Sàn đấu giá Việt thất thế trên sân nhà
Sự thất thế của các nhà đấu giá Việt trên sân nhà, theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, có 3 nguyên nhân. Ảnh: Quý Hòa.
Tuy nhiên, sau khoảng 1-2 năm, các nhà đấu giá này đều đóng cửa hoặc chuyển đổi thành gallery...
Triển lãm phi thương mại lần thứ 2 của nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s vừa kết thúc vào trung tuần tháng 8/2023. Không giống với lần triển lãm đầu tiên, diễn ra cách đây 1 năm, dịp này Sotheby’s cũng chính thức giới thiệu Giám đốc Điều hành tại thị trường Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu nghệ thuật và nhà sưu tầm Việt đều hiểu, việc Sotheby’s mở văn phòng tại TP.HCM chỉ còn là vấn đề thời gian. Ghi nhận trên trang Sotheby’s vào cuối năm 2022 cho thấy, châu Á đang chiếm ưu thế trên thị trường nghệ thuật, vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất, theo doanh số bán đấu giá. Trong bảng xếp hạng 30 nghệ sĩ có doanh số cao nhất tại châu Á năm 2021 do Artprice công bố, Việt Nam có 2 đại diện là Mai Trung Thứ (xếp thứ 20 với 34 bức tranh đã bán) và Lê Phổ (đứng thứ 25 với 54 tranh đã bán).
Tại Đông Nam Á, mặc dù Singapore là điểm hội tụ nhiều triển lãm, trưng bày và đấu giá quy mô, quy tụ nhiều nghệ sĩ và nhà đầu tư trong khu vực, nhưng Việt Nam với không ít nhà sưu tập trong nước lần đầu xuất hiện trước công chúng đã cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của thị trường. Minh chứng cho điều này chính là việc Sotheby’s Hồng Kông đã mở riêng mảng Việt Nam trong các hạng mục đấu giá vào năm 2018.
Theo thông tin trong giới sưu tầm, nhà đấu giá Christie’s cũng đang thăm dò thị trường Việt Nam và dự định mở triển lãm vào cuối năm nay. Millon, nhà đấu giá từng gây chú ý với cuộc đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, cũng đang có dự định tương tự. Sở dĩ có sự thăm dò này là vì các đơn vị này còn nhiều băn khoăn về cơ chế thuế, hành lang pháp lý cho thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
“Để hình thành một sàn đấu giá theo đúng quy chuẩn quốc tế, cần có rất nhiều bộ phận, nhiều yếu tố cấu thành, trong đó có cả cơ chế thuế và hành lang pháp lý để vận hành”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết.
Một thị trường nghệ thuật trưởng thành cần hội tụ đủ 3 yếu tố cơ bản: gallery nghệ thuật, nhà sưu tập và nhà đấu giá. Song song đó là các hội chợ và các giải thưởng nghệ thuật. Thị trường Việt Nam hiện nay chỉ mới dừng ở mức độ sơ khai và chỉ có 2 yếu tố cơ bản tham gia là nhà sưu tập và sự gia tăng của các gallery nghệ thuật. Nhà đấu giá là nơi trung gian giữa người mua và người bán một tác phẩm mỹ thuật và là kênh xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thông qua việc cạnh tranh về giá mua, sức mua, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và thị trường nghệ thuật. Việc vắng bóng các nhà đấu giá uy tín và các hội chợ nghệ thuật tạo ra nhiều hệ lụy.
Theo một nhà sưu tập tại Hà Nội, hạ tầng thiếu đi một phần thì cuộc chơi chuyên nghiệp khó hình thành. Một khi tác phẩm nghệ thuật không được giám định tính nguyên bản với các định chế uy tín, nhà sưu tập rất dễ mất niềm tin vào thị trường. Thực tế, bấy lâu nay, việc mua bán tranh giữa các nhà sưu tập trong nước, hoặc giữa gia đình họa sĩ và nhà sưu tập, đa phần đều diễn ra theo hình thức “thuận mua vừa bán”, tự tìm hiểu nguồn gốc tranh dựa vào kinh nghiệm hoặc nhờ đến giám định tư nhân.
Về lâu dài, những giao dịch như thế khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế không hề nhỏ khi thị trường không thành hình chính thức. “Mặc dù các nhà đầu tư từ lâu đã xem tranh nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung là một dạng tài sản, thậm chí là tích sản, nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chưa công nhận điều này. Việc sang tên hay bán một tài sản giá trị như xe hơi, bất động sản dễ hơn rất nhiều lần so với việc bán tranh”, một nhà sưu tập nói.
Nếu 3 nhà đấu giá kể trên đặt chân đến thị trường Việt Nam thành công và mở những phiên đấu giá đầu tiên, thị trường nghệ thuật trong nước sẽ bước sang một giai đoạn mới. Trước khi các nhà đấu giá quốc tế có động thái hướng vào thị trường Việt Nam, từ năm 2016, trong nước đã xuất hiện các nhà đấu giá do người Việt làm chủ. Đó là Lạc Việt (Hà Nội), Lý Thị (Lythi Auction) tại TP.HCM, Chọn (Chọn Auction House) và PI Auction House tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm trong vận hành và những thiếu sót từ một thị trường non trẻ đã buộc các nhà đấu giá này phải đóng cửa.
Sự thất thế của các nhà đấu giá Việt trên sân nhà, theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, thiếu người thẩm định chuyên môn dẫn đến việc không phân biệt được tranh thật, tranh giả. Thứ 2, thay vì học hỏi từ mô hình của các nhà đấu giá quốc tế để vận hành, các nhà đấu giá này tự động nâng giá, điều khiển thị trường bằng “cò tranh” khiến nhà sưu tập mất niềm tin. Cuối cùng, việc có hay không có các nhà đấu giá này cũng không ảnh hưởng đến thị trường nghệ thuật Việt Nam, tức là không góp phần thúc đẩy thị trường. Nguyên nhân là do không có định hướng phát triển rõ ràng.
Trở lại câu chuyện thu hút nhà đấu giá quốc tế vào Việt Nam, với các nhà sưu tập và đầu tư, đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong nước. Do đó, họ cùng chung kỳ vọng, Nhà nước cần sớm thiết lập các luật dẫn dòng tài chính cũng như điều tiết ở tầm vĩ mô liên quan đến thuế và những định chế tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư... để các đơn vị này xem tranh như một loại tài sản thế chấp hoặc có tính thanh khoản tốt.
Rất khó để các nhà đấu giá Việt có thể cạnh tranh với những nhà đấu giá có uy tín và tuổi đời lâu năm. Tuy nhiên, việc thu hút họ vào Việt Nam với chính sách minh bạch là cơ hội tạo ra thị trường nghệ thuật lành mạnh và đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Từ đó, các nhà đấu giá Việt sẽ có cơ hội cọ sát thực tiễn và vận hành chuyên nghiệp hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ sĩ Opera Minh Minh: Âm nhạc là hành trình khám phá bản thân
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư