Tạp chí số 746

Chăm sóc sức khỏe: Mặt trận mới của Amazon

Văn Quốc Thứ Tư | 22/09/2021 07:30

Tháng 7 năm nay, Amazon đã ra mắt Amazon Dx, một dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà.

Amazon, gã khổng lồ ngủ say trong mảng chăm sóc sức khỏe, cuối cùng đã thức giấc.
Tháng 7 năm nay, Amazon đã ra mắt Amazon Dx, một dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà.

Hàng triệu người trò chuyện với trợ lý giọng nói Alexa của Amazon mỗi ngày với những câu mệnh lệnh rất đời thường như “hãy chơi nhạc” hay “đặt hẹn giờ món mì 11 phút nhé”. Nhưng tại bệnh viện Houston Methodist ở Mỹ, cũng cùng công nghệ đó nhưng câu mệnh lệnh được nghe lại là “hãy bắt đầu giải phẫu”. 

Trong năm vừa qua, sự bắt tay giữa mạng lưới 8 bệnh viện với Amazon Web Services (AWS), bộ phận đám mây của Amazon, đã đưa công nghệ trợ lý ảo Alexa vào một phòng mổ thử nghiệm. Với công nghệ này, bác sĩ phẫu thuật có thể xác nhận các mệnh lệnh bằng giọng nói qua những bước giải phẫu quan trọng như gây mê. “Nó đang sử dụng giọng nói của tôi để hoàn thành những bước giải phẫu, vì thế chưa bao giờ sơ sẩy một bước nào”, bác sĩ ngoại khoa Nicholas Desai, Giám đốc Thông tin y tế của Houston Methodist, cho biết. “Mỗi khi hoàn tất, trợ lý ảo sẽ viết vào hồ sơ y tế điện tử. Vì thế, nếu có bất kỳ vấn đề gì hoặc có bước nào chưa làm xong, thông báo sẽ được phát ra”, ông nói thêm.

Trong các phòng tư vấn bác sĩ tại bệnh viện này, công nghệ của Amazon cũng đang lắng nghe rất chăm chú (tất nhiên với sự cho phép của bệnh nhân) những thông tin có thể được đưa vào hồ sơ y tế và được phân tích để vạch ra các phương án điều trị tốt hơn. “Trợ lý kỹ thuật số của tôi đang lắng nghe, cùng tôi theo dõi và quản lý hồ sơ bệnh nhân”, Desai nói và ví von giống như “có thêm một đôi tai thứ 2”.

Hệ thống này chỉ là một phần trong kế hoạch của Amazon nhằm hiện diện khắp nơi trong thị trường chăm sóc sức khỏe như Hãng từng làm ở mảng mua sắm trực tuyến và các mảng khác, bằng cách cung cấp các công cụ và nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc hiện đại hóa ngành chăm sóc sức khỏe. Công ty đang tung ra một loạt dịch vụ tương tác với người dùng như nhà thuốc trực tuyến, dịch vụ y tế từ xa. Cùng lúc đó, nhờ vào AWS, Amazon đang nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhằm tạo ra một hệ thống y tế mới, chăm sóc mọi mặt cho người bệnh từ quản lý hồ sơ y tế cho đến áp dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) vào việc dự đoán khi nào một người có thể bị bệnh.

Thực ra, Amazon đã có bước đi thâm nhập vào thị trường chăm sóc sức khỏe từ sớm. Năm 2018, Amazon từng bắt tay với JPMorgan và Berkshire Hathaway thành lập liên doanh chăm sóc sức khỏe gọi là Haven, với mục tiêu giảm chi phí y tế (một khoản chi phí lớn của các doanh nghiệp) và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên của cả 3 công ty. Nhưng liên minh này đã hạ màn sau 3 năm. Dù vậy, giới phân tích cho rằng cái kết của Haven cũng báo hiệu một điều khác: Amazon đã sẵn sàng đi một mình trong mục tiêu giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho chính nhân viên của mình. Với 1,3 triệu nhân viên trên toàn cầu, Amazon hoàn toàn có thể tung ra các sáng kiến ở quy mô lớn. Một trong số đó là hợp tác với Crossover Health để nhân viên và gia đình họ dễ  tiếp cận mạng lưới các trung tâm y tế. 

Cũng trong năm 2018, Amazon đã thâu tóm PillPack, một dịch vụ bán thuốc theo đơn trực tuyến, nhưng hoạt động gần như độc lập. Cuối năm ngoái, Amazon đã tiến một bước sâu hơn vào thị trường ngàn tỉ USD khi tung ra Amazon Pharmacy, một nhà thuốc trực tuyến một phần được xây dựng dựa trên hạ tầng của PillPack. Công ty này cung cấp dịch vụ giao thuốc tận nhà cho khách hàng và đặc biệt cho các thành viên của Amazon Prime (với nhiều ưu đãi như giảm giá, miễn phí giao hàng).

Tháng 7 năm nay, Amazon đã ra mắt Amazon Dx, một dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Theo đó, khách có thể đặt mua bộ kit trên Amazon.com, gửi lại mẫu xét nghiệm sau đó và kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng 24 giờ sau khi phòng lab nhận mẫu.

Những động thái này đã cho thấy quyết tâm bám trụ của Amazon trên thị trường chăm sóc sức khỏe đầy tiềm năng. Theo IHS Markit, chi tiêu chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu dự kiến đạt 8.800 tỉ USD vào năm 2021, từ mức 8.300 tỉ USD của năm 2020. Riêng tại thị trường lớn là Mỹ, theo dự báo của CMS, một tổ chức y tế của Mỹ, chi tiêu chăm sóc sức khỏe trong năm 2021 là 4.200 tỉ USD, chiếm 18% GDP nước này và sẽ đạt tới 5.000 tỉ USD vào năm 2025.

Tháng 7 năm nay, Amazon đã ra mắt Amazon Dx, một dịch vụ xét nghiệm COVID-19 tại nhà.
Các công ty công nghệ khác cũng nhảy vào giành phần. Có thể thấy tổng giá trị đầu tư vào mảng chăm sóc sức khỏe của Facebook, Amazon, Microsoft, Google và Apple đã tăng mạnh vào năm 2020 lên tới 3,7 tỉ USD.

Thị trường này đang được thúc đẩy bởi nhiều xu hướng mới: Các thiết bị theo dõi sức khỏe đang ngày càng thông minh và được sử dụng rộng rãi hơn. Nhờ công nghệ kết nối trở nên rẻ hơn, việc chăm sóc sức khỏe từ xa càng thuận tiện. A.I và dữ liệu lớn cũng mở ra nhiều cơ hội như cung cấp các phương pháp điều trị mới... Dịch bệnh COVID-19 và ô nhiễm môi trường cũng nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân.

Các công ty công nghệ khác cũng nhảy vào giành phần. Có thể thấy tổng giá trị đầu tư vào mảng chăm sóc sức khỏe của Facebook, Amazon, Microsoft, Google và Apple đã tăng mạnh vào năm 2020 lên tới 3,7 tỉ USD. Tính từ đầu năm đến nay, theo CB Insights, có thêm 3,1 tỉ USD đã được rót vào.

Vì thế, cạnh tranh đang rất khốc liệt. Không chỉ cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn, Amazon còn phải so kè với đối thủ quá quen thuộc là Walmart. Nhà bán lẻ số 1 thế giới gần đây mở một số phòng khám trên khắp nước Mỹ cung cấp các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, phòng lab, X-quang, chẩn đoán, tư vấn sức khỏe, khám răng, khám tai...

Tuy nhiên, sự khác biệt của Amazon là ở chỗ Công ty đã tận dụng được cơ sở hạ tầng hiện có, đặc biệt là mạng lưới khổng lồ về kho bãi và các tài xế giao nhận, để phục vụ cho mảng chăm sóc sức khỏe như đã phục vụ cho mảng mua sắm trực tuyến. Đây cũng chính là điểm thu hút những người như bác sĩ Desai. “Tôi có một dịch vụ giao thuốc và có cả dịch vụ Prime có thể giao thuốc cho bạn ngay lập tức. Alexa có thể giúp tôi làm vô số công việc như đặt lịch hẹn với bạn và bạn có thể được bác sĩ tư vấn qua giọng nói, thị giác và cả kỹ thuật số”, Desai ví von.

Giống như con đường của AWS - nghĩa là bắt đầu chỉ là một hệ thống đám mây nội bộ phục vụ cho nền tảng của Amazon, sau đó mở rộng ra cho khách hàng bên ngoài, thì nền tảng chăm sóc sức khỏe của Công ty cũng đi theo cách tương tự. “Nhiều chủ sử dụng lao động lớn rất muốn giảm chi phí y tế của nhân viên. Nếu Amazon có thể cung cấp dịch vụ thỏa mãn nhu cầu thì họ sẽ có một mảng kinh doanh cực kỳ sinh lời. Có vẻ như họ đang tiến rất nhanh trên con đường này”, Jeff Becker, chuyên gia phân tích tại CB Insights, nhận xét.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày