Chuyển hóa tăng trưởng

Hoàng Trung (*) Thứ Hai | 20/01/2020 06:55

Ảnh: shutterstock.com.

Tương lai của doanh nghiệp cũng như quốc gia phụ thuộc vào nỗ lực chuyển hóa được tăng trưởng kinh tế thành hạnh phúc...
Ảnh: shutterstock.com.

Nếu thiếu đi một đời sống tinh thần tích cực, thành công cũng thật lắm chông gai và thậm chí nhiều người đứng trên đỉnh cao danh vọng sự nghiệp bất chợt thốt lên: “Thành công để làm gì?”

Đi tìm hạnh phúc

 

Trên Google, bên cạnh từ khóa rộng là Happiness (Hạnh phúc), người ta còn tập trung tìm kiếm những từ khóa khác liên quan đến lĩnh vực sức khỏe tinh thần như “well-being” (an ổn thân tâm), “mental health” (sức khỏe tinh thần) hay depression (trầm cảm)... với sự gia tăng ngày càng cao.

Liên quan đến lĩnh vực sức khỏe tinh thần của con người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có những cảnh báo đáng lo ngại, cho thấy hiện nay mỗi năm có khoảng 800.000 người tự vẫn, hay nói cách khác, cứ mỗi 40 giây trôi qua trên thế giới lại có một người tự kết thúc cuộc sống của mình. Và đáng lo ngại hơn khi biết khoảng 1/4 trong số đó là những người ở độ tuổi còn rất trẻ, từ 10-29 tuổi. Tỉ lệ tiêu cực này dường như không liên quan đến sự giàu nghèo về vật chất, bởi lẽ ở các nước giàu như Mỹ, Úc, Bắc Âu, Tây Âu, tỉ lệ tự tử vẫn ở mức cao của thế giới (10-14,9/100.000 người). Vậy mà nhìn chung các nước chỉ dành chưa đến 2% ngân sách y tế cho những biện pháp nâng cao sức khỏe tinh thần của con người.

Nếu xét riêng trong thế giới doanh nghiệp, chưa bao giờ chủ đề “stress” (căng thẳng) lại được quan tâm như hiện nay. Năm 2016, một nghiên cứu hợp tác giữa WHO, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và nhiều cơ quan khác cho biết thế giới có khoảng 3,2 tỉ người đang đi làm, trong số đó, 38% cảm thấy căng thẳng khi làm việc, 24% bất mãn với công việc. 

Vì sao kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển theo hướng số năm sau cao hơn số năm trước mà hạnh phúc lại càng xa rời con người như vậy? 

Chạm mặt hạnh phúc

Nhiều quốc gia đã nhận ra vai trò của hạnh phúc bên cạnh thành công về kinh tế. Đáng chú ý, năm 2016, lần đầu tiên một quốc gia Hồi giáo như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có một vị nữ bộ trưởng chuyên trách vấn đề hạnh phúc của quốc gia.

Trong năm đó, vị Bộ trưởng Hạnh phúc của UAE đã chọn 60 thành viên trong cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo các tập đoàn lớn để tham gia Chương trình Hạnh phúc và Tích cực của quốc gia được xây dựng với sự hợp tác của 2 trường đại học danh tiếng là UC Berkeley và Oxford, nhằm phát triển hạnh phúc và sự tích cực cho quốc gia quanh 5 trụ cột lớn:  nền tảng khoa học của hạnh phúc và sự tích cực; sự chú tâm; lãnh đạo đội ngũ hạnh phúc; chính quyền hạnh phúc và tích cực trong công việc hằng ngày; và đo lường hạnh phúc.

 

“Tăng trưởng kinh tế không còn là công cụ đánh giá hạnh phúc của người dân. Và tương lai của nhân loại sẽ thuộc về quốc gia nào chuyển hóa được tăng trưởng kinh tế thành cuộc sống chất lượng cao và hạnh phúc cho người dân của mình”, bà Ohood bint Khalfan Al Roumi, nữ Bộ trưởng Hạnh phúc đầu tiên của UAE, cho biết.

Năm 2019, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có ngân sách riêng để phát triển “well-being” (an ổn thân tâm), tập trung vào 6 trụ cột chính: chăm lo sức khỏe tinh thần cho người dân; nâng cao chất lượng tâm trí ở trẻ con; hỗ trợ phát triển các cộng đồng người bản địa; chuyển đổi sang nền kinh tế có mức phát thải thấp; hỗ trợ người dân thích ứng và phát triển bền vững cùng với tình trạng biến đổi khí hậu; và cải thiện hệ thống công ích quốc gia (trường học, bệnh viện...).

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Vương quốc Bhutan đã chọn hạnh phúc làm thước đo thành công của quốc gia từ năm 1972, đến năm 2008 chính thức đưa nội dung này vào Hiến pháp. Từ năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu về Bhutan và GNH trực thuộc Chính phủ Bhutan đã triển khai chương trình tư vấn và chứng nhận cho doanh nghiệp nào muốn áp dụng GNH vào chiến lược phát triển bền vững của mình.

Hạnh phúc không ở đâu xa

Với từng doanh nghiệp, ta có thể làm gì để nâng cao hạnh phúc của nhân viên hay không, nếu biết rằng ngày nay, môi trường làm việc tích cực đang là lợi thế cạnh tranh lớn của các công ty trong việc thu hút người tài và đây cũng là tác nhân đóng góp cho thành công về tài chính của doanh nghiệp?

 

Đúc kết từ nhiều nguồn kiến thức và đối chiếu kinh nghiệm của bản thân trong vai trò một người đang triển khai hoạt động “well-being” cho công ty của mình, người viết xin chia sẻ mô hình xây dựng “well-being” trong nội bộ doanh nghiệp như sau:

Các chương trình “well-being” cho doanh nghiệp được xây dựng không nằm ngoài mục đích sau cùng là mang lại hiệu quả hoạt động bền vững (sustainable performance) cho doanh nghiệp. Và tùy vào từng loại hình hoạt động mà tác động của nó sẽ khác nhau.

Tác động đầu tiên có thể nói đến là cho bản thân nhân viên (personal). Những chương trình thuộc phạm vi tác động này thường chú trọng phần Body (Thể chất), có thể được gọi tên là chương trình Fitness (Thân thể khỏe mạnh) và tập trung vào 3 việc chính: quản lý stress, định hướng lối sống khỏe mạnh và can thiệp sớm hoặc ngăn ngừa bệnh tật cho nhân viên.

Tác động tiếp theo diễn ra trong mối quan hệ tương tác giữa các nhân viên. Những chương trình thuộc phạm vi tác động này thường chú trọng phần Mind (Lý trí) và Heart (Tình cảm), có thể được gọi là chương trình Wellness (Tâm trí khỏe mạnh).

Tác động tiếp theo diễn ra trong mối quan hệ tương quan giữa nhân viên và công ty. Những chương trình thuộc phạm vi tác động này thường chú trọng phần Spirit (Tinh thần) và Corporate Foundations (Nền tảng công ty).

Nếu ta ví von những chương trình tác động đến cá nhân là giúp nâng cao chất lượng hạt giống, thì những chương trình xây dựng nền tảng công ty là giúp cải tạo đất đai. Hạt giống tốt cần phải có mảnh đất tốt để phát triển. Và sau cùng, khi bắt đầu lên kế hoạch hành động, ta có thể chia thành 3 giai đoạn: Know: nâng cao nhận thức; Do: biết rõ cách làm; Be: tích hợp vào thể chế của doanh nghiệp (chính sách, văn hóa...).

Mỗi người dành gần một nửa cuộc đời của mình theo đơn vị ngày tại môi trường công sở. Do đó, có được môi trường làm việc hạnh phúc và tích cực chính là niềm mong mỏi của tất cả. Nhân viên được sống thật sự trong khoảng thời gian, bối cảnh này, những điều tích cực có được từ môi trường công sở sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng ra gia đình và xã hội. Còn chủ doanh nghiệp cũng có được lợi thế cạnh tranh to lớn trong thị trường nhân tài vốn ngày càng khan hiếm và phải cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Mô hình xây dựng hạnh phúc trong doanh nghiệp nói trên tuy không còn quá vĩ mô nữa, nhưng cũng thật nhiều việc để làm. Có vậy, ta có thể giải quyết được nan đề: Liệu thành công và hạnh phúc có thể song hành cùng nhau hay không? Liệu có phải đánh đổi hạnh phúc để thành công và sau khi đã ở đỉnh cao danh vọng sự nghiệp rồi lại không biết “Thành công để làm gì?”

(*) Giám đốc Nhân sự Công ty USG Boral Việt Nam,
Giảng viên Toàn cầu Chương trình Search Inside Yourself khởi sinh từ Google


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày