Phong Cách Sống

Doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị được ưu tiên tiêm vaccine

Nhật Minh Thứ Năm | 03/06/2021 15:00

ads

Các siêu thị áp dụng 5K phòng dịch bệnh.

Do đây là nhóm hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng, đồng thời, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân.
Các siêu thị áp dụng 5K phòng dịch bệnh.

Mới đây, Bộ Công Thương đã gửi văn bản gửi Chính phủ kiến nghị người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, chợ truyền thống...) cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine gấp do có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bộ Công Thương cho rằng, việc bổ sung lao động trong ngành bán lẻ hàng hoá thiết yếu vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine gấp nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đây là nhóm hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng; đồng thời, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị ngành y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine, hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Vincommerce  kiêm Tổng Thư ký AVR nêu rõ, hiện nay AVR có hơn 100 doanh nghiệp thành viên gồm các đơn vị sản xuất và bán lẻ với hàng chục nghàn cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống bán lẻ.

Riêng Công ty Vincommerce với hệ thống 122 siêu thị VinMart, 2.500 cửa hàng VinMart+ tại 59 tỉnh thành trên cả nước với 22.206 cán bộ nhân viên, mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, mặc dù tuân thủ tuyệt đối phương án 5K để bảo vệ người tiêu dùng góp phần đẩy lùi đại dịch... nhưng có nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch Covid-19 rất cao.

Chính vì vậy, AVR đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương xem xét bổ sung nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các DN bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19. Đồng thời cho phép các DN ngành bán lẻ đóng góp tài chính để được mua vaccine cho người lao động.

Trước ngành bán lẻ, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất như dệt may, da giày, thuỷ sản hay điện tử... cũng muốn được ưu tiên tiêm vaccine, do phần lớn là các doanh nghiệp có đông lao động tại các khu công nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp đều sẵn sàng chi trả tất cả chi phí để tiêm vaccine cho người lao động, để nguồn lực quốc gia cộng với các nguồn đóng góp khác có thể hỗ trợ khu vực người dân chưa có việc làm hoặc còn nhiều khó khăn về kinh tế.

Chủng virus mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn nên dự báo dịch còn diễn biến phức tạp đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng toàn dân. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam dự kiến cần 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 75% dân số Việt Nam trong năm nay. Bộ trưởng đánh giá số vaccine từ các nguồn cung Nga, Anh và Mỹ đang tiệm cận với mục tiêu này.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hướng tới hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ vaccine. Trong đó, Công ty Vabiotech hợp tác với Nga, dự kiến đến tháng 7 sẽ tiến hành đóng ống, gia công Sputnik V tại Việt Nam, công suất dự kiến 5 triệu liều một tháng. Phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax. Trong đó, Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam vào tháng 5. TP.HCM đề nghị được mua số vaccine này. Tuy nhiên hiện số vaccine này chưa về Việt Nam.

Bộ Y tế mới ký được hợp đồng mua vaccine Pfizer/BioNTech vào ngày 20/5. Hãng dự kiến cung ứng khoảng 31 triệu liều vào quý ba và bốn, mỗi quý 15,5 triệu liều. Hiện chưa rõ ngày về Việt Nam của số vaccine này.

Trong văn bản mới gửi Thủ tướng, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương (Ban IV) kiến nghị cho phép các doanh nghiệp tổ chức tiêm phòng Covid-19 cho nhân viên theo hướng dẫn, các yêu cầu an toàn của Bộ Y tế. Ban IV cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp, tổ chức tư nhân được chủ động đàm phán mua vaccine với các đơn vị cung ứng trên toàn cầu, căn cứ trên danh mục vaccine Bộ Y tế chấp nhận.

Lực lượng tiêm phòng vaccine, theo Ban IV cũng nên được xem xét, mở rộng để đáp ứng yêu cầu tiêm hàng loạt, diện rộng bằng cách huy động không chỉ các cơ sở tiêm chủng mà có thể xét tới các bệnh viện, trung tâm y tế đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày