Phong Cách Sống

A.I soạn nhạc

Thùy Phạm Thứ Năm | 16/01/2020 14:47

Ảnh: Quý Hòa.

Khi trí tuệ nhân tạo (A.I) hòa trong dòng chạy sáng tạo của những người nhạc sĩ...
Ảnh: Quý Hòa.

Trong kỷ nguyên 4.0, nhiều quan điểm đồng ý rằng trí thông minh máy tính một ngày nào đó sẽ ngang bằng hoặc vượt qua trí thông minh của con người. Nhưng có một vấn đề vẫn còn gây tranh cãi: Sau đó, điều gì sẽ xảy ra? Một số người cho rằng đó sẽ là ngày tận thế khi robot xâm chiếm loài người, một số khác lại cho rằng đây sẽ là thời kỳ thịnh vượng nhất mà con người từng trải qua nhờ sức sáng tạo vượt trội.

Với Alex Bates, nhà sáng lập công ty phát triển nền tảng AI Mtelligence, con người sẽ bước vào thời kỳ hạnh phúc và thịnh vượng nhất của mình nhờ trí tuệ nhân tạo (A.I). Đó là khi hệ thống A.I tìm ra được những điều kiện để con người đạt được trạng thái dòng chảy sáng tạo. Hệ thống máy tính từ đó có thể thiết kế lịch hoạt động thường nhật cho chúng ta, loại bỏ những yếu tố gây gián đoạn và tính toán lượng thời gian hợp lý để dễ dàng đưa con người vào trạng thái tư duy sáng tạo nhất.

Nhạc sĩ A.I

A.I từ lâu đã được đưa vào hệ thống gợi ý nhạc cá nhân hóa, tự động nhận diện và phân loại nhạc. Gần đây, A.I còn được nghiên cứu tích hợp vào lĩnh vực sáng tác và tiềm năng sẽ thay đổi cách thức sáng tạo của nhạc sĩ trong thời đại 4.0.

 

“Khi nhắc tới A.I, dân trong ngành hay định nghĩa nó là giải quyết bài toán. Trong âm nhạc, bài toán này là viết nhạc, đầu vào của nó là nốt nhạc, đầu ra của nó là giai điệu. Mình phát triển dự án này với mong muốn đầu tiên là khuyến khích mọi người cùng ứng dụng A.I vào âm nhạc, hai là muốn hỗ trợ các nhạc sĩ sáng tác nhạc nhanh chóng hơn”, anh Nguyễn Hoàng Bảo Đại, giảng viên VietAI, một tổ chức xây dựng cộng đồng A.I tại Việt Nam, đang theo đuổi dự án ứng dụng A.I vào âm nhạc Việt, cho biết.

Lợi ích của việc ứng dụng A.I vào âm nhạc đã được minh chứng trong nhiều dự án trên thế giới. Tiêu biểu như Google vừa thực hiện A.I được đào tạo đặc biệt để có thể sáng tác bài hát theo phong cách của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach huyền thoại, nhân kỷ niệm ngày sinh của ông. Dự án được chuẩn bị trong khoảng 3 năm. Để đào tạo cho anh chàng “nhạc sĩ” của mình, Google đã phải dùng hơn 305 tác phẩm của Bach. Một sản phẩm tạo ra bởi A.I này chỉ cần chưa tới một giờ, nhưng được khán giả đánh giá không thua gì Bach thật sự.

Hay nhạc sĩ Pierre Barreau đã trình bày dự án “tạo bản nhạc riêng cho đời bạn với A.I” trong một chương trình Ted Talk. Nhạc sĩ A.I có tên là AIVA, một trí tuệ nhân tạo đã được học về soạn nhạc bằng cách đọc hơn 30.000 tác phẩm vĩ đạt nhất trong lịch sử. “Trước đây, sáng tác âm nhạc truyền thống là một quá trình thử và lỗi, không phải lúc nào ta cũng chọn được đúng nốt, vốn kéo dài từ năm này qua năm khác cả thập niên. Nhưng với AIVA, sau khi được học hỏi như một nghệ sĩ, một nhạc sĩ và một nhà soạn nhạc, thời gian này giảm xuống còn khoảng 2 giờ”, anh Bảo Đại cho biết.

Hoạt động sáng tác của các nhạc sĩ trên thế giới cũng dần trở nên thuận tiện hơn bởi các phần mềm A.I nổi tiếng hiện nay có thể kể tên như Flow Machines, IBM Watson Beat, Google Magenta NSynth Super và Amper Music... Chúng giúp đơn giản hóa quá trình sáng tạo và giúp giảm rất nhiều nhiều thời gian trong khâu điều chỉnh bản nốt, nhịp trống hay đơn giản hơn là việc khi nhạc sĩ cạn ý tưởng.

Theo số liệu tổng hợp từ 5 nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam năm 2019, một ca khúc độc quyền để cho ra mắt album có giá dao động từ 1.000-3.000USD, nếu bao gồm cả chi phí sản xuất cho một bản audio hoàn chỉnh thì lên đến 5.000USD tùy thuộc vào độ “hot” của nhạc sĩ. Thời gian sáng tác trung bình từ 1-6 tháng, còn nếu có sự hỗ trợ của A.I thì có thể rút ngắn thời gian xuống còn 1/3, giúp cho nhạc sĩ , tập trung vào những khâu quan trọng hơn, gia tăng chất lượng sản phẩm.

Khai phá lối đi mới

“Nhưng đa số các phần mềm hiện tại chỉ sử dụng cho nhạc cổ điển là nhiều, người ta chỉ phát triển nhạc cổ điển, ít nhạc Pop, còn bài toán của mình là trẻ hóa và là nhạc Việt”, anh Bảo Đại giải thích. Dự án A.I mà “nhạc sĩ IT” này đang phát triển đã cung cấp được 8.000 giai điệu nhạc Việt. Người dùng chỉ cần đưa cho máy vài nốt nhạc, máy sẽ tự động đoán được thể loại mình muốn viết là nhạc Pop,  Ballad hay Hiphop. Sau đó, người dùng tiếp tục viết lời, phối khí để có một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhận biết được sự thay đổi nhanh chóng đó, các công ty sản xuất âm nhạc Việt Nam đang sử dụng A.I vào hỗ trợ sản xuất.

 

“Khi đầu tư A.I vào âm nhạc, khâu khó nhất là xây dựng nguồn dữ liệu, quá trình đó chiếm 80% trong cả quá trình. Lĩnh vực này rất có tiềm năng nếu showbiz Việt Nam thực hiện công nghệ A.I trong tương lai”, anh Bảo Đại cho biết thêm. Tuy nhiên, điểm yếu của âm nhạc được tạo ra bằng A.I là dù chúng khá dễ nghe và cũng có sức thuyết phục riêng, nhưng xét về mặt cảm xúc thì vẫn chưa thể bằng các bài nhạc do con người thực hiện. Tương lai gần, A.I sẽ vẫn là công cụ hỗ trợ chứ chưa thể thay thế được nhạc sĩ.

Tác động dự án ứng dụng A.I của anh Bảo Đại chưa thể đánh giá ngay được vì thính giả ở Việt Nam vẫn quen với những giai điệu tương đối giống nhau, nguồn vào của A.I chỉ mỗi nhạc Việt sẽ kém phong phú hơn so với các thể loại khác và khó tạo được sự bứt phá. Thêm vào đó, vấn đề bản quyền sẽ tạo ra không ít khó khăn cho việc ứng dụng A.I vào âm nhạc.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là một bước tiên phong của giới trẻ Việt trong xu hướng ứng dụng A.I trên toàn cầu. Các phần mềm A.I sẽ là những công cụ mạnh mẽ và cộng sự đắc lực cho quá trình viết nhạc của con người nếu biết sử dụng hợp lý. Nhạc của A.I chắc chắn vẫn chưa thể đạt được những giải thưởng về âm nhạc, hay tạo ra các bài nhạc chất lượng như trong phim Mắt Biếc, nhưng ứng dụng vào làm nhạc game, nhạc tình huống, gameshow thì hoàn toàn khả thi.

►Âm nhạc thúc đẩy phát triển kinh tế?


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày