Tạp chí số 750

Cổ phiếu ngành thép vẫn "nóng"

Vũ Hoài Thứ Tư | 20/10/2021 13:30

Với mức tăng khá nóng trong thời gian qua, liệu cổ phiếu thép có còn hấp dẫn?. Ảnh: TL.

Với đà tăng giá mạnh trong thời gian qua, cổ phiếu ngành thép có còn hấp dẫn?
Với mức tăng khá nóng trong thời gian qua, liệu cổ phiếu thép có còn hấp dẫn?. Ảnh: TL.

Bất ổn trên diện rộng về nguồn cung cùng với nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục đã khiến giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới như thép, xăng dầu, than... tăng mạnh. Đi cùng với đó, có những doanh nghiệp đã hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tăng giá hàng hóa hoặc thông qua khả năng điều chỉnh giá bán tăng tương ứng với mức tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, trong đó có các doanh nghiệp ngành thép.

Giá thép tăng mạnh cùng với nhu cầu nhập khẩu thép từ các thị trường quốc tế đã tác động rất tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép. Hòa Phát, chẳng hạn, liên tục ghi nhận kỷ lục mới trong hoạt động kinh doanh. Tháng 9, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng Hòa Phát đạt kỷ lục 120.000 tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu chính là Úc, Canada, Hồng Kông, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Tôn Hòa Phát cũng ghi nhận sản lượng xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay với gần 50.000 tấn, gấp 2 lần tháng trước. Sản phẩm ống thép Hòa Phát xuất khẩu tăng 50% so với cùng kỳ. 

 

Thép Nam Kim cũng “bội thu” trong nửa đầu năm 2021 nhờ vào thị trường xuất khẩu. Trong quý II/2021, Công ty đạt doanh thu hơn 7.016 tỉ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 847,5 tỉ đồng, gấp gần 49 lần. Đại diện Thép Nam Kim cho biết, kết quả này là nhờ đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu. Lợi nhuận tăng do sản lượng xuất khẩu tăng làm chi phí sản xuất giảm, biên độ lợi nhuận gộp tăng dẫn đến lợi nhuận ròng tăng.

Cũng là doanh nghiệp trong ngành thép, Tập đoàn Hoa Sen không nằm ngoài sự bùng nổ này. Hưởng lợi khi giá thép tăng mạnh cùng với sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể, Tập đoàn đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Tháng 8, Hoa Sen ước lãi sau thuế ở mức 320 tỉ đồng, tăng 47% so với cùng năm 2020.

Lợi nhuận liên tục bứt phá trong thời gian qua là một trong những yếu tố chính tạo nên sức nóng của các cổ phiếu ngành thép. Từ đầu năm đến hết phiên ngày 13/10, các cổ phiếu ngành thép đã đạt được mức sinh lời đáng kể, vượt xa mức tăng bình quân của thị trường chung. Nhiều mã cổ phiếu đã tăng bằng lần như NKG của Thép Nam Kim, TLH của Thép Tiến Lên, hay HSG của Hoa Sen với mức tăng giá hơn 100%. Cổ phiếu HPG của Hòa Phát, vốn được nhà đầu tư ưu ái gọi tên “cổ phiếu quốc dân”, cũng tăng 82,6% về thị giá.

Với mức tăng khá nóng trong thời gian qua, liệu cổ phiếu thép có còn hấp dẫn? Trong báo cáo được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vẫn dành những đánh giá tích cực cho các doanh nghiệp ngành thép. Đối với tiêu thụ nội địa, VCBS cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó có thép cùng các sản phẩm từ thép.

 

Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai bị hoãn lại trong 9 tháng năm 2021 do các lệnh giãn cách xã hội cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm khiến cho việc triển khai các dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn. VCBS kỳ vọng từ quý IV/2021, các dự án sẽ nhanh chóng được khởi động trở lại sau thời gian dài giãn cách. 

Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đang siết chặt giảm sản lượng sản xuất thép hằng năm do vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng. Vì Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nên động thái này đã khiến cho nguồn cung thép trên toàn thế giới sụt giảm. Điều đó không chỉ tác động đến giá thép, mà còn mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh thâm nhập vào thị trường xuất khẩu thép của Trung Quốc.

Mặt khác, giá thành sản xuất thép trên thế giới vẫn giữ ở mức cao. Giá các mặt hàng năng lượng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì với đà hồi phục kinh tế thế giới, đồng thời đa số các nước có tỉ lệ lớn sản xuất thép bằng lò EAF. Trong khi đó, Việt Nam với lợi thế sản xuất thép từ công nghệ BOF là chính và đang dần tự chủ được nguồn cung HRC trong nước đã giúp hạ giá thành sản phẩm.

Sản phẩm ống thép Hòa Phát xuất khẩu tăng 50% so với cùng kỳ.
Sản phẩm ống thép Hòa Phát xuất khẩu tăng 50% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng với các gói kích thích đầu tư công liên tục giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau dịch COVID-19. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội đối với thị trường xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt. 

Ở góc độ giá cả hàng hóa, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MBS, cho rằng từ đầu năm đến nay, đã có nhiều cổ phiếu được hưởng lợi từ việc dậy sóng giá cả hàng hóa. “Nhìn về mặt chu kỳ, có vẻ như chu kỳ tăng giá hàng hóa vẫn chưa dừng lại. Do vậy, có những cổ phiếu đã tăng tốt rồi vẫn có thể tiếp tục duy trì đà tăng này trong năm 2022”, ông Sơn nhận định.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày