Phong Cách Sống

TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày từ 0h ngày 31.5

Minh Anh Chủ Nhật | 30/05/2021 16:47

ads

Khách sạn Sheraton TP.HCM bị phong toả sau 1 ca nghi mắc COVID-19.

Thực hiện song song giãn cách xã hội và xét nghiệm toàn thành phố nhằm ngăn chặn kịp thời không cho dịch bệnh lan rộng.
Khách sạn Sheraton TP.HCM bị phong toả sau 1 ca nghi mắc COVID-19.

TP.HCM: Thực hiện song song giãn cách xã hội và xét nghiệm toàn thành phố

Từ 0h ngày 31.5, TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 15, giãn cách xã hội cho toàn TP, riêng Quận Gò Vấp phong tỏa theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra chỉ đạo giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 15 trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Riêng đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), từ 0h ngày 31.5, áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16. Theo đó, nhà giãn cách nhà, khu phố giãn cách khu phố, phường giãn cách phường. TP HCM cũng đồng ý đề nghị dời kỳ thi vào lớp 10 công lập cho đến khi có thông báo mới.

Chỉ thị 15 yêu cầu dừng các sự kiện tập trung trên 20 người; không tụ tập 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; tạm dừng các dịch vụ không cần thiết, chỉ các dịch vụ hàng hoá, thiết yếu được mở cửa... Ngoài ra, lần này thành phố yêu cầu không được tập trung quá 5 người ở nơi công cộng. Việc giãn cách áp dụng từ 0h ngày 31.5.

Cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 tại TP.HCM ngày 30.5
Cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 tại TP.HCM ngày 30.5

Sáng 30.5, tại TP.HCM đã diễn ra cuộc họp khẩn về phòng chống dịch COVID-19. Chủ trì cuộc họp có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. 

Tại cuộc họp,  Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, tại TP.HCM đã có 379 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 177 ca nhiễm trong cộng đồng. Đến nay có 266 trường hợp đã được điều trị khỏi, hiện đang điều trị cho 142 trường hợp. Sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định, không có trường hợp chuyển biến nặng, trừ trường hợp được chuyển đến từ An Giang.

Hiện nay, theo tỉ lệ bệnh nhân trong cộng đồng, ước tính có 13 ca bệnh COVID-19/ 1 triệu dân. Đây là con số đáng báo động. Sở Y tế TP.HCM đề nghị các biện pháp tiếp theo là phong tỏa khu vực.

Biến thể COVID lai

Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã phát hiện một biến thể COVID có vẻ là sự kết hợp giữa chủng Ấn Độ và Anh và lây lan nhanh qua không khí. Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long mô tả biến thể mới nhất này là "rất nguy hiểm" khi dễ lây truyền hơn các loại đã được biết trước đây, đặc biệt là qua đường không khí. 

Theo các chuyên gia, một biến thể của COVID-19 được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái - được gọi là B.1.617.2 - có khả năng lây truyền cao hơn so với biến thể Anh - còn được gọi là B.1.1.7.Các nghiên cứu cho thấy rằng các loại vaccine, chẳng hạn như của Pfizer và AstraZeneca, có hiệu quả cao đối với chủng Ấn Độ sau hai mũi tiêm, nhưng nếu chỉ tiêm một mũi thì dường như giảm hiệu quả.

Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ biến chủng nào của COVID-19 gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn cho đại đa số người dân. Với phiên bản gốc, nguy hiểm vẫn cao nhất ở nhóm người cao tuổi hoặc có tình trạng sức khỏe hay bệnh nền nghiêm trọng. Tuy nhiên, một loại virus dễ lây nhiễm hơn và nguy hiểm tương đương sẽ gây ra nhiều ca tử vong hơn đối với dân số không được tiêm chủng.

Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, miễn dịch cộng đồng

Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và mức độ lây lan hầu như không thuyên giảm đã khiến Chính phủ Việt Nam tăng nhanh tốc độ tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng. 

Người dân tại quận Gò Vấp chờ xét nghiệm. Ảnh: Zing
Người dân tại quận Gò Vấp chờ xét nghiệm ngày 30.5. Ảnh: Zing

Sáng 29.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập một hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn về chống dịch Covid-19. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ dùng mọi biện pháp của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân để tìm mua vaccine cũng như đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.

Trước đây, việc nhập vaccine Covid-19 do Chính phủ trực tiếp đàm phán và một doanh nghiệp là VNVC được ủy quyền nhập khẩu và cung ứng. Tuy nhiên, với chỉ đạo mới, có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động nhập khẩu vaccine, làm tăng cơ hội Việt Nam mua được vaccine của nước ngoài để tiêm cho người dân.

Hiện nay, tại Việt Nam, với số người được tiêm lần một chỉ hơn 1 triệu. Sáng ngày 29.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu của Việt Nam là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021."Cho tới nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra”, ông cho biết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày