Phong Cách Sống

Trở lại bầu trời với "hộ chiếu vaccine"

Mỹ Phùng Thứ Hai | 29/03/2021 14:00

Nhiều nước áp dụng "hộ chiếu vaccine" như một giải pháp sống chung với dịch bệnh. Ảnh: CNN

Hộ chiếu vaccine được kỳ vọng là giải pháp giúp các nước sớm mở cửa biên giới trở lại.
Nhiều nước áp dụng "hộ chiếu vaccine" như một giải pháp sống chung với dịch bệnh. Ảnh: CNN

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ngành đang có những bước chuẩn bị ban đầu để áp dụng giải pháp “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, bên cạnh những lo ngại về hiệu quả của vaccine phòng dịch bệnh, thì việc triển khai “giấy thông hành” này cũng vướng phải những ý kiến phản đối vì lo ngại sẽ gây ra sự phân biệt đối xử giữa người đã tiêm và chưa tiêm, làm trầm trọng thêm sự chênh lệch kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi tất cả các nước đang có xu hướng chuẩn bị hộ chiếu vaccine, Việt Nam cũng nên chuẩn bị cho tình huống này.

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, các hãng hàng không đã mất 371 tỉ USD tổng doanh thu khai thác hành khách vào năm 2020. Vì vậy, với sự xuất hiện của các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã đưa ra những ý tưởng mới về việc làm thế nào hộ chiếu vaccine có thể từ từ cho phép xã hội mở cửa trở lại, giúp hàng không cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác sớm hồi phục.

Việc ra mắt Giấy chứng nhận Sức khỏe Du lịch Quốc tế của Trung Quốc mới đây là một trong những hộ chiếu vaccine đầu tiên trên thế giới, có thể cách mạng hóa ngành du lịch trong bối cảnh dịch bệnh khiến du lịch toàn cầu tê liệt. Thỏa thuận giữa các chính phủ có thể từ từ mở rộng hộ chiếu vaccine xuyên biên giới, cho phép tiếp cận với trải nghiệm du lịch bình thường. Singapore và Malaysia đang thảo luận về “sự công nhận lẫn nhau về chứng nhận vaccine với các nước quan tâm”.

Ảnh: CNN.
Ảnh: CNN.

Đầu tháng 3, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirankul cho biết kể từ tháng 4, thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách nước ngoài nhập cảnh đã được tiêm vaccine giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Chính phủ Đức khẳng định ủng hộ kế hoạch triển khai hộ chiếu vaccine của châu Âu, đồng thời cam kết đảm bảo có thể cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số này đúng thời điểm từ ngày 1.6.

 

Câu hỏi được đặt ra là “liệu hộ chiếu vaccine có hoạt động hay không?”. Năm ngoái, “bong bóng du lịch” đã được chính phủ Singapore, Hồng Kông, Úc và New Zealand thảo luận sôi nổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại không có kiểm dịch giữa các quốc gia có tỉ lệ nhiễm COVID-19 thấp. Nhưng cho đến nay, chúng vẫn chưa thành hiện thực trên quy mô lớn vì lo ngại lây nhiễm.

Tương tự như vậy, khó có thể chắc chắn rằng hộ chiếu vaccine sẽ giữ cho các quốc gia an toàn khỏi bị lây nhiễm. Bởi lẽ, các nhà khoa học chưa có đủ thông tin về việc liệu vaccine có ngăn ngừa lây truyền virus hay không. Hồi tháng 1, do thiếu dữ liệu về tính an toàn của vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo các quốc gia không cấp hộ chiếu vaccine.

Với những quan điểm khác nhau về tính hiệu quả và tính chính trị của giấy thông hành vaccine, không có gì ngạc nhiên khi có sự không thống nhất giữa các chính phủ. Chẳng hạn, hộ chiếu vaccine của Trung Quốc chỉ hoạt động với vaccine của Trung Quốc. Trong khi đó, chứng chỉ của EU sẽ chỉ hoạt động với 4 loại vaccine được chấp thuận sử dụng ở đó.

Tất cả những lo ngại trên cũng không ngăn cản một số tổ chức và công ty tư nhân đưa ra khung hộ chiếu vaccine riêng. Đặc biệt là các hãng hàng không, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trưởng nhóm nghiên cứu Yuichi Yamada tại Japan Travel Bureau Foundation, cho biết: “Nếu các hãng hàng không đợi thêm 2 năm nữa, phần lớn mọi người sẽ được tiêm chủng hoặc có kháng thể, các chuyến bay quốc tế dự kiến sẽ quay trở lại bình thường mà không cần hộ chiếu vaccine”.

 

ASEAN đang xem xét giới thiệu chứng chỉ vaccine COVID-19 kỹ thuật số phổ biến cho cả khu vực. Việt Nam cũng đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua QR Code. Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở.

Việc quản lý hệ thống hồ sơ sức khỏe của người dân tích hợp thông tin tiêm chủng, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân thống nhất, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm chủng mà còn kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong bối cảnh có dịch bệnh. Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4.2021.

Có thể bạn quan tâm:

► Đi khắp nơi với "hộ chiếu vaccine"


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày