ngoài gia tộc nắm quyền điều hành tại ngân hàng mà ông nội của ông đã sáng lập cách đây hơn 80 năm.

Nhưng Wee Teng Wen lại chọn ngành khách sạn - nhà hàng thay vì ngân hàng. Anh đã cho ra mắt Lo & Behold Group, hiện có hơn 300 nhân viên, với danh mục 16 bất động sản cùng khách sạn thứ 2 đang chuẩn bị ra mắt. Straits Clan, câu lạc bộ đặc quyền cho giới quý tộc ra mắt vào năm 2018, là một trong những tài sản mới nhất của Lo & Behold. “Gia tộc đã cởi mở hơn với kế hoạch kế vị doanh nghiệp ở nhiều hình thức”, anh chia sẻ.

aa
Anh Wee Teng Wen. Ảnh: hnworth.com.

Wee Teng Wen cho biết mình may mắn được cha mẹ ủng hộ khi anh lựa chọn trở về Singapore sau khi học tại Đại học Pennsylvania và làm chuyên gia tư vấn tại Mỹ. Nhưng vấn đề này cũng chưa ngã ngũ. “Ngoài mặt, không có nhiều áp lực nhưng thực ra vẫn có. Thỉnh thoảng họ vẫn ướm hỏi: “Được thôi, vậy khi nào con về làm cho gia đình?”. Cách hỏi theo kiểu nửa đùa nửa thật nhưng tôi nghe ra sự nghiêm túc trong câu hỏi đó”, Wee Teng Wen nói. Anh không biểu lộ liệu có ý định về làm ở UOB trong tương lai gần.

Thậm chí, khi thế hệ trẻ hơn nguyện ý về làm cho gia đình thì cũng cho thấy một màu sắc khác. Câu chuyện của Michelle Yong, 40 tuổi tại tập đoàn xây dựng Woh Hup là một ví dụ. Cô đã từng học tại Anh và làm chuyên gia tư vấn trước khi trở thành Giám đốc Aurum, một công ty con kinh doanh không hiệu quả thuộc Woh Hup, ban đầu chỉ tập trung vào các dự án dân cư nhỏ. Nhưng dưới sự dẫn dắt của cô, Aurum đã lội ngược dòng, với việc ra mắt các công ty hoạt động trong lĩnh vực không gian làm việc chung là Found8 và Core Collective. Ông nội cô là Yong Nam Seng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Woh Hup và cha cô Yong Tiam Yoon giữ chức Phó Chủ tịch. Nhưng là một phụ nữ trong thế giới kinh doanh của đàn ông, có lẽ cô đã không dễ dàng gì trong cuộc tranh đấu để trở thành người lãnh đạo đời kế tiếp của Woh Hup, vốn ghi dấu ấn với các dự án trọng điểm của Singapore như tổ hợp Gardens by the Bay. “Anh trai tôi được đào tạo để trở thành người dẫn dắt mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Chúng tôi luôn biết điều đó khi còn nhỏ. Vị trí ấy vốn dĩ đã có chủ”, Michelle Yong nói.

Giáo sư Annie Koh, người đã nghiên cứu trường hợp của Aurum, cho biết việc dẫn dắt công ty con của gia đình cho Michelle Yong cơ hội để định hình phong cách riêng của cô theo hướng của một startup trong khi vẫn khai thác được mối dây ràng buộc với gia tộc và các mối quan hệ của Woh Hup với các nhà phát triển bất động sản. Hình tượng của cô là thương hiệu Virgin của doanh nhân khởi nghiệp người Anh Richard Branson. “Tôi hy vọng sẽ trở thành Virgin của nền kinh tế chia sẻ không gian làm việc chung. Tôi đang đầu tư vào các mô hình hiện đại về chia sẻ không gian sống và học tập, nỗ lực bành trướng ra khỏi biên giới Singapore và nước láng giềng Malaysia… Aurum không còn là nhà phát triển bất động sản nữa”, cô nói.

Michelle Yong cho biết cô muốn 3 người con của mình có nhiều lựa chọn cho bản thân. “Thế hệ của tôi cảm thấy rằng có nhiều người hơn muốn trở thành nhà khởi nghiệp. Điều đó có lẽ ảnh hưởng đến các công ty gia đình và cách mà những thế hệ kế thừa nhìn nhận các lựa chọn của họ”, cô nói.

Nguồn Financial Times


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày