Mê phim Hàn, cô dâu Việt vỡ mộng khi lấy chồng Hàn Quốc

Hà Linh Thứ Sáu | 03/01/2020 14:21

Ảnh: Zing.vn

Rất nhiều trong số 6.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc đang bị tẩy chay hoặc lạm dụng về thể xác và tinh thần.
Ảnh: Zing.vn

Khi còn ở Việt Nam, Lien Dinh là một cô gái hâm mộ văn hóa Hàn Quốc. Những người đàn ông trong các bộ phim truyền hình mà cô xem rất bảnh bao, lãng mạn, chăm chỉ và tôn trọng phụ nữ.

Chính vì vậy, cô quyết định đến Hàn Quốc để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn và tìm thấy một nửa của đời mình – một thợ điện lớn hơn cô 10 tuổi.

Sau khi định cư ở Daegu, cô sớm nhận thấy xã hội Hàn Quốc không giống với những cảnh quay trên tivi.

“Thực tế khác xa với mong đợi của tôi”, Dinh nói. “Những người đàn ông Hàn Quốc lấy vợ ngoại quốc thường đã già, kém lôi cuốn, không giống như những người đàn ông đẹp trai Hàn Quốc trong các bộ phim truyền hình”.

Mặc dù đã học tiếng Hàn, Dinh vẫn gặp phải những rắc rối và sự phân biệt đối xử. Cô thường xuyên bị buộc tội lợi dụng chồng.

“Nhiều người Hàn Quốc nghĩ rằng chúng tôi chỉ là những người đến từ một quốc gia nghèo. Họ có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng những người vợ ngoại quốc sẽ chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân và con cái sau khi họ có được quyền công dân”, cô nói.

Những câu chuyện giống của Dinh ngày càng trở nên phổ biến tại Hàn Quốc, quốc gia đang dùng chính sách nhập cư để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm kỷ lục. Năm 2018, trung bình tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc chỉ đạt 0,95/phụ nữ.

Trong những năm gần đây, có rất nhiều phụ nữ nước ngoài đến vùng nông thôn Hàn Quốc.  Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc năm 2017, số lượng các cuộc hôn nhân đa quốc gia tại vùng nông thôn của nước này chiếm 18,4%, tương đương gần 1/5 tổng số các cuộc hôn nhân. Những người phụ nữ này đến từ nhiều quốc gia khác nhau bao gồm: Trung Quốc, Campuchia, philippines, Uzbekistan, Việt Nam. Trong đó, cô dâu ngoại quốc đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Các bộ phim Hàn Quốc đã đem đến những hình ảnh về một Hàn Quốc đẹp như mơ. Ảnh:
Các bộ phim Hàn Quốc đã đem đến những hình ảnh về một Hàn Quốc đẹp như mơ. Ảnh: SCMP

Thay vì được hoan nghênh và tôn trọng, rất nhiều trong số 6.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc đang bị tẩy chay hoặc lạm dụng về thể xác và tinh thần.

Vào tháng 11, một người đàn ông Hàn Quốc 55 tuổi đã giết người vợ Việt Nam 30 tuổi của mình và chôn xác ở tỉnh Bắc Jeolla xa xôi. Những vụ việc xảy ra gần đây khiến dư luận phải lên tiếng phản đối việc bóc lột đối với những người phụ nữ này. Và Chính Phủ cũng bảy tỏ sự ủng hộ đối với việc bảo vệ những cô dâu ngoại quốc mà theo nhiều người gọi là những cuộc hôn nhân qua mai mối.

Trước đó, vào tháng 7, một đoạn video ghi lại hình ảnh người chồng Hàn Quốc ngược đãi người vợ Việt Nam của mình, trước mặt đứa con đang khóc đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Hôn nhân hay mua bán người?

Trong vài thập kỷ qua, khi nhiều người Hàn Quốc đồng loạt chuyển đến các thành phố như Seoul để sinh sống, chính phủ nước này đã phải chật vật để cách tái lập vùng nông thôn.

Nhiều chuyên gia nói rằng, phụ nữ Hàn Quốc coi lối sống ở nông thôn là không hấp dẫn. Điều này dẫn tới nhu cầu về cô dâu nước ngoài tăng lên.

Và việc trả tiền để có được một phụ nữ nước ngoài di cư sang Hàn Quốc làm vợ là giải pháp phổ biến của đàn ông ở nông thôn. Theo đó, mỗi người đàn ông sẽ trả cho bên môi giới hôn nhân trong nước hoặc nước ngoài một khoản tiền khoảng 14,2 triệu won để có được một cô dâu Việt Nam.

 Theo ông Shin Gi Wood, giáo sư Hàn Quốc học ở Đại học Stanford, “nhiều đàn ông Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài không coi đó là ‘mua vợ’... mà coi đây là hình thức mai mối. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc cô dâu Việt được chủ động, được tự quyết định tới mức nào”.

Hơn 35 chính quyền địa phương trợ cấp 3-10 triệu won (2.500-8.500 USD) cho đàn ông Hàn Quốc muốn cưới vợ qua môi giới. Một số nơi yêu cầu vợ chồng phải ở với nhau một khoảng thời gian tối thiểu, nếu không sẽ phải hoàn lại tiền.

Theo The Korea Herald, quận Yangpyeong cung cấp cho những người đàn ông địa phương chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 35 đến 55 tuổi và làm việc trong ngành đánh bắt, nông nghiệp và lâm nghiệp số tiền lên tới 10 triệu won để kết hôn với một cô dâu ở nước ngoài.

Đại diện cơ quan môi giới hôn nhân cho biết nhiều phụ nữ Việt Nam đã đến với họ để tìm kiếm sự ổn định tài chính. Đây là lý do lớn nhất cho những phụ nữ sắp sống ở một vùng đất xa lạ với một người không nói cùng ngôn ngữ hoặc có chung văn hóa. Họ muốn sống ở một nơi ổn định hơn về kinh tế so với Việt Nam và họ muốn con mình lớn lên ở một đất nước có hệ thống giáo dục tốt.

Trang Facebook của một nhóm giúp kết hợp đàn ông Hàn Quốc với cô dâu Việt Nam.
Trang Facebook của một tổ chức mai mối đàn ông Hàn Quốc với cô dâu Việt Nam. Ảnh: SCMP

Một báo cáo năm 2017 của Bộ bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc cho thấy độ tuổi trung bình của đàn ông Hàn Quốc khi kết hôn ngoại quốc là 43,6 tuổi. Trong khi đó, các cô dâu có độ tuổi trung bình là 25,2 tuổi.

Khi những phụ nữ tương đối trẻ đến Hàn Quốc, nhiều người nhận ra rằng thực tế cuộc sống ở đất nước này không hề giống những gì họ tưởng tượng.

John Lie, giáo sư xã hội học tại Đại học California, Berkeley cho biết, K-drama và K-pop đã thành công khi truyền bá những hình ảnh về một đất nước Hàn Quốc tốt bụng, đẹp đẽ và dịu hàng hơn nhiều so với thực tế.

Ông cho biết người nước ngoài da trắng thường được đối xử niềm nở tại Hàn Quốc, nhưng phụ nữ Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác không được như vậy "do bị xem là những nước nghèo".

Giải pháp nào để thay đổi?

Để đối phó với các vụ việc, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ thi hành luật mới cấm nam giới có hình vi lạm dụng, tấn công tình dục, giết người hoặc cướp tài sản từ việc kết hôn với người nhập cư.

Ngoài ra, Bộ này còn có kế hoạch ra mắt một đường dây nóng đa ngôn ngữ của cảnh sát cho vợ chồng người nước ngoài.

Các chuyên gia nói rằng để cải thiện cuộc sống của những người vợ ngoại quốc này, các sáng kiến của chính phủ sẽ không đủ trừ khi chính xã hội trở nên khoan dung hơn với người nhập cư.

Trong một cuộc khảo sát gần đây được công bố bởi Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc vào tháng 4, chỉ có 42,48% trong số 4.000 người được hỏi nói rằng đã sẵn sàng hòa nhập với người nhập cư.

Ông Shin nói rằng trong khi chính phủ đã thúc đẩy các chính sách đa văn hóa, thì thường những điều này lại tập trung vào việc đồng hóa cư dân nước ngoài theo cách của Hàn Quốc. Chủ nghĩa đa văn hóa nên là một sự tương tác đa chiều, nơi người Hàn Quốc cũng học hỏi và đánh giá cao các nền văn hóa khác nhau.

“Chính phủ có thể thay đổi chính sách, nhưng họ không thể thay đổi thái độ của chính người dân”, ông Shin nói. “Điều quan trọng nhất là giáo dục người Hàn Quốc về việc chấp nhận và chăm sóc những người nước ngoài, đánh giá cao các nền văn hóa khác nhau trong cộng đồng và cuối cùng phát triển một xã hội toàn cầu thực sự, vì lợi ích của chính họ”.

►Vì sao du khách Hàn Quốc lại thích tới Việt Nam?

Các bãi biển của châu Á trở nên yên tĩnh khi du khách Trung Quốc ở nhà

Làm việc đến khi chết - bi kịch của người già Hàn Quốc

Nguồn SCMP


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày