Người Tiên Phong

“Triết gia nhà quê” Nguyễn Hữu Liêm

Nam Minh Thứ Sáu | 02/08/2019 14:50

Ảnh: TL

Tác giả của một loạt tác phẩm triết học mang đến những tư duy mới về phản biện, về lịch sử và văn hóa.
Ảnh: TL

Với nhiều người trong nước, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm là một cái tên khá xa lạ, nhưng trong cộng đồng triết học quốc tế hay giới sinh viên Đại học San Jose City College (California), ông là một nhân vật rất nổi tiếng nhờ tầm hiểu biết sâu rộng, được giới chuyên môn đánh giá là một trong số những triết gia đương đại của cộng đồng nghiên cứu triết học trên thế giới.

“Tôi dạy triết toàn thời gian cho sinh viên Mỹ, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị nặng như đá, cho nên sinh viên tưởng là cao siêu  vì chúng chẳng hiểu mô tê chi cả. Rứa mà lớp học của thầy Liêm lúc mô cũng đông sinh viên  vì tôi liên tục kể chuyện vui đùa kiểu nhà quê làm cho bọn trẻ cười văng bàn, văng ghế. Tôi hành nghề luật sư thì đồng nghiệp gọi tôi là “country lawyer” (luật sư nhà quê), dạy triết thì các giáo sư trong trường kêu là “country philosopher” (triết gia nhà quê)!”, Giáo sư Liêm chia sẻ và tự hào với tên gọi này.

Ngoài lĩnh vực triết học, Giáo sư Liêm còn đam mê viết lách, đặc biệt là các tác phẩm văn chương. Năm 2018, cuốn sách Thời Tính, Hữu Thể Và Ý Chí: Một Luận Đề Siêu Hình Học của ông lần đầu tiên in trong nước. Điều này đã tiếp thêm nhiều động lực cho ông trong việc in ấn tác phẩm của mình tại quê nhà, cũng như tạo điều kiện tương tác với độc giả nhiều hơn nữa.

“Triet gia nha que”  Nguyen Huu Liem

Mới đây, ông đã giới thiệu đến độc giả Việt Nam quyển bút ký Cám Dỗ Việt Nam, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản. Nếu Thời Tính, Hữu Thể Và Ý Chí: Một Luận Đề Siêu Hình Học đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ thời và ý chí, thì Cám Dỗ Việt Nam lại đi vào từng mảng đề tài cụ thể để kiến giải mệnh đề sử tính dân tộc Việt mà ông trăn trở.

Bút ký bao gồm 26 những câu chuyện ngắn về nhiều vùng địa danh, sự kiện mà tác giả dấn thân, trong đó ẩn chứa nhiều suy tư triết học và xu thế phát triển của thời đại. Tác phẩm không những truyền tải những câu chuyện thực tế và trải nghiệm của chính tác giả, mà còn nêu bật vẻ đẹp, sự bình dị của làng quê Việt Nam. Một vẻ đẹp mà theo nhận định của tác giả, là ma mị và khó lòng cưỡng lại.

Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm còn là tác giả của hàng loạt các tác phẩm về triết học, tư duy phản biện hay lịch sử khác như Dân Chủ Pháp Trị, Tự Do Và Đạo Lý, Sử Tinh Và Ý Thức. Ông còn là nguyên chủ nhiệm Tập san Triết, xuất bản ở Mỹ vào thập niên 1990.

Điểm tựu trung trong những quyển sách của ông là cách nói trực diện, không ngại va chạm. Mong muốn của ông là giúp thế hệ trẻ ngày nay thay đổi tư duy, mạnh dạn thay đổi để khẳng định giá trị của riêng mình và từ đó giúp dân tộc phát triển cường thịnh hơn. “Vì bản thân ta rất bảo thủ, nên chỉ có những cái không là ta, năng lực ngoại thân dùng cái búa của nó đập vỡ cái “ta” thì mới khiến chân giá trị lộ diện và giúp “ta” trưởng thành”, Giáo sư Liêm nói.

Không ai muốn nhìn lại vết thương hai lần, vì sự đau đớn về hoài niệm sẽ còn sâu sắc hơn vết thương khi mới bị bắt đầu. Nhưng Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm lại lựa chọn khác khi quyết nhìn thẳng vào vết thương của lịch sử và văn hóa, đặc điểm con người Việt làm đối tượng phân tích.

Không những thế, ông còn muốn mở rộng và rạch mạnh vào vết thương để cho mủ máu nhiễm trùng được tuôn thoát ra ngoài. “Vì tựu trung thì con người Việt Nam tự bản sắc là một hiện tượng tinh thần trong một bản sắc tư duy, tâm lý và ý chí muốn vươn thoát cơ năng thân xác, căn cước tính vốn đầy thương tích và gian khổ. Trong bối cảnh tâm khảm ấy, trong khả thể vượt thoát cái gì đã là chính mình, tôi đã viết lên những dòng chữ này từ hai thập niên trước, trong lúc ở nước ngoài, như là một sự soi chiếu vào chính mình để suy niệm lại về tổng thể lịch sử văn hóa, con người và xã hội Việt Nam mà chính tôi là một phần nhỏ bất khả phân”, Giáo sư viết trong cuốn Cám Dỗ Việt Nam.

“Triet gia nha que”  Nguyen Huu Liem

Bên cạnh niềm đam mê triết học và viết sách, Giáo sư Liêm còn quan tâm đến lĩnh vực Phật giáo, đồng thời có những bài thuyết trình về chỗ đứng, xu thế phát triển của đạo Phật trước làn sóng ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây.

Sinh ra từ vùng đất chiến tranh Quảng Trị, ông rời quê hương đến Mỹ sau sự kiện 1975. Ông học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi học thạc sĩ về quản lý công ở Đại học Texas. Về California công tác, ông tiếp tục học chuyên ngành luật.

Ông tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, đồng thời mở một hãng luật tại Mỹ. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục trở lại đại học để lấy bằng thạc sĩ triết học tại San Jose State University và tiến sĩ triết học tại California Institute for Integral Studies.

Ở Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm tham gia làm thỉnh giảng tại một số trường đại học, tư vấn về luật quốc tế. Mới đây, ông còn nhận lời giữ vai trò cố vấn trong Hội đồng Phát triển triết học Việt Nam nhằm cống hiến nhiều hơn cho quê hương, cũng như góp phần thay đổi cách suy nghĩ, cải thiện tư duy phản biện, ham học hỏi cho giới trẻ.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày