Hội chứng “rừng trọc” ở Việt Nam

Phạm Vi An Thứ Tư | 10/04/2019 09:00

Là tâm điểm về đa dạng sinh học, nhưng việt nam đang chứng kiến sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã.

Là tâm điểm về đa dạng sinh học, nhưng việt nam đang chứng kiến sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã.

Không ngoa khi nói rằng Việt Nam là một trong những tâm điểm của thế giới về tính đa dạng sinh học. Có 30 vườn quốc gia tại Việt Nam, nơi sở hữu các quần thể động vật không thua kém các vườn thú safari nổi tiếng là Kenya và Tanzania. Thực vậy, hàng trăm loài thực vật và động vật mà giới khoa học chưa từng phát hiện lại được khám phá ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua và ngày càng nhiều loài được ghi nhận mỗi năm.

Chẳng hạn, Sao la là loài động vật trên cạn lớn nhất được phát hiện kể từ năm 1937. Sao la được xếp hạng ở mức nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam. Không chỉ Sao la, còn có những quần thể nhỏ các loài tê giác vắng bóng từ lâu, loài hoẵng và thỏ vằn. Và nhiều loài chim, loài cá, rắn và ếch cho đến nay chưa ai biết hoặc bị cho rằng đã tuyệt chủng cũng đã xuất hiện tại đây. Những khu rừng của Việt Nam là ngôi nhà của hàng chục loài linh trưởng như vượn, khỉ đuôi ngắn, cu-li, voọc với nhiều màu sắc sặc sỡ.

Hoi chung “rung troc” o Viet Nam
 

Tính đa dạng sinh học đã thôi thúc vợ chồng Stephen Nash, tác giả của cuốn “Grand Canyon for Sale - Public Lands versus Private Interests in the Era of Climate Change”, đến Việt Nam sau khi nhận được một email quảng cáo từ Vườn Quốc gia Cúc Phương với những lời giới thiệu rất hấp dẫn như “Rừng nguyên sinh với gần 2.000 loài thực vật, sinh sống tại nơi đó là những loài động vật rất quý hiếm như báo gấm, voọc mông trắng...”. Nhưng khi Stephen sắp xếp chuyến đi đến Vườn Quốc gia Cúc Phương, những nhân viên du lịch mà vợ chồng ông liên hệ đã tỏ ra ngại ngần. “Họ cứ cố thuyết phục chúng tôi đi thăm các nơi chỉ thuần về phong cảnh hoặc thăm các thành phố”, ông cho biết. Sau đó, ông nhận được một email viết rằng “Bạn đã từng đến Việt Nam chưa hoặc đã biết về tình hình ở đó? Nơi đó rất tàn khốc... Tại Việt Nam, các vườn quốc gia chủ yếu chỉ tồn tại trên danh nghĩa và nạn săn bắt trộm và tệ hơn thế đã làm hủy loại các loài hoang dã”.

Những cuộc gọi đến cho các nhân viên bảo tồn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã giúp Stephen Nash hiểu được phần nào. Quả thật Việt Nam là tâm điểm của tính đa dạng sinh học nhưng đồng thời cũng là “trung tâm” của thế giới về nạn buôn lậu động vật hoang dã.

Những quần thể động vật hoang dã vốn dĩ chứng kiến nơi sinh sống của chúng bị tàn phá do dân số con người bùng nổ nay cũng bị bắn, giết hại, đặt bẫy hoặc bắt sống. Vấn nạn này tồi tệ đến nỗi các vườn quốc gia và các khu vực tự nhiên khác hiện bị rơi vào “hội chứng rừng trọc” khi ngày càng nhiều động vật bị săn bắt đến mức đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Rất nhiều loài mới đã biến mất ngay cả trước khi giới khoa học phát hiện.

Thực vậy, số lượng giống loài đang giảm mạnh một cách đáng báo động ở Việt Nam. Chẳng hạn, trong một khu bảo tồn quốc gia dành riêng cho Sao la và các loài động vật quý hiếm khác, 23.000 cái bẫy săn bắt đã được tìm thấy vào năm 2015 (số liệu có được gần nhất). Thêm hàng chục ngàn cái bẫy được giăng mỗi năm, với tốc độ đặt bẫy nhanh không kém tốc độ bẫy bị tịch thu, tháo gỡ.

Hoi chung “rung troc” o Viet Nam
 

Mặc cho những cuộc khảo sát chuyên sâu, không có dấu hiệu của một con Sao la nào kể từ khi một tấm hình chụp một con sao la cách đây 6 năm. Con tê giác gần đây nhất đã bị bắn hạ bởi những tay săn trộm tại Vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2000. Các con hổ cũng đã bị săn bắt quyết liệt gần như tuyệt chủng. Nhiều loài linh trưởng cũng có nguy cơ tuyệt chủng.

Một số vật phẩm săn được được dùng làm thuốc Đông y cổ truyền ở Việt Nam và Trung Quốc (như mật gấu được xem là phương thuốc trị ung thư). Các khảo sát cũng chỉ ra tình trạng tiêu thụ thịt động vật hoang dã ở các nhà hàng nội thành vì “ăn chúng được xem là một cách thể hiện địa vị, đẳng cấp”, Barney Long, Giám đốc bảo tồn các loài động vật cho tổ chức Global Wildlife Conversation, cho biết.

Sau một thời gian tìm hiểu sâu hơn, Stephen Nash và vợ vẫn quyết định bay đến Hà Nội, lên phía Bắc và thám hiểm những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh của Việt Nam, sau đó lại bay vào Nam, đến TP.HCM để tham quan các khu vườn quốc gia và các khu vực tự nhiên ở đó.

Trong suốt chuyến đi kéo dài 2 tuần, vợ chồng Stephen Nash nhận thấy một thực trạng đáng buồn. Mặc cho những lời giới thiệu đẹp đẽ trong email mời ghé thăm Vườn Quốc gia Cúc Phương, thực tế không có một con voọc mông trắng nào trong khu rừng hoặc bất cứ loài nào khác. Không còn gấu, báo hoặc họ mèo nào, trừ phi chúng giấu mình quá kỹ thậm chí các nhà khoa học không thể tìm thấy chúng, Adam Davies, Giám đốc Endangered Primate Rescue Center, trung tâm giải cứu loài linh trưởng, chia sẻ với Stephen.

Hoi chung “rung troc” o Viet Nam
Ảnh: David Rama Terrazas Morales for The New York Times

Thay vào đó, nơi tìm thấy nhiều loài động vật quý hiếm nhất là trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, tại đó có các trung tâm giải cứu động vật. Tại Trung tâm Giải cứu Linh trưởng, du khách tham quan có thể thăm 4 loài voọc gần như tuyệt chủng, các loài vượn và cu-li, nhiều con trong số đó được giải cứu từ bọn săn bắt trộm.

Cách đó vài bước chân là 2 trung tâm giải cứu khác. Một trung tâm bảo vệ hàng chục loài rùa, tất cả đều có nguy cơ cao bị tuyệt chủng. Trung tâm còn lại bảo vệ các loài mèo, báo, cầy hương, cầy mực và tê tê được giải cứu từ bọn săn bắt trộm. “Tê tê hiện là loài động vật có vú bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất thế giới”, Davies cho biết. Trung tâm của Davies đã đưa một số loài voọc mông trắng trở về với thiên nhiên ở khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Để tìm hiểu về các loài gấu, vợ chồng Stephen Nash đã ghé qua Vườn Quốc gia Tam Đảo. Nơi đó có một trung tâm cứu hộ gấu do tổ chức Animals Asia vận hành. Trung tâm này thỉnh thoảng có mở cửa cho khách tham quan. Đây là nơi giải cứu những con gấu không may mắn, bảo tồn loài gấu đã được liệt vào Sách đỏ trước nguy cơ bị săn bắt, nuôi nhốt (để lấy mật gấu...) và tận diệt.

Có thể thấy dù hoạt động trích hút mật gấu được xem là bất hợp pháp nhưng “việc trích hút mật gấu vẫn cứ diễn ra. Bạn vẫn có thể mua mật gấu ở Hà Nội nếu muốn”, Tuan Bendixsen, Giám đốc Trung tâm, cho biết. Nhiều con gấu ông đưa về trung tâm “bị mất tay chân, hoặc bị thương tổn theo những cách khác nhau”, ông nói. Điều đó khiến cho cơ hội để chúng quay về thiên nhiên trở nên khó khăn hơn. Ông cho biết những vùng đất hoang dã phù hợp cho việc thả gấu về tự nhiên cũng ngày càng hiếm hoi, khi dân số và nền kinh tế đang tăng trưởng.

Tham nhũng cùng với nền kinh tế đang tăng trưởng là những nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của môi trường tự nhiên và khiến các loài gặp nguy cơ. “Vẫn tồn tại tham nhũng ở nhiều mặt trong xã hội Việt Nam và việc bảo vệ rừng cũng không ngoại lệ”, theo đánh giá của Andrew Tilker, một nhà nghiên cứu Mỹ chuyên theo dõi loài Sao la và các loài động vật quý hiếm khác.

Hy vọng cho di sản tự nhiên của Việt Nam một phần nằm ở các tổ chức bảo tồn có tính sáng tạo và can đảm như Education for Nature - Vietnam qua việc đẩy mạnh các cuộc điều tra tội phạm, các cuộc nghiên cứu, vận động pháp lý...

Hoi chung “rung troc” o Viet Nam
 

Một hy vọng khác cho Việt Nam nằm ở các cộng đồng địa phương tham gia vào nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã qua các sáng kiến kinh tế. World Wildlife Fund, chẳng hạn, tài trợ trồng cây keo và cây song để tạo vùng đệm bảo vệ cho các khu bảo tồn tự nhiên đang gặp nguy cơ dọc theo biên giới phía Tây với Lào. Ở những nơi khác, các tổ chức môi trường trả cho người dân địa phương một mức thu nhập tối thiểu để họ tuần tra các rừng mưa và tháo gỡ hàng ngàn bẫy săn bắt.

Stephen Nash và vợ cũng đã trải qua vài ngày ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Vào một buổi chiều oi ả, một nhân viên kiểm lâm trẻ đã dẫn đoàn đi bộ thám hiểm đời sống hoang dã suốt 2 tiếng đồng hồ. Lần này, điều mà đoàn chứng kiến là một khu rừng im ắng lạ thường. Loài động vật duy nhất mà Stephen bắt gặp là những con đỉa khi chúng bám vào vớ của ông.  Những nhân viên kiểm lâm và những người khác mà Stephen nói chuyện tại Cát Tiên đều cho biết số lượng giống loài đang sụt giảm và một số kiểm lâm bị phát hiện bắt tay với bọn săn trộm để săn các loài giá trị cao.

Stephen ở tại rìa khu bảo tồn tại một nơi gọi là Cát Tiên Jungle Lodge. Các chủ nhân của nó là Dương Thị Ngọc Phương và Gary Leon đang giúp bảo vệ Cát Tiên khỏi vấn nạn du lịch bừa bãi và để xây dựng mối quan hệ kinh tế với cộng đồng địa phương nơi đây nhằm thuyết phục họ không săn bắt trộm. “Không có động vật, không có lý do cho sự tồn tại của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Chúng tôi phải cho mọi người động lực để bảo vệ chúng”, Leong nói. Điều này có nghĩa là ít nhất phải tạo ra các sáng kiến kinh tế để người dân địa phương bảo tồn các loài động vật bản địa trong môi trường tự nhiên của chúng và cần phải sớm triển khai.

“Mỗi ngày chúng tôi thức dậy và tự hỏi “Chúng ta có còn thời gian hay không?”, “Liệu bất cứ loài động vật nào trong số này còn thời gian”?, hay “Liệu chúng ta có đang tham gia vào một cuộc chiến mà chính mình đã thua trận. Nhưng nếu chúng ta không chiến đấu thì chúng ta chắc chắn đã thua rồi”, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc Điều hành Education for Nature - Vietnam, chia sẻ.

(Theo NYT)


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày