Nhật ký COVID-19

Đi qua dịch bệnh, tình người vẹn nguyên

Viết Nguyên Thứ Ba | 14/04/2020 16:15

ads

Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng tại Huế.

Thiện nguyện hướng tới những người hùng thầm lặng hay nhóm người chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh. Không chỉ tức thời mà còn nhắm đến sự lâu dài.
Siêu thị Hạnh phúc 0 đồng tại Huế.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn chưa đến hồi kết, thậm chí trong giai đoạn khốc liệt trước nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Những ngày tháng vừa qua và cả thời gian sắp tới, bao gian khổ và hy sinh vì cộng đồng của những y bác sĩ đầu tuyến chống dịch bệnh khó có thể diễn tả hết bằng lời. Họ ngày đêm căng mình trước những nguy cơ cho bản thân, xa cách gia đình để giúp cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, dốc sức giành giật mạng sống của các bệnh nhân từ virus chết người. 

Không chỉ có những y bác sĩ mà còn những người hùng thầm lặng khác giữ vững cuộc sống xã hội như những tình nguyện viên, những người lái xe công cộng, những người giao hàng đến từng nhà trong thời gian giãn cách xã hội, những nhân viên dịch vụ ăn uống, những giáo viên và người chăm sóc trẻ em đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong cuộc sống hiện tại, ngày đêm góp phần chung tay ngăn đại dịch.
Để tri ân những người đang không quản ngại khó khăn to lớn, âm thầm thực hiện rất tốt trách nhiệm với cộng đồng, cứu giúp những mạng sống, Google khởi xướng Tuần lễ tri ân từ ngày 13.4 đến 19.4, thể hiện qua những Doodle biểu trưng lời cảm ơn chân thành lần lượt đến những người hùng thầm lặng. TikTok phát động Chiến dịch #ThankYouHero, kêu gọi người dùng cùng chung tay gửi lời tri ân đến đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ y tế đang chiến đấu chống COVID-19 tại Việt Nam. Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách, TikTok Việt Nam, chia sẻ: “Hình ảnh các y, bác sĩ, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đến từng ngõ, gõ từng nhà, tận tuỵ với từng bệnh nhân đã khiến mỗi người dân cảm thấy xúc động và biết ơn sâu sắc!".

Trong khi đó, HSBC Việt Nam dành 3 tỉ đồng để hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nhất ở Việt Nam, cũng là những người chịu tác động nặng nề do dịch bệnh. Không chỉ đáp ứng những nhu cầu tức thời, chương trình hướng đến mục tiêu giúp tăng “sức đề kháng” cho những đối tượng này để họ có thể đối mặt với những khủng hoảng tương tự trong tương lai, từ đó tạo ra tác động tích cực lâu dài cho cộng đồng. Đây là chương trình do HSBC Việt Nam hợp tác với các tổ chức phi chính phủ giàu kinh nghiệm như Sáng Hội Cô Nhi Toàn Cầu (WWO), Quỹ VinaCapital và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI).

Chương trình bao gồm 3 dự án, hướng đến hỗ trợ khoảng 10.000 người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, bao gồm người nhập cư, người vô gia cư, lao động phi chính thức, trẻ em tàn tật có hoàn cảnh khó khăn và người chăm sóc, các cán bộ y tế và bệnh nhân tại các huyện vùng xa. Ba dự án sẽ cung cấp thực phẩm, nơi ở, thuốc men, vật lý trị liệu, nền tảng giáo dục và chăm sóc tại nhà, hệ thống nước sạch cho người thụ hưởng…

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc và Chủ tịch Ủy ban Phát triển Bền vững của ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Điều đáng nói là tại thời điểm này, ngoài một số dịch vụ thiết yếu được chỉ định như ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động, hầu như tất cả chúng ta đều đang làm việc tại nhà để tuân thủ quy định giãn cách xã hội của chính quyền. Nhưng các tình nguyện viên của những tổ chức này đã chọn ra ngoài để giúp đỡ những người yếu thế nhất, từ đó tạo ra sự thay đổi cho cuộc sống của rất nhiều người. Họ cùng với đội ngũ y bác sỹ là những “chiến sĩ” tuyến đầu trong trận chiến đẩy lùi dịch COVID-19 và chúng tôi muốn cung cấp cho họ những phương tiện để tiếp tục thực hiện sứ mệnh vô giá ấy”.

Bên cạnh những câu chuyện ý nghĩa về ATM gạo, điểm hỗ trợ đồ ăn, thuốc men cho người vô gia cư, bán vé số…, mới đây, Apec Group cũng nhanh chóng mở chuỗi Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng trên cả nước, để chung tay hỗ trợ cộng đồng đẩy lùi COVID-19. Chuỗi Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng có mặt tại 8 tỉnh thành gồm Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Huế và Phú Yên. Tại đây, trong giai đoạn dịch COVID-19, người có hoàn cảnh khó khăn có thể đến để mua lương thực, thực phẩm (gạo, mì, trứng, gia vị...), nhu yếu phẩm (xà bông, thuốc men...), quần áo, sách... 

Mỗi người sẽ được mua trong khoảng 100.000 đồng/lần. Theo đại diện truyền thông của Apec Group, giá niêm yết trên quầy kệ trong siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng chỉ là giá tượng trưng và thường thấp hơn đáng kể so với giá bán ở các siêu thị bên ngoài. Mục đích làm sao cho mỗi người không lấy quá nhiều hàng nhưng có thể mua được lượng hàng hóa đủ dùng trong nửa tháng. Công ty sẽ thiết kế để làm sao để mỗi người có thể mua sắm trong khoảng 2 lần/tháng. Chương trình diễn ra trong mùa dịch COVID-19 và Apec Group dự kiến có thể kéo dài cả sau khi dịch kết thúc.

Nguồn tài chính tài trợ cho chuỗi siêu thị Hạnh phúc 0 đồng lấy từ Quỹ Khai Trí của Apec Group và tiền công nhân viên Apec đóng góp. Lực lượng cộng tác viên, tham gia ở siêu thị cũng là công nhân viên công ty. Đến thời điểm này, dự án huy động được 6 tỉ đồng cho tiền hàng. Apec Group đã dự trữ khoảng 500 tấn gạo và các nhu yếu phẩm để phục vụ cho chuỗi siêu thị.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày