Người Tiên Phong

Tỉ phú sáng lập Evergrande rơi vào cảnh cô độc, bạn chơi bài đại gia lần lượt quay lưng

Minh Duy Thứ Hai | 11/10/2021 08:59

Người sáng lập China Evergrande Group Hứa Gia Ấn hiện đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn sau khi nhanh chóng vươn lên dẫn đầu. Ảnh: Reuters.

Từng đầu tư hàng tỉ USD vào tập đoàn, những người bạn của ông Hứa Gia Ấn giờ đây đang tìm cách tháo chạy khỏi vũng lầy nợ nần mang tên Evergrande.
Người sáng lập China Evergrande Group Hứa Gia Ấn hiện đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn sau khi nhanh chóng vươn lên dẫn đầu. Ảnh: Reuters.

Là tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới thế nhưng giờ đây tương lai của Evergrande đang mịt mù hơn bao giờ hết. Trước đó, tập đoàn này từng là một điểm sáng. Tỉ phú Hứa Gia Ấn cũng là nhân vật "máu mặt", được vây quanh bởi những tỉ phú lừng danh Trung Quốc, trong đó có ông trùm Wang Zhongming của Tập đoàn đầu tư Shenzhen Greenwoods.

Theo Nikkei Asian Review, Chủ tịch Hứa Gia Ấn, người sáng lập tập đoàn Evergrande đến nay vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào chứng minh ông có giải pháp đưa công ty thoát khỏi vũng lầy nợ nần khổng lồ. 

Ngay cả khi thông tin về việc vỡ nợ của Evergrande lan truyền, ông Hứa Gia Ấn vẫn hùng hồn nói với các nhà cung cấp về kế hoạch giảm nợ của công ty. Điều này gợi nhớ tới một bức ảnh được chụp tháng 9/2020 khi ông Hứa và 35 nhà đầu tư mỉm cười, vỗ tay và khẳng định không thúc ép đòi lại 13,3 tỉ USD mà Evergrande đang nợ - một sự giúp đỡ quan trọng.

Chủ tịch Evergrande chụp tại Quảng trường Thiên An Môn vào hồi tháng 7. Ảnh: China Evergrande Group.
Chủ tịch Evergrande chụp tại Quảng trường Thiên An Môn vào hồi tháng 7. Ảnh: China Evergrande Group.

Nhóm tỉ phú thân thiết đã bơm hàng tỉ USD vào Evergrande và các chi nhánh của nó trong thập kỷ qua. Xuất hiện trước những người bạn giàu có, tỉ phú Hứa Gia Ấn khiến người ta tin rằng ông có sự ủng hộ từ các lãnh đạo Trung Quốc và Evergrande khó sụp đổ. Đó cũng là lý do khiến các nhà đầu tư không mấy lo sợ khi đổ tiền cho người đàn ông 62 tuổi này trong hành trình kéo “gã khổng lồ” bất động sản thoát khỏi mép vực.

Nhưng giờ đây, những người bạn đánh bài của ông Hứa cũng đã rời đi và chịu khoản lỗ lớn. Chính phủ Trung Quốc thì chưa chìa bàn tay ra để giúp đỡ "chúa nợ" và khả năng cao là sẽ không cứu. Các quỹ đang dồn mọi sự chú ý vào Evergrande trong khi đối thủ của ông Hứa săn lùng những tài sản mà Evergrande có thể phải bán rẻ để trả nợ.

Nhà phân tích Nigel Stevenson tại GMT Research ở Hồng Kông cho biết: "Sự sụp đổ của Evergrande đã được dự báo trước rất nhiều lần. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định điều đó trước đây. Lần này có vẻ đã khác. Sự tự tin đã biến mất và nó khó có thể được lấy lại".

Câu chuyện làm giàu của ông Hứa Gia Ấn cũng giống như nhiều tỉ phú khác và cũng phản ánh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Từng là nhân viên kỹ thuật trong nhà máy thép, ông Hứa Gia Ấn thành lập Evergrande ở Quảng Châu vào năm 1996 trước khi trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2017.

Forbes ước tính rằng ông Hứa Gia Ấn đã nhận 8 tỷ USD cổ tức bằng tiền mặt trong hành trình thúc đẩy các khoản nợ khổng lồ của Evergrande kể từ khi nó chào sàn năm 2009. Công ty này đã không thể trả rất nhiều khoản nợ trong năm nay.

"Quan hệ là rất quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng vận may

của ông Hứa Gia Ấn đã hết. Trung Quốc có vẻ sẽ không cứu các doanh nghiệp chìm trong nợ nần như cách mà ông Hứa khoe khoang", một nhà quản lý quỹ bán hết nợ của Evergrande hồi đầu năm cho biết.

Quan điểm này được nhiều chuyên gia ủng hộ. Việc hàng loạt các “gã khổng lồ” Trung Quốc bị phá sản trong thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc sẽ không cứu những tập đoàn chìm trong nợ mà thay vào đó, phương án tái cấu trúc sẽ được ưu tiên.

Trung Quốc đang thúc đẩy các nhà phát triển bất động sản, bao gồm cả các doanh nghiệp quốc doanh, tăng cường mua lại các dự án của Evergrande. Việc hỗ trợ ông Hứa Gia Ấn đang "quá tốn kém" với nhiều trong số các bạn tỉ phú đánh bài của ông Hứa. Thậm chí, nhiều người trong số đó đã phải bán lỗ lượng cổ phần mà họ nắm giữ trong các chi nhánh của Evergrande.

Chinese Estates do Joseph Lau sở hữu là một trong số đó. Miệt mài đầu tư vào Evergrande từ năm 2009, công ty này đã "quay xe" và xác định khoản lỗ lên tới 10,4 tỉ đô la Hồng Kông vì đầu tư vào "chúa nợ".

Công ty Chinese Estates do ông Joseph Lau thành lập và hiện do vợ ông là Kimbie Chan Hoi-wan lãnh đạo, đang bán cổ phần của mình tại Evergrande sau khi ủng hộ công ty trong hơn một thập kỷ. Ảnh: Getty Images.
Công ty Chinese Estates do ông Joseph Lau thành lập và hiện do vợ ông là Kimbie Chan Hoi-wan lãnh đạo, đang bán cổ phần của mình tại Evergrande sau khi ủng hộ công ty trong hơn một thập kỷ. Ảnh: Getty Images.

Tất cả những người bạn giàu có của ông Hứa đều đang đối mặt với thua lỗ khi trái phiếu Evergrande tụt dốc không phanh. Thậm chí, khi Evergrande vỡ nợ, những khoản nợ này sẽ trở thành "giấy vụn" theo đúng nghĩa đen.

Trung Quốc sẽ tái cơ cấu nợ của Evergrande trong một động thái được mô tả là "lớn nhất lịch sử". Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên sẽ là những người mua nhà, các nhà cung ứng, nhà thầu và nhân viên. Các nhà đầu tư, bao gồm cả những người bạn chơi bài của tỉ phú họ Hứa, sẽ phải cầu may để mong tới lượt mình được cứu dù hy vọng đó vô cùng mong manh.

"Evergrande rất lớn nhưng nó chưa đủ lớn hoặc chưa đủ ảnh hưởng để tác động tới hệ thống. Vì nó là lớn nhất nên những tác động phía sau sẽ nhỏ hơn nhiều. Quả thực, nó không phải phần nổi của tảng băng trôi mà Trung Quốc đã biến nó thành một tảng băng trôi. Trung Quốc đã sẵn sàng chịu đựng những sóng gió mà tảng băng trôi này có thể mang lại", chuyên gia Charles Chang của S&P Global Ratings nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Tài chính toàn cầu chao đảo do lo ngại “quả bom nợ” Evergrande


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày