Phong Cách Sống

Lời khuyên về tài chính của các tỉ phú

Việt Hà Thứ Năm | 03/09/2020 17:19

Ông Ramit Singh Sethi. Ảnh: CNBC.

Trên thế giới có hàng tỉ người nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó trở thành tỉ phú. Và dưới đây là lời khuyên về tài chính của họ.
Ông Ramit Singh Sethi. Ảnh: CNBC.

Yêu cầu những gì mình muốn

CNBC đã lấy ví dụ về việc đàm phán mức lương trong công việc. Việc đàm phán lương và những phúc lợi không phải một cuộc trò chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, để đi đến thỏa thuận và đạt được thì bạn cần đàm phán và yêu cầu những gì mình muốn.

Theo bà Sallie Krawcheck, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Ellevest, một cố vấn tài chính kỹ thuật số cho phụ nữ ra mắt vào năm 2016 “Về mặt thương lượng lương của bạn, thời điểm thích hợp là ngày hôm qua. Và nếu bạn không làm điều đó ngày hôm qua, thì thời điểm thích hợp là hôm nay”.

Cuộc sống vốn không phải là câu chuyện cổ tích. Đừng nghĩ đến việc bạn làm việc chăm chỉ thì ông già Noel sẽ mang quà đến và bạn sẽ được tăng lương. Việc đàm phán về mức lương nên được thực hiện trước đó, và bạn phải có những nghĩa vụ đi kèm với những quyền lợi mà bạn yêu cầu.

Lời khuyên của tỉ phú Warren Buffett. Ảnh: VH, CNBC.
Lời khuyên của tỉ phú Warren Buffett. Ảnh: CNBC, VH. 

Đầu tư vào bản thân

Theo huyền thoại đầu tư Warren Buffett, khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể thực hiện không liên quan trực tiếp đến tiền đó chính là đầu tư vào bản thân mình.

“Cho đến nay, khoản đầu tư tốt nhất mà bạn có thể thực hiện là việc đầu tư vào chính mình. Cách tốt nhất để bắt đầu là cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn. Nếu bạn không thể giao tiếp với ai đó, nó giống như nháy mắt với một cô gái trong bóng tối. Chẳng có gì xảy ra. Bạn phải có khả năng đưa ra ý tưởng của mình”, ông Buffett nói.

Cũng theo ông, việc rèn giũa kỹ năng này thậm chí có thể làm tăng giá trị bản thân của bạn lên 50%.

Tiết kiệm và đầu tư

Theo các tỉ phú, con đường từ Người tiết kiệm-Nhà đầu tư là con đường dễ dàng nhất để trở thành triệu phú.

Ông Tom Corley, nhà hoạch định tài chính cho rằng có 4 con đường chính để trở thành triệu phú, và con đường tiết kiệm-đầu tư là con đường dễ dàng nhất. Kết luận này của ông được đưa ra sau nhiều năm phỏng vấn và nghiên cứu các hoạt động hằng ngày, thói quen và đặc điểm của 233 cá nhân giàu có.

Ông
Ông Tom Corley, nhà hoạch định tài chính. Ảnh: CNBC, VH. 

Nhóm “Người tiết kiệm-Nhà đầu tư” thường có thu nhập thuộc tầng lớp trung lưu, chi phí sinh hoạt thấp và tiết kiệm được 20% thu nhập trở lên. Điều quan trọng là, “họ bắt đầu đầu tư tiền tiết kiệm từ rất sớm và tiếp tục làm như vậy một cách thận trọng trong nhiều năm,” ông Corley nói.

Ông cũng cho biết thêm “Bất kể công việc hàng ngày của họ là gì, nhóm này đã coi tiết kiệm và đầu tư là một phần thói quen của họ; họ đã không ngừng suy nghĩ về những cách thông minh để phát triển sự giàu có của mình. ”

Theo ông Tom Corley, đối với việc tiết kiệm và đầu tư, nếu bạn bắt đầu sớm , nó hầu như luôn đảm bảo sẽ kiếm được nhiều tiền. “Những nhà đầu tư tiết kiệm trong nhóm của tôi đã đạt được 1 triệu USD đầu tiên vào khoảng giữa đến cuối tuổi 30 và tích lũy giá trị ròng trung bình là 3,3 triệu USD vào giữa những năm 50 của họ”, ông nói.

Ông
Ông Ramit Singh Sethi, một cố vấn tài chính cá nhân và doanh nhân người Mỹ. Ảnh: CNBC, VH. 

Bắt đầu ngay hôm nay

Nếu bạn muốn xây dựng sự giàu có, hãy ngừng viện cớ và bắt đầu ngay hôm nay. Theo ông Ramit Singh Sethi, một cố vấn tài chính cá nhân và doanh nhân người Mỹ “Yếu tố quan trọng nhất để làm giàu là sự bắt đầu, chứ không phải là sự thông minh”.

Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát, bắt đầu từ những suy nghĩ và niềm tin của bạn là lời khuyên ông Sethi đưa ra.  Nếu bạn mô tả mình là người dở chuyện tiền bạc thì có lẽ bạn sẽ tiếp tục vật lộn với những vấn đề đấy. Thay vào đó, bạn hãy thử suy nghĩ “tôi chưa học được các kỹ năng quản lý tiền của mình, nhưng tôi sẽ học”, điều này sẽ tích cực hơn nhiều. Cách tư duy và lời nói về tiền bạc sẽ có tác động rất lớn đến vấn đề của bạn.

Sau khi thay đổi cách nói và suy nghĩ về tiền, bạn có thể đặt mục tiêu cụ thể và lập kế hoạch hành động để thực sự thay đổi hành vi của mình với tiền. “Vẫn chưa muộn. Hãy kiểm soát, bạn có thể làm được”, ông Sethi nói.

►10 bài học kinh doanh từ cựu Chủ tịch Starbucks


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày