Rồi một ngày cuộc sống hóa hư vô

Bình Yên Thứ Ba | 13/11/2018 10:27

Như lời của chính tác giả, nhờ cận tử, ta mới nhận ra điều thực sự quan trọng với bản thân mình.

Là bức tranh tổng thể về cái chết nhưng Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô của Hideko Suziki không chứa bất kỳ giọt nước mắt nào. Hàm chứa trong đó là một bản đồ mà khi dõi theo nó, người đọc có thể trở nên mạnh mẽ hơn, phá vỡ những giới hạn của chính mình ngay khi thần chết đã bắt đầu gõ cửa.

Giáo sư Hideko Suziki sinh năm 1932, là một tác giả lớn ở Nhật với hàng chục đầu sách đã được xuất bản và chuyển ngữ. Có điều kiện tiếp xúc với nhiều người cận kề cái chết, bà cho biết, điểm chung giữa họ là sự yếu đuối khi biết mình đang đến gần điểm kết của cuộc đời.

Không biết rằng, chính những hoang mang và buông trôi bản thân trong giai đoạn đáng sợ ấy mới là ngọn dao bén, cắt đứt câu chuyện đời mình. Thế nên, ngay từ trang mở đầu, người đọc sẽ được tiếp cận với câu hỏi quen thuộc: “Chúng ta sẽ làm gì nếu ngày mai ta chết?”. Từ điểm xuất phát có vẻ không có gì mới này, tác giả dẫn người đọc vào thế giới nội tâm đầy biến động của những người cận tử để thấy rằng, rất cần thiết phải biết ơn cái chết, vì sự sống chúng ta đang có.

Mang đến cho người đọc câu chuyện về mộ chí, tác giả hướng người đọc nghĩ đến những dòng sẽ ghi trên bia đặt trước nấm mồ của chính mình. Ai sẽ ghi lên đó chức vụ cao nhất mà người chết đảm nhiệm, hay số tài sản khổng lồ họ sở hữu, hay học hàm, học vị? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Chỉ có nhân cách chính là điều mà mọi người sẽ nghĩ đến khi khắc mộ chí cho người nằm xuống. Vậy khi chuẩn bị chu toàn cho cái chết của mình, phải bắt đầu từ đâu, người đọc sẽ phải trả lời cho chính mình.

Văn phong giản dị, tựa như những đối thoại trực tiếp, Giáo sư Hideko Suziki từng bước hướng dẫn người đọc sống chung với cái chết, cho người đọc hiểu rõ hơn giá trị của cái chết cũng như cách thức để vượt qua chướng ngại về điểm kết thúc cuộc đời... Bà mở cửa cho người đọc đến với những ngôi nhà đang có người hấp hối, dẫn người đọc đến các viện dưỡng lão lâu năm, đưa người đọc đến tham dự buổi đối thoại của các đài truyền hình quốc gia...

Xuyên suốt những câu chuyện trực tiếp về cái chết là thông điệp sâu sắc dành cho người sống. Thất bại hay tổn thương đều có ý nghĩa riêng của nó, nếu chúng ta nhìn chúng dưới lăng kính của sự trân trọng. Ý thức về cái chết sẽ là kim chỉ nam cho những quyết định tốt nhất của con người khi còn sống.

Ở một quốc gia có tỉ lệ người tự sát khá cao như Nhật, thị trường sách có sự hiện diện của Ending Note, một cuốn sổ tay ghi lại những biến chuyển về mặt tâm tư, tình cảm cũng như di nguyện mà người chết muốn nhắn gửi. Rất nhiều người đã không thể hoàn thành bất cứ dòng nào trong Ending Note, rất nhiều người không thể đặt dấu chấm tròn trịa cho cuộc đời mình mà khiến nó kết thúc một cách vô vị.

Với Rồi Một Ngày Cuộc Sống Hóa Hư Vô, Giáo sư Hideko Suziki đã làm được điều mà chính bà mong muốn: Mang đến nguồn năng lượng tích cực để mỗi ngày còn sống đều là một ngày vui. Sách do Vibook thực hiện, Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành


Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày