Tạp chí số 674

Cảng biển tổn thương vì virus

Vũ Quỳnh Thứ Hai | 23/03/2020 14:00

Ảnh: thanhtra.com.vn

Ngành cảng biển đang chịu nhiều tổn thương trước sự co hẹp đột ngột của nhóm các nền kinh tế bạn hàng chủ chốt.
Ảnh: thanhtra.com.vn

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành cảng biển đang chịu nhiều tổn thương trước sự co hẹp của nhóm các nền kinh tế bạn hàng chủ chốt Việt Nam như châu Âu, Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, dưới sự trợ lực của các yếu tố vĩ mô như nguồn vốn FDI liên tục bổ sung vào nền kinh tế và các hiệp định FTA như EVFTA, ngành cảng biển vẫn có nhiều triển vọng tích cực.

Tổn thương bất ngờ

Bùng nổ vào đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, mà còn phủ bóng đen lên tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cảng biển. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và các nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU và Trung Quốc bị ảnh hưởng, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực. “Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chịu tác động xấu trong quý I/2020, vì tiêu dùng tại quốc gia này có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và có thể gây tổn thương cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong bối cảnh dịch bùng phát”, Công ty Chứng khoán SSI dự báo.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhóm mặt hàng rau quả chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4%. Ngành dệt may cũng bị vạ lây khi kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỉ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 74 tỉ USD, tăng 2,4%, trong đó xuất khẩu đạt 36,9 tỉ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỉ USD, tăng 1%. Theo đó, nền kinh tế hiện có cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu, trái ngược với trạng thái xuất siêu liên tục trong năm 2019. 

 

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là ảnh hưởng của dịch bệnh đối với xuất khẩu dường như vẫn chưa rõ nét khi một số thị trường xuất khẩu chính vẫn tăng nhẹ. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ 3,7% so với cùng kỳ, đạt 4,8 tỉ USD. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng 19,6%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu giảm diễn ra tại các thị trường EU (-7,7%), ASEAN (-9,3%), Hàn Quốc (-6,5%).

“Nếu dịch bệnh có thể được ngăn chặn và kết thúc sớm trước quý II thì mức độ ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp sẽ không lớn, vì nhu cầu giao thương trong quý I thường là thấp điểm”,  một chuyên gia quỹ đầu tư về nhóm cổ phiếu hàng hải - kho vận nhận định. 

Đồng quan điểm, các doanh nghiệp ngành cảng biển cũng cho rằng dịch bệnh hiện vẫn chưa tác động nhiều đến triển vọng kinh doanh, dù hậu quả sẽ là rất lớn nếu dịch tiếp tục hoành hành. “Hiện ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới sẽ không lớn vì nhu cầu giao thương thời gian này không nhiều”, lãnh đạo Công ty Cổ phần Gemadept, nhận định.

 

Lực đẩy tương lai

Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể khốc liệt trong năm 2020, song khi nhận định về triển vọng trung hạn của ngành cảng biển, giới chuyên gia vẫn đưa ra nhận định lạc quan.  Báo cáo ngành cảng biển năm 2020 của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI nhờ lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp, nền kinh tế vĩ mô ổn định và chất lượng môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và các hiệp định FTA sẽ là động lực thúc đẩy chính. 

Ngoài ra, với định hướng tập trung phát triển cảng nước sâu, Việt Nam nhiều khả năng sẽ đón đầu xu thế phát triển tàu trọng tải lớn của thế giới. Theo nghiên cứu về ngành vận tải biển thế giới, hơn 70% lượng đặt đóng tàu thời gian tới là tàu có sức chứa hơn 10.000TEU và chỉ các cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận các tàu này. 
 

 

Cuối năm 2018, cảng nước sâu Lạch Huyện chính thức đi vào hoạt động với 2 bến cảng, công suất thiết kế 1,1 triệu TEU, tương đương 22% tổng sản lượng cụm Cảng Hải Phòng năm 2018. Trong thời gian tới, Cảng Hải Phòng sẽ tiếp tục xây dựng bến số 3-4 khu vực Lạch Huyện với công suất 1,1 triệu TEU, dự kiến bến số 3 sẽ đi vào hoạt động năm 2022. Ở khu vực Cái Mép - Thị Vải, cảng nước sâu Gemalink với công suất 1,5 triệu TEU tương đương 16,8% thị phần khu vực này dự kiến đi vào hoạt động tháng 9.2020.

“Cảng Lạch Huyện và Gemalink đều có lợi thế về vị trí hơn các cảng khác với vùng nước sâu hơn, có thể đón được các tàu trọng tải lớn. Với sự xuất hiện của những cảng nước sâu, chúng tôi kỳ vọng các cảng Việt Nam sẽ nhộn nhịp hơn khi các hãng tàu có thể đưa tàu mẹ có trọng tải lớn vào giúp giảm chi phí vận hành tàu”, báo cáo của KBSV nhận xét. 

Trong năm 2020 và 2021, Việt Nam dự kiến sẽ đưa vào hiệu lực hiệp định EVFTA đối với các quốc gia thuộc khối EU và hiệp định EFTA bao gồm 4 quốc gia Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein. Các hiệp định này được kỳ vọng sẽ là động lực để thúc đẩy thương mại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo World Bank, trong giai đoạn năm 2010-2017, lưu lượng container qua cảng của Việt Nam có mức tăng trưởng kép (CAGR) đạt 10,9%, cao hơn so với trung bình các khu vực khác như Đông Á (4,5%), Nam Á (6%) và bình quân thế giới (4,3%). “Sau hơn 10 năm ra nhập WTO, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng gấp 3,4 lần, đạt 482 tỉ USD vào năm 2018”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Tân Việt nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày