Những liên minh môi trường

Thanh Hằng Thứ Hai | 08/07/2019 08:31

Ảnh: QH

Các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nước giải khát và bao bì chung tay giải quyết nạn rác thải nhựa tại Việt Nam.
Ảnh: QH

Là bãi biển dành riêng cho loài rùa biển lên đẻ trứng, Bãi Thịt ở Vườn quốc gia Núi Chúa hầu như chỉ có dấu chân rùa và các anh kiểm lâm canh trứng cho chúng. Hầu như không có con người lưu lại, bãi biển này chắc sạch sẽ lắm? Câu trả lời là không.

Bởi vì, khắp bãi biển, đâu đâu cũng vương vãi vô số bao nylon vùi một phần trong cát, những mảnh lưới sợi to sợi nhỏ, những mút xốp và những vỏ chai nhựa lăn lóc khắp nơi.

Là quốc gia chưa xử lý được gần 2 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, cảnh tượng này rất phổ biến dọc bờ biển trên khắp Việt Nam. Thế nhưng giờ đây, những chai nhựa gây hại cho môi trường có thể sẽ thay đổi, khi nhà sản xuất chúng liên tiếp tạo ra những liên minh để cho chúng một cuộc đời khác.

Khi công tư bắt tay

Từ chai nhựa chỉ được dùng một lần rồi hạ cánh ở bãi chôn lấp hoặc trở thành rác môi trường như ở Bãi Thịt, các chai nhựa được kỳ vọng tham gia vào vòng tuần hoàn, được thu gom để tái sinh và khép kín vòng tròn nguyên vật liệu thô. Để thực hiện mục tiêu này, cuối tháng 6 vừa qua, 9 doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nước giải khát, sữa và bao bì đã bắt tay thành lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Tập hợp doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước kỳ vọng sẽ thay đổi được tình trạng rác thải nhựa và bao bì giấy ngoài môi trường tại quốc gia nhiệt đới tiêu thụ đến gần 2 tỉ lít nước giải khát mỗi năm.

Hướng đến hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì vào năm 2030, PRO Vietnam dựa trên các trụ cột hoạt động chính để hiện thực hóa tham vọng của tổ chức gồm: nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý, các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế; và hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh Recycle - Tái chế thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện nhằm cải thiện điều kiện sinh kế và tạo việc làm cho các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bao bì sau tiêu dùng.

Nhung lien minh moi truong
 

Tương tự, Tiểu ban Tăng trưởng Xanh thuộc EuroCham giới thiệu Sáng kiến Thu thập và Tái sử dụng Bao bì (PCRI). Sáng kiến này gồm nhóm các công ty kinh doanh nước uống, nước ép và sữa đóng chai trong và ngoài nước.

Cả PRO Vietnam và PCRI đều đánh dấu việc các đối thủ bắt tay nhau trong việc giải quyết vấn nạn chung. Trước đó, sáng kiến 5 năm có tên Zero Waste to Nature (Không xả thải vào thiên nhiên) đã được VCCI phát động vào giữa năm 2018. Sáng kiến này hướng đến các mục tiêu giải quyết vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; và phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, hoạt động cốt lõi của sáng kiến này là phân loại rác tại nguồn, diễn ra trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM.

Danh thơm sẽ thay danh xấu?

Ước tính 1,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh tại Việt Nam mỗi năm với tốc độ tiêu thụ nhựa tăng 16-18% hằng năm. Trong khi đó, quản lý chất thải, cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng. Một mối quan tâm lớn về vấn đề này là thiếu hệ thống phân loại chất thải tại nguồn. Các liên minh, sáng kiến, hay từng thành viên trong những liên minh này, hầu như đều đặt mục tiêu không còn thải rác nhựa ra môi trường từ năm 2025-2030.

Nhung lien minh moi truong
 

Không chỉ hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng việc tái sử dụng và tái chế bao bì nhựa, các nhà sản xuất còn sử dụng vật liệu thay thế, nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn. “Cần có sự thay đổi căn bản đến từ người tiêu dùng, hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp trong cách nhìn nhận việc vứt bỏ những thứ không dùng đến”, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh thuộc EuroCham nhấn mạnh. Tại EU, các quốc gia đã kết nối chuỗi giá trị từ đóng gói đến tái chế, ông Tomaso nói về kinh nghiệm thực tiễn từ châu Âu, sau đó EU ban hành chỉ thị đóng gói và chất thải bao bì.

Tuy nhiên, trong lúc chưa rõ lộ trình thực hiện cũng như ngân sách phân bổ cho chương trình, các chương trình với những thành viên tham gia chồng lấn lên nhau chưa rõ có hành động khác biệt hay tương đồng trong việc hướng đến mục tiêu chung. “Làm thế nào để chúng tôi đạt được mục tiêu năm 2030 không còn rác thải nhựa, điều đó phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước”, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Vietnam, chia sẻ về lộ trình của Liên minh.


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày