Người Tiên Phong

Ông chủ thương hiệu trà xanh C2 muốn cạnh tranh với Lazada và Amazon

Thứ Tư | 27/09/2017 15:58

wilsonleeflores.com

Tỷ phú người Philipines John Gokongwei là người sáng lập JG Summit, đơn vị sở hữu công ty thực phẩm URC, nổi tiếng với các thương hiệu như C2 và Rồng Đỏ.
wilsonleeflores.com

Năm nay 91 tuổi, tỷ phú John Gokongwei đang cai quản một đế chế đa ngành bao gồm các ngành hàng không, trung tâm mua sắm và bất động sản. Trong số đó, có công ty JG Summit, chủ sở hữu tập đoàn thực phẩm và nước giải khát URC. Giờ đây, gia đình Gokongwei đang chuẩn bị tiến vào thị trường thương mại điện tử (TMĐT), thông qua tập đoàn bán lẻ lớn thứ nhì Philippines là Robinsons Retail Holdings (RRH).  

Là một trong những công ty hùng mạnh nhất của đế chế Gokongwei, năm ngoái RRH đạt doanh thu ròng hơn 2 tỷ USD. Theo bà Robina Gokongwei-Pe, con gái của John Gokongwei và hiện là chủ tịch của RRH, từ nay cho đến 2018 công ty dự kiến ​​sẽ tăng gấp 3 lần số lượng các siêu thị có thể thực hiện giao nhận cho các đơn đặt hàng trực tuyến. Các bộ phận khác của RRH, bao gồm các cửa hàng bách hóa, cũng sẽ sớm tham gia thị trường TMĐT.

Như vậy, cả 3 tập đoàn bán lẻ lớn nhất Philippines là RRH, SM Investments và Ayala đều đang tìm cách khai phá thị trường TMĐT tại nước này. Cả 3 hãng này đều tung ra các cửa hàng trực tuyến hoặc đầu tư vào các dịch vụ TMĐT trong năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu cho một thế hệ khách hàng mới chuyên sử dụng smartphone, và từ đó cạnh tranh với các trang TMĐT như Lazada của Alibaba.

Gia đình Gokongwei đang tìm cách đẩy nhanh nỗ lực của họ, giữa lúc Alibaba và Amazon đang chuẩn bị cho cuộc chiến giành thị phần tại Đông Nam Á. Nhà Gokongwei cũng đang nắm giữ một ít cổ phần trong tập đoàn Sea (Singapore), vốn đang chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

RRH đã bắt đầu bán một số đồ gia dụng và thời trang trên mạng, thông qua các đối tác như Zalora. Nhưng với ý định đưa các siêu thị, vốn là nguồn thu chính của tập đoàn, tham gia thị trường TMĐT, Robinsons đang muốn dấn thân thực sự vào ngành này. Theo bà Gokongwei-Pe cho biết, doanh số bán hàng trực tuyến của một trang web mua sắm được tập đoàn tung ra hồi tháng 5 đã cho thấy nhiều điều hứa hẹn.

Bà nói: "Chúng ta đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân của thị trường bán lẻ trực tuyến. Đây là hướng đi đúng, khi xét tới tình hình giao thông thường xuyên tắc nghẽn ở các khu vực đô thị như thủ đô Manila, cũng như sự trỗi dậy của thế hệ millennial”.

17 trong số 145 siêu thị của Robinsons hiện đang tiến hành giao hàng cho các đơn đặt hàng online, được giao thông qua dịch vụ Honestbee đến từ Singapore. Con số này sẽ tăng lên 26 vào cuối năm nay, và 50 vào cuối năm 2018, bà Gokongwei-Pe cho biết.

Cùng lúc đó, RRH sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới siêu thị truyền thống của mình. Theo bà Gina Roa-Dipaling, người phụ trách bộ phận hoạch định của công ty, RRH vẫn chưa có cửa hàng ở khoảng 40% các tỉnh và thành phố của Phillipines. Bà Gokongwei-Pe cho biết Robinsons sẽ mở thêm từ 140 đến 150 cửa hàng trong năm nay, và có lẽ sẽ mở thêm 140 cửa hàng vào năm 2018, để duy trì mức tăng trưởng doanh thu hai con số. Đồng thời, hãng sẽ tìm kiếm các siêu thị và nhà thuốc để thâu tóm, bà nói.

Tuy nhiên, việc dần dần chuyển sang thị trường TMĐT đánh dấu một bước ngoặt lớn cho RRH, sau 37 năm hoạt động. 

Tại Philippines, các trung tâm thương mại truyền thống vẫn là nơi lui tới của đông đảo người dân. Tại đây, người ta có thể tụ họp, ăn uống và thậm chí đi nhà thờ. Theo Euromonitor International, sự phát triển của Internet băng thông rộng và thương mại điện tử đã thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến tại Philippines đạt mức hai con số vào năm 2016. Cũng theo Euromonitor, mức độ thâm nhập của smartphone tại Philippines sẽ đạt 180% trong năm nay - nghĩa là hầu hết mọi người có hai điện thoại - trong khi số thuê bao internet dự kiến ​​sẽ đạt 32 triệu vào năm 2018.

Khoảng cách giữa các thế hệ cũng trở nên rõ ràng hơn. Những người trong thế hệ millennials (tuổi từ 16 đến 35) hiện chiếm 85% doanh số bán hàng trực tuyến của RRH, trong khi 65% doanh thu của nhóm cửa hàng truyền thống đến từ những người trong độ tuổi 31 đến 50 tuổi, bà Gokongwei-Pe cho biết. Có điều đáng chú ý là người mua sắm trực tuyến có giá trị đơn hàng bình quân cao gấp 5 lần so với người mua sắm truyền thống, bà nói thêm.

Mạnh Đức

Nguồn Bloomberg


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày