Bảo tồn Cỏ bàng

Thanh Hằng Thứ Bảy | 29/12/2018 07:30

Khai thác bền vững đồng cỏ bàng Phú Mỹ lưu giữ hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Llong và tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Trào lưu sống xanh đưa vào cuộc sống thị thành một sản phẩm từ loại cây cỏ dân dã là ống hút cỏ bàng. Tuy nhiên, ngay tại đồng cỏ bàng lớn nhất nước ở Phú Mỹ thuộc tỉnh Kiên Giang, có một cô gái từ chối sản xuất loại ống hút này cho những nhà hàng cao cấp, để theo đuổi một giá trị bền vững hơn.

Loài thân cỏ rỗng ruột bên trong thường được thu hoạch khi cao trên 1m. Từ gốc lên ngọn, màu chuyển từ vàng nhạt khi gần gốc lên xanh mướt từ giữa thân đến ngọn, độ cứng cũng giảm dần theo chiều dài thân. Với độ dài mỗi ống hút khoảng 25cm, một cây cỏ bàng sẽ làm ra được 3 ống hút, nhưng người lấy hàng sỉ chỉ chọn lấy loại đều đặn vừa vặn ở giữa. “Ý nghĩa của việc dùng ống hút cỏ bàng sẽ không còn khi lợi ích (xã hội) thu được còn ít hơn chi phí sản xuất (cả cây cỏ)”, Trương Anh Thơ, cô gái 31 tuổi phụ trách tìm đầu ra cho sản phẩm của toàn vùng cỏ bàng Phú Mỹ, nói.

Vì vậy, mặc dù đã đi kiểm định chất lượng, đã sản xuất 2.000 sản phẩm mỗi ngày, Thơ vẫn gác lại ống hút để theo đuổi các sản phẩm đan lát truyền thống có tính bền vững hơn. Đó cũng là giá trị mà dự án Thơ đã từng tham gia với tư cách điều phối viên - dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ - vươn đến.

Bao ton Co bang

Đạt giải thưởng Xích đạo của UNDP năm 2006, dự án này nhằm bảo tồn vùng Phú Mỹ còn sót lại của vùng đất ngập nước nguyên thủy của đồng Hà Tiên, tọa lạc tại góc Tây Nam đồng bằng sông Cửu Long. Điểm đặc biệt của dự án là không những bảo tồn hệ sinh thái độc nhất của vùng, mà còn tạo nơi sinh sống cho loài chim quý hiếm chỉ có ở bán đảo Đông Dương - sếu đầu đỏ.

Được khởi xướng bởi Giáo sư Trần Triết thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, dự án nhằm đảm bảo việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sẽ đem đến lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Thành công của dự án tạo tiền đề cho Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ có diện tích khoảng 2.700ha ra đời năm 2016.

Người dân địa phương vẫn được phép vào khai thác cỏ bàng trong vùng bảo vệ với diện tích hơn 800ha để làm nguyên liệu cho nghề đan lát truyền thống. Dự án đã giải quyết được nạn khai thác cỏ bàng quá mức. Cỏ bàng được nhổ bằng tay để đảm bảo khả năng tái sinh, chỉ chọn những cây dài trên 1m, sau khoảng thời gian trồng từ 8-10 tháng. Những cây cỏ cao đến 2/3 người lớn được tỉ mỉ nhổ bằng tay, bó thành những bó vừa ôm rồi đem phơi vài con nắng cho khô. Trước đây, cỏ khô được giã bằng những cây chày lớn, nhưng giờ đã có máy ép các bó cỏ mềm dẻo dẹt ra đủ độ làm nguyên liệu đan lát.

Từ khi có dự án, những chiếc giỏ, tấm lót cỏ bàng ngày trước chỉ quanh quẩn xóm làng nay được xuất khẩu đi các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ, Nhật... Người thợ ngày trước chỉ làm những món đồ đơn sơ giá vài chục ngàn đồng thì nay làm được những phụ kiện cao cấp giá đến vài trăm ngàn đồng.

Hơn 500 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, với các sản phẩm chính như túi thời trang, đồ gia dụng, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng và bao bì thương hiệu được sáng tạo ra. Ngoài việc tăng thu nhập cho người lao động, những sản phẩm thủ công mới không tiêu tốn nhiều nguyên liệu thô như các sản phẩm truyền thống, giúp giảm áp lực khai thác nguyên liệu cỏ bàng.

Dự án đã thành công trong việc phát triển làng nghề bền vững, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương, một nửa trong số đó được đào tạo thành công nhân may đan lành nghề. Thu nhập bình quân của người dân tăng gấp 5 lần, doanh thu ước đạt 2 tỉ đồng/năm.

Bao ton Co bang

Dự án nào cũng có hồi kết. Đó là lúc Thơ quyết định thành lập Doanh nghiệp xã hội CIM với suy nghĩ muốn thay đổi việc “sau dự án, cộng đồng sẽ quay lại như cũ”. Ra đời vào tháng 5.2018, CIM dự định ra mắt thương hiệu thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng có tên Mekong Craft. Hiện nay, tuy sản phẩm đan lát của làng nghề Phú Mỹ đang được xuất khẩu sang các nước phát triển nhưng chỉ là các sản phẩm có giá trị không cao. Những mặt hàng giá trị cao như giỏ xách, nón... lại chủ yếu gia công, bán sỉ cho các cơ sở khác trong nước.

“Khó khăn nhiều lắm. Doanh thu chưa đủ bù chi phí”, Thơ nói. Đó là khó khăn về tay nghề và óc sáng tạo của thợ, yêu cầu chất lượng khắt khe của các sản phẩm có giá trị cao, chi phí vận chuyển lớn, dẫn đến hàng xuất khẩu kém cạnh tranh; ở trong nước lại bị “lép vế” trước hàng Trung Quốc có giá rẻ, mẫu mã đẹp (tuy chất liệu là nhựa hay giấy, không phải thiên nhiên). 

Nhưng tin tưởng vào tương lai, Thơ dự định ban đầu Công ty sẽ thuê 5ha ruộng lúa để đổi sang trồng cỏ bàng vào năm 2019, nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu và hạn chế xâm phạm tác động đến khu bảo tồn. Thơ cũng hy vọng với mô hình canh tác cỏ bàng, bà con địa phương sẽ đổi hướng canh tác trở lại và mở rộng diện tích cỏ bàng trên vùng đất phèn này


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày