Chứng chỉ xanh: Giấy thông hành bền vững

Thanh Hằng Thứ Năm | 13/09/2018 07:30

Mô hình trồng rừng đạt chuẩn FSC tại miền Trung.

Ứng dụng Chứng chỉ xanh hứa hẹn nhiều cơ hội cho nền kinh tế. Đạt được chứng chỉ xanh giúp nâng cao uy tín và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Mô hình trồng rừng đạt chuẩn FSC tại miền Trung.

Mối nguy từ nhiệt điện than

Các đại dương "nghẹt thở" vì nhựa!


Bãi biển mênh mông sình bùn nước lợ nơi cửa sông mang đến cho vùng đồng bằng sông Cửu Long một sản vật tự nhiên: con nghêu. Thế nhưng, ít ai biết, đi xa hơn các anh chị em trên các tỉnh ven biển miền Tây, nghêu Bến Tre đã vươn đến được thị trường châu Âu khắt khe cách một phần tư Trái đất nhờ tấm bùa hộ mệnh thần kỳ: chứng chỉ MSC của Hội đồng Bảo tồn Biển Quốc tế.

Chiếc cào với thiết kế răng vừa đủ để chỉ chọn những con nghêu trưởng thành, để lại những con nhỏ có cơ hội phát triển là một trong những trợ thủ giúp cho việc thu nuôi nghêu Bến Tre đạt chứng nhận MSC về phát triển bền vững. Con nghêu giờ không những được xuất ngoại với thị trường rộng lớn hơn, mà người dân cũng có đời sống sung túc hơn với thu nhập tăng thêm từ giá nghêu cao hơn 30% so với nghêu những vùng miền khác.

Không chỉ trong nông nghiệp, việc đạt được chứng chỉ xanh giúp nâng cao uy tín và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau như bất động sản, sản xuất, lâm nghiệp... Các chứng chỉ quốc tế như MSC, LEED trong ngành bất động sản, FSC trong ngành gỗ, Tiêu chuẩn quốc tế 14000 (ISO 14000) trong sản xuất, thường được phát hành bởi các tổ chức phi chính phủ (NGO) và được công nhận trên toàn cầu.

Chung chi xanh: Giay thong hanh ben vung
 

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường, tiết giảm việc sử dụng tài nguyên năng lượng, các doanh nghiệp theo đuổi chứng chỉ xanh còn được chứng minh trong thực tế có lợi về mặt kinh tế. Nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP) cho thấy doanh nghiệp ở mọi quy mô thực hiện đổi mới sinh thái (eco-innovation) đều tăng trưởng trong khi thị trường riêng đứng yên, trung bình 15% mỗi năm. Cụ thể hơn, nghiên cứu của Vibiz năm 2017 trên 12.000 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, có tới 73,5% người dùng quan tâm tới các yếu tố môi trường, 80% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để sử dụng các sản phẩm sạch, 84,5% ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ và 91,2% chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm có chất lượng cao.

Trong khi đó, trồng rừng đạt chuẩn FSC giúp đảm bảo lượng cầu ổn định từ các nhà sản xuất quốc tế tại những thị trường quan ngại đến sử dụng gỗ bền vững, không phá rừng tự nhiên, đồng thời mang đến thu nhập ổn định cao cho cả nông dân và doanh nghiệp. Trong khi những doanh nghiệp sản xuất đạt ISO 14000 gia tăng khả năng thâm nhập vào những thị trường khó tính nhưng có mức chi tiêu cao như EU.

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận Chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích 226.500ha. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Scansia Pacific, cho biết, phát triển nguồn gỗ có chứng chỉ quản lý riêng bền vững và bảo vệ sinh thái FSC đang giúp cho ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam hướng đến mục tiêu 10 tỉ USD bền vững hơn.

Trong lĩnh vực xây dựng, một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những dự án xây dựng công trình xanh mới tăng đến 11% giá trị và những dự án công trình xanh hiện hữu tăng gần 7% giá trị, trong khi công trình xanh cũng giảm 13,6% chi phí vận hành cho những công trình xây mới và 8,5% đối với những công trình cải tạo lại.

Vì công trình xanh giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, nước và bảo trì, American Sustainable Business Council cho rằng các doanh nghiệp nhìn vào chiến lược xanh để cải thiện lợi nhuận. Tại Việt Nam, Ngôi nhà Đức, đạt chứng chỉ LEED, vừa mới đưa vào hoạt động đạt được mức giá cho thuê cao nhất nước và cao hơn 20% so với các tòa nhà hạng A khác tại TP.HCM.

Lợi ích là thế, nhưng “doanh nghiệp Việt chưa mặn mà với chứng chỉ xanh” là kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên Khoa Thương mại và Quản trị thuộc Đại học RMIT Việt Nam. Qua khảo sát các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, Tiến sĩ Hùng nhận thấy tỉ lệ doanh nghiệp Việt Nam áp dụng ISO 14000 chỉ dưới trung bình và chủ yếu xuất phát từ yêu cầu của đối tác lớn ở nước ngoài. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc.

Tương tự trong ngành bất động sản, chỉ có khoảng 150 công trình xanh đã được cấp chứng chỉ hoặc đang trong quá trình thiết kế trong số hàng trăm ngàn công trình được xây dựng trên cả nước trong thập niên qua. “Rào cản về chi phí và sự thiếu hụt nhu cầu thị trường về công trình xanh là hai nguyên nhân chính”, ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập Công ty Tư vấn Công trình Xanh  GreenViet, chia sẻ. 

Bên cạnh đó, có thể thấy chính sách những công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đủ thúc đẩy doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào những dự án xanh dài hơi. Theo Tiến sĩ Hùng, những công ty nhỏ tại Việt Nam, được trang bị chứng chỉ xanh, thường có lợi thế giành hợp đồng. Lợi thế vừa và nhỏ của doanh nghiệp cũng đặc biệt hữu dụng trong bối cảnh đổi mới sinh thái nhờ khả năng thích nghi và tính linh hoạt.

Trong bối cảnh doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 70% GDP và 2/3 lao động chính thức tại những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi như Việt Nam, việc ứng dụng chứng chỉ xanh hứa hẹn một tương lai sáng sủa cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn lực này.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày