Gieo niềm vui bằng nghệ thuật

Ngọc Thủy Thứ Hai | 02/07/2018 08:30

Sách Gieo, một cuốn sách vô cùng đặc biệt vừa ra mắt bạn đọc. Đây không phải là tác phẩm văn học, được viết từ một tác giả.

Đây là chiếc vé lên tàu nghe kể chuyện về hành trình của những người đi gieo - gieo niềm vui, gieo nụ cười, gieo cái đẹp, gieo tình yêu thương. Tại những nơi Gieo đã đi qua, trẻ con, người lớn vẫn nhắc về Gieo như nhắc một kỷ niệm êm đềm, một bất ngờ kỳ diệu. Họ như được truyền thêm cảm hứng tự do vui sống.

Cảm hứng từ Totto-chan

Đỗ Hữu Chí (còn gọi là Bút Chì) cùng các cộng sự của mình ở Toa Tàu là những người đã khởi xướng nên dự án cộng đồng Gieo. Họ chỉ có duy nhất một mong muốn “gieo niềm yêu đời bằng nghệ thuật”. Suốt hành trình của mình, Gieo đã sử dụng các ngôn ngữ nghệ thuật, từ vẽ, viết, âm nhạc, chụp ảnh, nhảy múa.. để kích hoạt, nuôi dưỡng các giá trị: sáng tạo, kết nối và chữa lành tại nhiều nhóm cộng đồng trên khắp cả nước. 

Những gì Gieo làm cũng tương tự như Toa Tàu đã làm suốt 4 năm qua. Có khác chăng là lần này, thông qua Gieo, Toa Tàu đã mang hoạt động của mình đi khắp cả nước. Nhưng dù thế nào, đó cũng là hành trình lấy cảm hứng từ Totto-Chan, một cô bé ở xứ sở hoa anh đào. Cô đã có những năm tháng tiểu học vô cùng tươi đẹp bên khung trời tuổi thơ và ngôi trường Tomoe yêu dấu. Ngôi trường ấy rất kỳ lạ, không có tường vôi ngói đỏ bao quanh mà chỉ là toa xe điện cũ. Ở ngôi trường ấy, học sinh muốn ngồi học ở đâu cũng được, học môn gì trước cũng được. Ở đó, sau mỗi giờ học, cô trò lại cùng nhau đi dạo.

Ở ngôi trường ấy, có thầy hiệu trưởng kiên nhẫn ngồi nghe Totto-Chan huyên thuyên hàng giờ về những câu chuyện trẻ con, lần em bị đuổi học ra sao, trèo cây và chui hàng rào bị rách quần áo như thế nào... Dưới mái trường thơ bé, Totto-Chan được là chính mình, hồn nhiên, trong trẻo và hiếu động. Cho đến sau này, khi đã trở thành nữ diễn viên - người dẫn truyền hình Tetsuko Kuroyanagi nổi tiếng, là Đại sứ thiện chí của UNESCO, những ký ức êm đềm ngày xưa vẫn trỗi dậy, vô cùng sống động trong cô. Hồi ký tuổi thơ “Totto-Chan bên cửa sổ” ra đời đến nay đã 37 năm vẫn được đón nhận nồng nhiệt.

Đỗ Hữu Chí của thời ấu thơ, khi đọc “Totto-Chan bên cửa sổ” đã bồi hồi cảm động. Anh ôm trong lòng mơ ước về một ngôi trường tương tự trường Tomoe mà cô bé Totto-Chan đã học. Năm 2014, tổ chức phi lợi nhuận Toa Tàu đã ra đời. Đỗ Hữu Chí và những người sáng lập mong đợi “đó sẽ là nơi người lớn được là trẻ con và trẻ con được là chính mình”.

Giống như Totto-Chan, trẻ con ở Toa Tàu học bằng cách chơi. Toa Tàu nghĩ ra nhiều trò chơi thúc đẩy niềm vui tự nhiên, khơi gợi sáng tạo cho trẻ nhỏ. Chẳng hạn, ở chủ đề “bản thân”, các em bé sẽ nhận được một nửa chân dung của mình, chính các em sẽ vẽ thêm vào phần còn thiếu. Hay với chủ đề “thiên nhiên”, các em sẽ được tham gia xếp giấy hình con vật, sưu tầm lá cây, nghe và phân biệt các loại âm thanh trong tự nhiên. Ở chủ đề “cộng đồng”, các em sẽ được học cách nói xin lỗi, cám ơn.

Ở chủ đề “hội họa”, các em được vẽ tùy thích, bằng tay, bằng ánh sáng, nhắm mắt lại vẽ. Các em được khuyến khích tự do bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc và được học cách để không làm đau người khác. 

Mục đích của Toa Tàu là giúp các em có những hiểu biết, trải nghiệm, khám phá mới mẻ, hiểu mình và có nhiều niềm vui. Trên tất cả “việc của chúng ta là kiên nhẫn chăm sóc môi trường sống, là tận tụy cho trẻ tình yêu thương. Sự trưởng thành chắc chắn sẽ đến”, Đỗ Hữu Chí chia sẻ.

Hàng ngàn lượt người đã đến tham gia vào các lớp học ngắn (lớp vẽ kể chuyện, Ukulele, lớp khám phá hình ảnh, nhiếp ảnh, lớp viết, lớp vẽ màu nước, lớp múa..), các buổi nói chuyện chuyên đề ở Toa Tàu. Nơi đây còn diễn ra các đêm nhạc, chiếu phim... Toa Tàu cũng lập ra Câu lạc bộ Nghệ thuật, Ngày chơi, Tuần lễ sáng tạo, Trại hè, Triển lãm ảnh cùng các sự kiện nghệ thuật khác. Từ hiệu ứng tốt đẹp thu gặt được, năm 2017, Toa Tàu  bắt tay thực hiện dự án Gieo. 

Gieo niem vui bang nghe thuat
 

Hành trình 45 ngày 

Gieo là dự án mơ ước mà Toa Tàu muốn chạm đến, để trải nghiệm sự phong phú của các câu chuyện, sự đa dạng của các vùng văn hóa, sự muôn màu muôn vẻ trong thế giới diệu kỳ. Toa Tàu mất 9 tháng để chuẩn bị cho hành trình này. Nhưng khi bắt tay, dự án Gieo gặp không ít thách thức khi nhiều người dân còn xa lạ với các trải nghiệm nghệ thuật.

Đó là chưa nói đến những khác biệt về quan niệm giáo dục, văn hóa, hoạt động xã hội... Sự giúp sức của địa phương, về  nhân lực, vật lực, thời gian, không gian, hỗ trợ về pháp lý, truyền thông… cũng là ẩn số. Với nhiều trở ngại đó, trước khi chính thức bắt đầu, Gieo đã thử nghiệm hoạt động tại 6 nhóm cộng đồng ở TP.HCM. Kết quả là Gieo được đón nhận, tạo động lực để Toa Tàu triển khai hành trình Gieo xuyên Việt.
  
Hành trình này kéo dài 45 ngày đêm và đi qua 9 điểm, từ làng rượu Phú Lễ (Bến Tre), Chùa Khmer (Sóc Trăng), làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp) đến làng K’Ho trồng cà phê (Lạc Dương, Lâm Đồng), làng nghề đan bóng Hòa Thạnh ( Sông Cầu, Phú Yên), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bệnh viện Trung ương Huế, Nhà máy Ford (Hải Dương) và Nhóm các tổ chức cộng đồng (Hà Nội). Ở những nơi này, dù thời gian lưu lại không nhiều, nhưng Gieo đã kịp gieo nên những ký ức đẹp.

Với Gieo, ký ức đẹp là thứ quan trọng nuôi dưỡng những hạt giống thiện lành nơi mỗi trẻ nhỏ. Gieo đã dùng các trò chơi, bài hát, điệu nhảy, tranh ảnh, âm nhạc, thổi thêm vào đó tình thương, sự quan tâm, cảm thông và cho các em quyền tự do thể hiện. Các em đã hoan hỉ đón nhận như món quà quý, với niềm vui đong đầy. Đổi lại, các em tin cậy và không ngần ngại thể hiện tình cảm với Gieo.

Có em nhiệt tình trèo cây hái trái mời Gieo. Có em xông xáo dắt Gieo thám thính những nơi chốn bí mật, riêng tư của các em. Có em thổ lộ những lời thương nhớ. Câu mà Gieo nghe nhiều nhất ở từng điểm đến là “Đây là đêm vui nhất của đời con”. 

Trẻ con thường thể hiện tình thương mến rất tự nhiên, ngọt ngào và bản năng. Gieo từ vị trí người cho trở thành người nhận. Vì thế, hành trình 45 ngày đã để lại trong lòng những người thực hiện dự án nhiều cảm xúc. Họ hiểu thêm rằng, chỉ cần cho trẻ em tình yêu, sự khích lệ thì những hạt giống yêu thương sẽ nảy nở.

Trong hành trình 45 ngày, Gieo không chỉ đem niềm vui cho các em nhỏ mà còn phá vỡ bức tường khép kín nơi người lớn. Hai chữ “lớn rồi” đã vô tình cản trở người lớn trải nghiệm chơi đùa. Gieo đã thuyết phục họ tạm quên cái mác “người lớn” để tìm lại niềm vui thuở nhỏ, tìm về một thời hồn nhiên thơ trẻ. Từ đó, những vết thương tâm hồn cũng ít nhiều được chữa lành.

Với thời gian ngắn ngủi và nguồn kinh phí có hạn từ sự đóng góp cộng đồng, Gieo chỉ có thể thực hiện 7 tác phẩm đồng sáng tạo tại các địa phương và đem lại trải nghiệm trực tiếp cho khoảng 1.000 người. Nhưng niềm cảm hứng từ đây đã lan rộng mạnh mẽ. Người ta đã thấy, cuộc sống sẽ tươi đẹp và vui vẻ hơn khi mỗi người biết vui đùa, gắn kết và cho đi.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày