Những họa sĩ văn phòng

Hằng Nguyễn Thứ Bảy | 17/03/2018 08:30

Giá trị tinh thần vô hình đạt được trong 4 tiếng hý hoáy bên cây cọ và bảng màu là quên hết mọi sự xung quanh, mọi lo âu buồn phiền.

Đã 4 tiếng trôi qua kể từ khi cầm cọ quét những mảng màu acrylic đầu tiên, cô giáo 40 tuổi Hoàng Lan vẫn đang chăm chút từng bông hoa vàng nhỏ xíu trên thảm cỏ trong rừng bạch dương trên khung vải bố. Quên luôn bữa trưa lẽ ra phải ăn từ 2 tiếng trước, cô Lan hài lòng bước lùi về sau để chiêm ngưỡng bức tranh rừng bạch dương lấp lánh trong ánh nắng mùa thu, bức tranh hài hòa mà người chưa từng cầm cọ như cô nghĩ mình có thể vẽ được.

Chưa có thống kê chính thức về thị trường của phân khúc giải trí nghệ thuật tại Việt Nam, nhưng một nhà đầu tư mạo hiểm nhận định đây là thị trường có tiềm năng lớn, do thu nhập của những người làm việc tại khu vực thành thị đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, kéo theo nhu cầu giải trí nâng cao đời sống tinh thần như học đàn, hát, hội họa...

 “Hoạt động vẽ tranh này rất mới lạ, khiến mọi người hứng thú muốn thử. Hoặc nhiều người trước đây không có điều kiện để theo đuổi đam mê hội họa, nay muốn dành thời gian cho nó như một thú vui giải trí”, chị Nguyễn Thu Bình nói về hoạt động vẽ tranh mà Tipsy Art đã tổ chức cho một đơn vị của Đoàn thanh niên Trụ sở chính Vietcombank.

Hoạt động giải trí nghệ thuật thường được tổ chức dưới hình thức thảo luận, chia sẻ (workshop) về kỹ thuật vẽ tranh. Thị trường đa dạng bao gồm cá nhân trong nước, các tổ chức đến khách du lịch nước ngoài. Dành cho cá nhân, các buổi trải nghiệm có thể là các buổi hướng dẫn 4 tiếng vẽ một bức tranh màu acrylic theo một mẫu được công bố từ trước, hoặc một buổi dã ngoại đến chốn phong cảnh hữu tình để sáng tác. Riêng doanh nghiệp thường được thiết kế những chương trình riêng theo yêu cầu, trong đó có thể hướng dẫn từng cá nhân vẽ một mảnh ghép nhỏ để ghép lại thành một bức tranh lớn.

Chi phí cho mỗi buổi học các lớp vẽ tranh khoảng 400.000-600.000 đồng/người, bao gồm cả vật liệu vẽ và cả nước uống. Chi phí có thể cao hơn hoặc thấp hơn đôi chút, đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ tăng hoặc giảm đi, khác biệt chủ yếu về họa cụ và số lượng giảng viên trên học viên, cũng như phương pháp chỉ dạy. Giảng viên là các họa sĩ đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành mỹ thuật.

Tuy mới mẻ nhưng đã có khá nhiều công ty tham gia thị trường. Điều thú vị là những người đầu tiên phát triển mô hình tại Việt Nam là dân ngoại đạo, tức không học chuyên ngành mỹ thuật hoặc kiến trúc, theo chị Trang Nguyễn, sáng lập của Marita Colors.

Nhung hoa si van phong
 

Trang Nguyễn của Marita Colors vốn là người làm tài chính ngân hàng, trong khi hai sáng lập viên Nguyễn Thu Trang và Bùi Thu Ngân của Tipsy Art cũng học ngành kinh tế tại các trường nước ngoài. Tipsy Art hiện là công ty nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này, với hơn 14.000 lượt vẽ tranh đã tổ chức cho 9.000 người chỉ trong thời gian 2 năm kể từ lúc thành lập vào năm 2016.

Là nơi đầu tiên mang ý tưởng workshop về Việt Nam, Tipsy Art được hình thành từ trải nghiệm của chính Trang và Ngân trong thời gian du học tại Mỹ. Sau khi Tipsy Art và Marita Colors thành công cũng là lúc những người học chuyên ngành mỹ thuật nhận ra sức hút của thị trường và mở những workshop tương tự, hoặc mở những khóa học dài hơi hơn như Mỹ Thuật Bụi, Hồng Hạc Art Club...

Trong 2 tuần liên tiếp, chị Lan vẽ 2 bức tranh tại các workshop của Tipsy Art, sau khi tình cờ thấy chia sẻ của một người bạn trên Facebook. Quảng cáo truyền miệng và quảng cáo trên Facebook chính là 2 phương thức phổ biến nhất trong cộng đồng này. Sức hút của loại hình giải trí này đến từ việc ai cũng có thể vẽ. “Giống như karaoke, bạn không phải là ca sĩ mà vẫn có thể hát. Đến với Tipsy Art, bạn không cần phải là họa sĩ, cũng có thể chưa cầm cọ bao giờ, nhưng vẫn có thể có được trải nghiệm vẽ tranh”, Thu Trang, đồng sáng lập Tipsy Art, chia sẻ.

Điều làm nên tính độc đáo của mô hình giải trí nghệ thuật này đến từ 2 yếu tố: trải nghiệm và tác phẩm. Phần lớn người tham dự các workshop kỳ vọng sẽ hoàn thành được một bức vẽ màu acrylic lung linh làm bất ngờ chính bản thân mình. Thực tế, mọi người đều toại nguyện, nhưng giá trị tinh thần vô hình mà họ đạt được trong 4 tiếng hí hoáy bên cây cọ cùng bảng màu và quên hết mọi sự xung quanh, mọi lo âu buồn phiền lại là sự ngạc nhiên mang lại hạnh phúc lớn hơn.

“Mỗi lần mệt mỏi đến đây học đều cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều”, Huyền Trang trải lòng về workshop tại Marita Colors. Đúng như tiêu chí của Tipsy Art mà Thu Trang chia sẻ: “Chúng tôi tin giá trị tinh thần lớn hơn giá trị vật chất, nên chúng tôi muốn truyền cảm hứng về triết lý sống này đến nhiều người hơn nữa”.

“Tuy hấp dẫn là vậy, nhưng dịch vụ này cũng dần đến giai đoạn bão hòa”, Trang Nguyễn của Marita Colors nhận xét. Đó chính là lý do mà các công ty đang chuyển mình để mở rộng thị trường. Tipsy Art gọi vốn để mở không gian nghệ thuật co-working, từ đó nhắm tới thị trường khách du lịch quốc tế và khách hàng doanh nghiệp, với kỳ vọng tăng gấp 3 doanh số so với hiện tại. Song song đó, Marita Colors đẩy mạnh đấu thầu các dự án khách hàng doanh nghiệp với đa dạng hóa loại hình và chất liệu ứng dụng cho workshop.

Đây là nhu cầu khá lớn trong nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chú trọng đời sống tinh thần của nhân viên. Chị Thu Hà, chuyên viên của một công ty truyền thông tại TP.HCM, cũng tham gia nhiều khóa học về hội họa do công ty tổ chức.

Theo chị, các hoạt động này thu hút rất nhiều nhân viên hứng thú tham gia. Một mặt, đây là hoạt động giải trí tinh thần. Mặt khác, hội họa, âm nhạc hay các hoạt động nghệ thuật cũng tăng cảm xúc (EQ), qua đó giúp tăng hiệu suất làm việc cho nhân viên. “Rất thú vị khi tự mình hoàn thành một bức tranh và có thể treo ở nhà hoặc nơi làm việc. Ngắm nhìn thành quả của mình hằng ngày cũng rất tuyệt. Chúng tôi luôn háo hức cho những buổi học tiếp theo”, chị Hà chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Tư vấn nhân sự của Mekong Capital, cho biết, thay vì tách biệt ra để tính chuyện cân bằng công việc và cuộc sống, Mekong Capital đưa cuộc sống, những mục tiêu cá nhân của các thành viên vào chính nơi mà Công ty hay gọi là “Gia đình thứ hai” này. “Tất cả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều xoay quanh 6 động lực (6 cam kết ở cấp độ cá nhân, nhưng được cả công ty đồng thuận và chọn làm cam kết chung của cả đội ngũ). Tương ứng với những động lực đó, chúng tôi sẽ tổ chức cho đội ngũ tham gia những hoạt động như học vẽ, học nhảy Dance Sport, dự khóa thiền ở Làng Mai, Thái Lan”, chị Giang cho biết.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày