Người Tiên Phong

Tham vọng chiếm lĩnh trời của Elon Musk

Quốc Ngô (Theo The Economist) Chủ Nhật | 23/05/2021 07:30

Ngày 5.5.2021 một phiên bản nguyên mẫu tên lửa Starship của SpaceX đã bay 10 km trên bầu trời Boca Chica tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: TL

Sau xe điện Tesla, Elon Musk đã đi những bước dài trong tham vọng chiếm lĩnh bầu trời với SpaceX.
Ngày 5.5.2021 một phiên bản nguyên mẫu tên lửa Starship của SpaceX đã bay 10 km trên bầu trời Boca Chica tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: TL

Ngày 5.5.2021 một phiên bản nguyên mẫu tên lửa Starship của SpaceX đã bay 10 km trên bầu trời Boca Chica tại bang Texas, Mỹ trước khi tự bay trở lại bệ phóng và hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt đất. Đây là tên lửa lớn nhất kể từ chiếc Saturn V đưa các phi hành gia Apollo lên mặt trăng. Nó không phải là chuyến bay thử nghiệm độ cao đầu tiên của Starship, nhưng là chuyến bay duy nhất hoàn tất hành trình mà không bị phát nổ.

Đây là tin vui gần đây nhất cho hãng không gian vũ trụ tư nhân SpaceX do tỉ phú Elon Musk sáng lập năm 2002. Musk cũng chính là cha đẻ của Tesla, công ty đi tiên phong trong lĩnh vực xe điện. Giống như Tesla, SpaceX đang làm rung chuyển ngành khai thác không gian vũ trụ. Trong khi sứ mệnh của Tesla là thúc đẩy cuộc chuyển giao của thế giới sang năng lượng bền vững thì sứ mệnh của SpaceX là sử dụng các tên lửa giá rẻ để đưa loài người đến một “nền văn minh du hành vũ trụ đa thế giới” bằng cách biến sao Hỏa trở thành một nơi có thể định cư. Và giống như Tesla, định giá của SpaceX đã tăng cao ngất ngưởng. Theo Pitchbook, vòng gọi vốn hồi tháng 4.2021 của SpaceX đã định giá Công ty lên tới 74 tỉ USD, từ mức 44 tỉ USD vào tháng 8.2020. CB Insights xếp hạng SpaceX là startup có giá trị lớn thứ trên thế giới, sau ByteDance và Stripe.

Có vẻ kỳ lạ khi vẫn gọi một công ty 19 năm tuổi đời là startup. Nhưng phần lớn định giá của SpaceX không phải đến từ hoạt động kinh doanh, mà giống như Tesla, đến từ kỳ vọng lớn của nhà đầu tư vào tương lai của nó. Những tiến bộ của SpaceX trong lĩnh vực tên lửa đã cho hãng này một bệ phóng mạnh mẽ. Tên lửa của Hãng rất khác ở khía cạnh chúng tái sử dụng được, thay vì chỉ dùng một lần. Sau khi phóng, chiếc Falcon 9 có thể tự bay trở về trái đất và sau khi dưỡng sức vài tuần, nó có thể bay trở lại lần nữa. Mức giá thấp cùng khả năng kiểm soát chi phí, sẵn sàng thử nghiệm và chấp nhận rủi ro đã giúp SpaceX đánh bại các công ty trong ngành.

Ảnh: sundayvision.co.ug.
Có vẻ kỳ lạ khi vẫn gọi một công ty 19 năm tuổi đời là startup. Ảnh: sundayvision.co.ug.

Dù các đối thủ cũng ra sức cắt giảm chi phí nhưng vẫn cách xa SpaceX. Tháng 11 năm ngoái, Tory Bruno, ông chủ của United Launch Alliance, cho biết giá tên lửa Atlas V của Hãng đã giảm từ 225 triệu USD mỗi lần phóng còn chỉ hơn 100 triệu USD. ArianeSpace, một đối thủ đến từ châu Âu, cũng đã giảm giá chiếc Ariane 5, vốn có giá 213 triệu USD mỗi lần bay. ArianeSpace kỳ vọng, chiếc Ariane 6 (dự kiến sẽ bay chuyến bay đầu tiên vào năm tới) sẽ có giá rẻ hơn 40% so với Ariane 5.

Trong khi đó, SpaceX tính giá chỉ 62 triệu USD một chiếc tên lửa mới, hoặc 50 triệu USD đối với tên lửa đã qua sử dụng. Với lợi thế vượt trội, SpaceX đã giành được nhiều hợp đồng, từ các hãng có tên tuổi như Iridium và Intelsat cho đến các startup như Planet và chính phủ các nước, trong đó có chính phủ Mỹ, Đức, Hàn Quốc. Giữa tháng 4.2021, NASA đã cấp 2,9 tỉ USD cho SpaceX để hãng này phát triển một con tàu đổ bộ mặt trăng, một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm đưa các phi hành gia quay trở lại mặt trăng vào năm 2024.

Giữa tháng 9 này, SpaceX dự định sẽ đưa 4 du khách du hành vũ trụ trên một chuyến bay xoay quanh quỹ đạo trong 3 ngày. Morgan Stanley mô tả SpaceX như “một trung tâm điều khiển bay” cho ngành không gian vũ trụ mới nổi đang tăng trưởng nhanh, mà theo ước tính của Seraphim Capital đã thu hút 8,7 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong năm kết thúc vào tháng 3.2021, tăng 95% so với năm trước đó.

SpaceX cũng không ngừng cải tiến. Con tàu Starship có năng lực chuyên chở gấp hơn 6 lần chiếc Falcon 9. Dù có kích cỡ khổng lồ, Starship hoàn toàn có thể tái sử dụng và sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các tên lửa hiện tại của SpaceX. Musk kỳ vọng Starship sẽ đạt tới mức giá chưa tới 2 triệu USD mỗi lần bay.

 

Dù SpaceX có công nghệ tuyệt vời đến đâu đi nữa, thị trường này lại tương đối nhỏ, dự kiến chỉ khoảng 6 tỉ USD năm 2019, theo Simon Potter thuộc BryceTech. Nhiều người chơi được bảo hộ bởi các chính phủ do lo ngại an ninh quốc gia và điều đó sẽ hạn chế thị phần của SpaceX. Tuy nhiên, theo Adam Jonas, chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, SpaceX xem việc bay vào vũ trụ như một công nghệ mở đường cho các tham vọng khác. Mục tiêu tiếp theo của SpaceX là mảng viễn thông. Dịch vụ Starlink của SpaceX đang xây dựng mạng lưới vệ tinh lớn nhất từ trước đến nay, nhằm đưa internet tốc độ nhanh đến mọi ngóc ngách của hành tinh, đến tận những nơi mà chưa ai tiếp cận được.

Đây là một thị trường còn lớn hơn rất nhiều khi có tới 48% dân số thế giới chưa kết nối mạng trong năm 2019 (số liệu của International Telecommunications Union). Gwynne Shotwell, COO SpaceX, vào năm 2019 cho biết thị trường kết nối internet thế giới có lẽ trị giá 1.000 tỉ USD mỗi năm. Musk từng nói SpaceX nhắm đến nắm giữ khoảng 3% thị trường này.

Thực ra, internet vệ tinh không phải là một ý tưởng mới. Nhưng một công nghệ mà Musk nghĩ rằng ông có thể cải thiện, đó là các vệ tinh internet hiện hữu buộc phải bay ở độ cao, để có thể phủ sóng tốt. Nhưng trở ngại là nhiều khách hàng phải cùng chia sẻ một vệ tinh, dẫn đến giới hạn băng thông, quá tải đường truyền, đôi khi ngắt quãng truy cập mạng. Vì thế, internet vệ tinh thường là lựa chọn cuối cùng khi không có công nghệ nào tốt hơn, đặc biệt tại vùng nông thôn xa xôi hay các con tàu lang thang trên biển.

 

Starlink kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề này bằng cách sử dụng các tên lửa giá rẻ của mình để phóng hàng ngàn vệ tinh nhỏ, chi phí thấp vào quỹ đạo tầm thấp. Trong quý I/2021 SpaceX đã phóng nhiều vệ tinh vào quỹ đạo hơn tất cả các nhà khai thác tên lửa khác cộng lại, theo Potter. Khoảng 1.500 vệ tinh hiện có của Starlink đã chiếm tới khoảng 25% tổng số vệ tinh trong quỹ đạo. SpaceX có kế hoạch phóng hơn 10.000 vệ tinh nữa, thậm chí 42.000 chiếc.

Tất nhiên, có rất nhiều thách thức trên con đường hiện thức hóa giấc mơ của Musk. Đã có những bài học phá sản của Iridium vào năm 1999 hay Intelsat và Speedcast đã nộp đơn phá sản vào năm ngoái. Hiện Intelsat đang tái cấu trúc. Còn Speedcast đang vận hành trở lại với sự dẫn dắt của những ông chủ mới.

Theo Rasmus Flytkjaer thuộc London Economics, dù có chi phí bay rất thấp, nhưng ít nhất có 2 thách thức lớn SpaceX cần giải quyết. Một là hầu hết khách hàng tiềm năng của Starlink sống ở vùng nông thôn nghèo, trong khi mức phí 99 USD/tháng của Starlink không hề rẻ thậm chí với người dùng ở nước giàu. Một thách thức khác là chi phí trang bị đĩa vệ tinh công nghệ cao để hệ thống này có thể vận hành: những ăng-ten 23 inch gắn trên mái nhà hoặc tường.

Hồi tháng 4, Shotwell nói rằng đĩa vệ tinh (được SpaceX bán với giá 499 USD) phải tốn chi phí sản xuất lên tới 1.500 USD. SpaceX kỳ vọng lợi thế kinh tế nhờ quy mô sẽ giảm chi phí sản xuất còn chỉ vài trăm đô la. Theo Flytkjaer, lý do khiến Iridium phá sản là không kham nổi chi phí xây dựng mạng lưới cho đến lúc thu hút được khách hàng trả tiền, nhưng với dòng tiền dồi dào của Musk, SpaceX sẽ ít có khả năng cạn vốn sớm như Iridium.

Chương trình thử nghiệm của Starlink hiện mới chỉ ở vài nước giàu, nhưng Công ty đã có nửa triệu đơn đặt hàng. Hãng đã xin giấy phép cấp dịch vụ cho 5 triệu người dùng chỉ riêng ở Mỹ. Hồi tháng 12 SpaceX đã giành được hợp đồng 886 triệu USD từ Chính phủ Mỹ để cung cấp băng thông ở nông thôn. Và Hãng cũng đang đàm phán ở Anh.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày