Tạp chí số 731

Vốn Nhật chuyển từ thủ sang công

Nguyễn Sơn Thứ Tư | 09/06/2021 08:40

Dòng vốn Nhật mở rộng từ sản xuất sang lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng để chinh phục thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam.

Sau thời gian im ắng, người Nhật gần đây dường như quay trở lại các thương vụ đầu tư nhiều tỉ USD vào Việt Nam, đặc biệt thông qua công cụ mua bán và sáp nhập (M&A). Bên cạnh các yếu tố hấp dẫn về mặt thị trường tiêu thụ, động lực thúc đẩy hành động đầu tư của người Nhật có thể còn đến từ động lực giảm thiểu rủi ro ở những thị trường khác.

BƯỚC NHẢY TỈ USD

Thị trường tài chính xôn xao với sự kiện Tập đoàn Sumitomo Mitsui thông báo vung ra 1,37 tỉ USD để sở hữu 49% vốn cổ phần trong Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit - “con gà đẻ trứng vàng” của Ngân hàng VPBank. Đại diện tập đoàn Nhật cho biết: “Khoản đầu tư vào FE Credit là một phần trong chiến lược trung hạn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh tại châu Á của Tập đoàn”.

FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu về thị phần tại Việt Nam với khoảng 50%. Doanh nghiệp này có 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và 13.000 nhân viên. Năm 2020, FE Credit đạt thu nhập hoạt động hơn 18.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 3.700 tỉ đồng. Đến cuối năm, Công ty có tổng tài sản trên 73.300 tỉ đồng với dư nợ cho vay hơn 66.000 tỉ đồng. Nhận được thêm sự bổ sung về nguồn vốn, quản trị, công nghệ đi cùng hệ sinh thái sâu rộng của đối tác Nhật, FE Credit có thể sẽ mở rộng mạnh mẽ hơn nữa dù nguy cơ nợ xấu cao vẫn là rào cản cần sớm giải quyết.

Trên thị trường năng lượng sạch, một thương vụ M&A kín tiếng cũng đã diễn ra khi Hitachi mua 35,1% cổ phần trong một nhà máy điện gió có công suất 152 MW. Như vậy, Hitachi đã nắm đủ lượng cổ phiếu cần thiết để có quyền phủ quyết liên quan đến các quyết định quan trọng cũng như tiếp cận được thị trường năng lượng sạch đang lên ở Việt Nam. Về phần mình, cú bắt tay chiến lược với người Nhật sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ từ Nhật, gia tăng tỉ suất sinh lời cho công ty.

 

Trên thị trường F&B, hãng sữa Morinaga Milk gây chú ý khi công bố thương vụ mua 51% cổ phần của Elovi Việt Nam vào tháng 1. Elovi Việt Nam hiện sở hữu một trong những nhà máy sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam với công suất 80 triệu lít/năm. Các nhãn hiệu đáng chú ý của Elovi là sữa trái cây ZinZin, sữa gạo lứt Koshi, sữa chua uống ZinZin KIDS, sữa chua ăn Elovi. Elovi đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm khá cao (20%). 

Nhà đầu tư Nhật
Bốn tháng đầu năm, dòng vốn Nhật đứng ở vị trị thứ 2 với quy mô 2,5 tỉ USD.

“Bằng cách đưa Elovi trở thành một công ty thuộc Tập đoàn, Morinaga sẽ củng cố hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam thông qua việc nâng cao dòng sản phẩm. Bên cạnh các sản phẩm hiện có, Công ty sẽ phát triển những sản phẩm về sức khỏe và dinh dưỡng lớn hơn, nhờ năng lực kỹ thuật và các kênh bán hàng mới”, lãnh đạo Morinaga Milk đánh giá.

Đó còn là câu chuyện hợp lực giữa Tập đoàn Sojitz cùng Vinamilk trong liên doanh Japan Vietnam Livestock. Công ty này được lập ra với mục đích nhập khẩu, chế biến và phân phối thịt bò tại thị trường Việt Nam. Theo đó, Vinamilk sẽ nắm 51%, còn Sojitz sẽ nắm 49% vốn điều lệ công ty thịt bò này. Tiềm năng tiêu thụ thịt bò tại thị trường Việt Nam rất lớn, gần bằng một nửa thị trường Nhật. Cụ thể, mức tiêu thụ thịt bò của Việt Nam vào khoảng 500.000 tấn, trong khi Nhật là 1 triệu tấn. Sojitz kỳ vọng liên doanh sẽ thu hút được khách hàng thông qua việc cung cấp thịt bò chất lượng cao được nhập khẩu từ nhiều nước.

 

Trong 4 tháng đầu năm nay, theo ghi nhận của Tổng Cục Thống kê, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Vị trí thứ 2 chính là dòng vốn Nhật với quy mô 2,5 tỉ USD, tương ứng chiếm tới 20,5% tổng vốn đầu tư. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ở thị trường nóng nhất hiện nay là bất động sản, gần đây cũng chứng kiến các động thái chốt hạ mục tiêu đầu tư quyết liệt của các nhà đầu tư xứ sở hoa anh đào. Đó là sự kiện tập đoàn sở hữu trung tâm thương mại Takashimaya lần đầu tiên lấn sân vào mảng nhà ở với việc liên doanh cùng Tập đoàn Trung Thủy tại dự án Lancaster Luminaire. Nhà đầu tư Nhật đồng thời là đối tác chiến lược trong quá trình triển khai, vận hành và quản lý khi dự án đi vào hoạt động.

Tại Nhơn Trạch, Mitsubishi Estate hợp tác với SwanCity trong giai đoạn kế tiếp của đại đô thị sinh thái SwanBay. Sức mạnh tài chính và sự ảnh hưởng về kiến trúc, phong cách thiết kế của người Nhật còn dễ dàng được nhận ra thông qua thương vụ hợp tác đầu tư trong các dự án của Nam Long, An Gia, Vinhomes hay Danh Khôi.

Tại Công ty Bất động sản Phát Đạt, sau các thương vụ làm ăn khá tốt với người Nhật tại một số dự án nhà ở, doanh nghiệp này dự tính sẽ tiếp tục hợp tác với các đơn vị phát triển khu công nghiệp chuyên nghiệp từ Nhật. “Hợp tác với họ, chúng tôi sẽ được đứng trên vai những người đi trước có đầy đủ năng lực, có khách hàng, kinh nghiệm lẫn tầm nhìn. Từ đó, sẽ phát huy lợi thế và giúp đạt kết quả ở mức tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phát Đạt, nhận định.

Nhà đầu tư Nhật
Tập đoàn Sumitomo Mitsui chi 1,37 tỉ USD để sở hữu 49% vốn cổ phần trong Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit.

Sau thời gian quan sát thị trường phục hồi sau đại dịch, chuỗi bán lẻ AEON Mall của Nhật đã tái khởi động kế hoạch mở rộng tại Việt Nam với việc xây các trung tâm thương mại mới ngoài Hà Nội và TP.HCM. Mới đây, AEON Mall đã quyết định đầu tư trung tâm thương mại tại thành phố Biên Hòa. Tính đến nay, AEON Mall Việt Nam đã đầu tư vào Việt Nam 6 trung tâm thương mại và hoạt động khá hiệu quả tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng. Mục tiêu của nhà bán lẻ này trong thời gian tới là sẽ đưa vào vận hành tới 20 trung tâm thương mại trên cả nước.

Nếu như trước đây, dòng vốn đầu tư Nhật thường rót vào các lĩnh vực chế biến lắp ráp, thì hiện nay, danh mục đầu tư đang đổ dồn vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn, hướng tới phục vụ cho chính thị trường 100 triệu dân, như bán lẻ tiêu dùng, tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, fintech, thương mại điện tử, thời trang, y tế, nhiệt điện, năng lượng sạch và cả truyền thông.

“Hiện môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện so với nhiều năm trước và Việt Nam đang nắm giữ các lợi thế lớn về môi trường đầu tư, chính trị ổn định, chính sách quản lý vốn hấp dẫn với đầu tư nước ngoài”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ với NCĐT.

PHÒNG VỆ TRƯỚC CÚ SỐC TRUNG QUỐC

Economist Intelligence Unit (EIU) hồi đầu năm đã công bố báo báo đặc biệt: “Ngôi sao mới nổi: Vai trò của Việt Nam trong sách trắng chuyển dịch chuỗi cung ứng của châu Á ngày nay”, trong đó có cái nhìn sâu sắc về những điểm mạnh và điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam với 3 lĩnh vực chính là lao động, các ưu đãi đầu tư và quan hệ thương mại.

Theo ông John Marrett, nhà phân tích cấp cao tại EIU, sự chú ý gần đây về Việt Nam như một giải pháp thay thế hàng đầu cho Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bao gồm dự đoán rằng quốc gia Đông Nam Á này đang tiến nhanh lên chuỗi giá trị và gần đạt đến giới hạn năng lực của mình trong việc tổ chức các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu.

Ông Shinji Hirai, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết doanh nghiệp Nhật đang rất quan tâm đến đầu tư và phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Thực tế, Chính phủ Nhật đã đưa ra chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển nhà máy và đầu tư nhằm ứng phó với sự đứt gãy chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật do tác động từ đại dịch COVID-19 và những căng thẳng thương mại gần đây.

Việt Nam có cơ hội trở thành những thị trường cung ứng nguyên, nhiên vật liệu thô để cung cấp đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp Nhật trên toàn cầu nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được tốt công nghiệp hỗ trợ. 

Nhà đầu tư Nhật
Nhà đầu tư Nhật mở rộng trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ.

“Tôi cho rằng thu nhập của người dân tăng lên là yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp Nhật hướng đến thị trường Việt Nam. Dự báo xu hướng đầu tư của Nhật vào thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi nước này vẫn còn khá nhiều tập đoàn bán lẻ lớn như AEON, FamilyMart, MiniStop, 7-Eleven...”, ông Shinji Hirai nhận định.

Những điểm mạnh chính của môi trường kinh doanh tại Việt Nam so với các nước trong khu vực nằm ở chế độ thuế, chính sách FDI và các biện pháp kiểm soát ngoại thương và hối đoái. Những khía cạnh này được củng cố bởi sự ổn định chính trị trong nước cao hơn so với hầu hết các nước Đông Nam Á khác ở mức độ phát triển kinh tế tương tự. 

Vì thế, trong năm tài chính 2020, JETRO đã nhận được phản hồi từ tổng số 2.722 công ty và khảo sát cho thấy, trong khi Trung Quốc đang là thị trường mục tiêu lớn nhất thì xu hướng đa dạng hóa sang Mỹ, Việt Nam, Đài Loan... cũng tăng lên. Đáng lưu ý là trong các quốc gia/khu vực mà doanh nghiệp Nhật mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát cách đây 10 năm, mức chênh lệch giữa Trung Quốc và Việt Nam vào khoảng 48% thì khoảng cách này đã thu hẹp dần theo từng năm, còn khoảng 7%.

 

Nhưng báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế đối với các nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng phân tán của Việt Nam, với kết nối giao thông giữa miền Bắc và miền Nam còn hạn chế. “Tuy nhiên, hàng loạt ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và khả năng tiếp cận thị trường được cấp bởi nhiều hiệp định thương mại tự do, kết hợp với chi phí lương cạnh tranh ở cấp độ tay nghề thấp, sẽ đảm bảo Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn cho các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung của họ ở châu Á”, ông John Marrett thuộc EIU nhận định.

Chiến lược đầu tư vào Việt Nam còn là cách thức để phòng vệ trước nguy cơ bị tẩy chay ở Trung Quốc, đặc biệt là các thương hiệu phương Tây, Nhật và Hàn Quốc. Mới đây, các thương hiệu thời trang của Nhật là Muji và Uniqlo đã bị lôi kéo vào cuộc căng thẳng leo thang về bông có nguồn gốc từ vùng Tân Cương. Một số nhân vật showbiz nổi tiếng của Trung Quốc đã đột ngột cắt quan hệ quảng cáo với Uniqlo để bày tỏ phẫn nộ.

 

Căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật và phương Tây bắt đầu rộ lên sau một báo cáo cho thấy Trung Quốc bị cáo buộc cưỡng bức hàng trăm ngàn người thiểu số gồm cả người Duy Ngô Nhĩ lao động trên các cánh đồng bông ở Tân Cương. Những hãng thời trang lớn như H&M đã tuyên bố quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về vấn đề lao động cưỡng bức.

Về phần mình, người Trung Quốc đã lập tức phản ứng các cáo buộc và tẩy chay những thương hiệu lớn nước ngoài. Hậu quả là các tập đoàn như Nike, H&M... đều chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm sau khi đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm từ người dùng Trung Quốc. Cổ phiếu của Ryohin Keikaku, một tập đoàn Nhật có nhiều sản phẩm dùng nguyên liệu từ bông Tân Cương, giảm tới 6,8% trên thị trường chứng khoán Tokyo.

Dù Muji vẫn chưa được người tiêu dùng Trung Quốc nhắm làm mục tiêu lớn, nhưng các nhà đầu tư đang bán ra vì lo ngại rằng phong trào tẩy chay có thể tăng lên. “Nếu một phong trào lan rộng trên toàn thế giới chống lại các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thô do lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ sản xuất, thì mối lo ngại giảm giá cổ phiếu sẽ tăng lên”, Shoichi Arisawa, nhà phân tích tại Iwai Cosmo Securities, nhận định.

Căng thẳng chính trị có thể buộc chuỗi kinh doanh của các tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc đóng cửa ngay lập tức. Điển hình vào năm 2018, tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc Lotte đã phải bán lại gần 100 siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc cho các nhà bán lẻ địa phương sau khi đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng vì căng thẳng chính trị liên quan đến Hàn Quốc cho phép Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tối tân. Một số doanh nghiệp Nhật dường như đã học được bài học này và đang lên kế hoạch đối phó.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày